Tập trung cao độ chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022
VHO - Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại Hội nghị trực tuyến về công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2022 do Bộ GD&ĐT tổ chức vào hôm nay 8.6.
Quang cảnh hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, trong tình hình dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề, với cố gắng chung của ngành Giáo dục, sự quan tâm của các địa phương, cùng nỗ lực vượt bậc của 63 tỉnh thành và tham gia trực tiếp của các thầy cô giáo, năm học vừa qua đã kết thúc đúng kế hoạch cho khối lớp 12. Đây là tiền đề quan trọng để có thể tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đồng loạt trên cả nước.
Tại giai đoạn nước rút này, Bộ trưởng yêu cầu Bộ GD&ĐT và các địa phương tập trung cao độ chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Trong hội nghị, Bộ GD&ĐT, các Bộ ban ngành, địa phương sẽ cùng thống nhất những nội dung quan trọng liên quan đến kỳ thi và lường trước mọi khả năng, đưa ra phương án dự phòng, mọi tình huống thiên tai dịch bệnh...
Theo Bộ trưởng, hiện dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng ảnh hưởng còn hiện hữu, cần phương án tổ chức thi cho các đối tượng liên quan dịch bệnh và dự phòng các bất thường. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo cấp tỉnh hỗ trợ tối đa Sở GD&ĐT chuẩn bị tốt nhất khâu chuyên môn cho thí sinh, bao gồm cả kiến thức và tâm lý, hỗ trợ học sinh vùng sâu vùng xa về đi lại, lưu trú để tham gia kỳ thi tốt nhất. Đặc biệt các địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra, giữ an toàn tuyệt đối cho đề thi, công tác chấm thi,… và các khâu liên quan, đảm bảo an toàn, bảo mật, trật tự.
Theo Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT), đến 17h ngày 5.6.2022, các đơn vị đã hoàn thành xong việc duyệt phiếu đăng ký dự thi với tổng số phiếu đăng ký dự thi trên hệ thống là trên 1 triệu phiếu. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia đến kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi tại địa phương; bảo đảm kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng.
Thí sinh TP.HCM tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021
Việc chấm thi tốt nghiệp THPT vẫn được giao cho các địa phương thực hiện, với sự giám sát của thanh tra các tỉnh, thành và thanh tra do Bộ huy động. Các Sở GD&ĐT triển khai công tác coi thi ngày 7-8.7.2022 đảm bảo an toàn, nghiêm túc tại tất cả các điểm thi. Theo kế hoạch, ngày 24.7 sẽ công bố kết quả thi sau khi kết quả thi của các tỉnh, thành được nhập lên hệ thống quản lý thi của Bộ GD&ĐT và tiến hành chạy đối sánh để đảm bảo kết quả chính xác tuyệt đối.
Hội nghị ghi nhận ý kiến của 13 địa phương, 5 đại diện bộ ngành, vụ cục, tất cả đều hướng đến một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, chất lượng. Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội báo cáo, năm nay, toàn thành phố Hà Nội có gần 98.000 thí sinh đăng ký dự thi, được xem là số lượng thí sinh dự thi lớn nhất cả nước. Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành kế hoạch, phân công rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, quận huyện; đảm bảo cơ sở vật chất, an ninh, an toàn tại các điểm thi… Sở GD&ĐT Hải Phòng thông tin, năm nay, địa phương có 22.573 thí sinh, 49 điểm thi chính thức, điều động 3.000 cán bộ làm công tác coi thi.
Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, mặc dù đầu năm gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng ngành đã nỗ lực hoàn tất chương trình theo đúng kế hoạch năm học. Ban Chỉ đạo thi cấp thành phố đã được thành lập, họp và thực hiện các nhiệm vụ; đặc biệt quan tâm chuẩn bị cơ sở vật chất trong mùa mưa bão cùng an toàn giao thông, giao lãnh đạo quận huyện giám sát. Công tác hướng dẫn hơn 86.000 thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến được triển khai thuận tiện. Đánh giá cao tính nhân văn của quyết định cho phép học sinh bị ảnh hưởng bởi Covid-19 có thể dự thi, đại diện ngành Giáo dục TP.HCM thông tin thêm, trong mấy tuần qua, học sinh địa phương này thường xuyên được kiểm tra sức khoẻ, không có em nào trong thời gian gần đây bị nhiễm Covid-19.
Cùng với ba địa phương nói trên, đa số các tỉnh, thành khác đều đã chủ động, linh hoạt trong công tác dạy học, ôn tập, đẩy mạnh công tác truyền thông, chuẩn bị cơ sở vật chất, phương án dự phòng, tập huấn cán bộ, phổ biến quy chế thi cho thí sinh,…
Một số địa phương có ý kiến trao đổi về khó khăn khi chuẩn bị khu vực để vật dụng cho thí sinh cách phòng thi 25m do một số điểm thi không đủ diện tích; đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất. Nhiều ý kiến cũng cho rằng nên xem xét bỏ quy định cho phép thí sinh mang các loại máy ghi âm, ghi hình không có chức năng phát sóng vào phòng thi vì gây khó kiểm soát khi quản lý các thiết bị.
KIỀU GIANG