Quan tâm, ổn định tâm lý học sinh khi các em đi học trở lại
VHO- Việc học trực tuyến suốt một thời gian dài, đã khiến các em học sinh không được giao tiếp, gặp gỡ bạn bè, thiếu đi sự tương tác với thầy giáo, cô giáo... Do đó, để học sinh không bị “sốc” khi đi học trở lại thì công tác ổn định tâm lý cho học trò phải là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Cởi bỏ nỗi lo cho phụ huynh
Từ ngày 10.2 tới đây, theo quyết định của UBND TP Hà Nội, trẻ mầm non, tiểu học và học sinh lớp 6 thuộc các huyện/thị xã ngoại thành Thủ đô sẽ chính thức quay trở lại trường học trực tiếp. Thông tin này đã khiến nhiều bậc phụ huynh vô cùng vui mừng, nhất là với nhóm học sinh lớp 1 và mầm non. Trong hơn 9 tháng qua, trẻ mầm non 5 tuổi đã ra lớp 1 nhưng vẫn phải học online và chưa được gặp thầy cô, bạn bè.
Các trường học ngoại thành Hà Nội tất bật làm công tác vệ sinh môi trường học đường
Anh Hoàng Quốc Hải, phụ huynh có con học lớp 1 tại huyện Hoài Đức chia sẻ: “Vừa phải đảm bảo công việc tại cơ quan, vừa phải cùng con ôn luyện bài vở vào mỗi buổi tối, nên quãng thời gian này đối với gia đình tôi thực sự rất vất vả”. Lý giải về điều này, anh Hải cho rằng việc cùng con học bài là hoạt động thường xuyên đối với nhiều phụ huynh, nhưng dường như đó chỉ là xem lại kiến thức đã được học trên lớp rồi hoàn thiện phần bài tập được giao. Còn lần này, bố mẹ phải giúp con hệ thống lại kiến thức của tất cả các môn học. Với lứa tuổi học sinh tiểu học, nhất là lớp 1 thì để con có thể nhớ rõ, nắm được và vận dụng kiến thức thành thạo là kỹ năng mà không phải phụ huynh nào cũng có thể làm được. Do đó, cho học sinh tiểu học được đến trường lúc này là vô cùng hợp lý, giúp gia đình anh cởi bỏ được nỗi lo.
Có hai con đang là học sinh lớp 1 và lớp 3 trên địa bàn huyện Ứng Hòa, chị Nguyễn Lan Mai kể lại: “Những ngày đầu cùng con ngồi vào bàn học bản thân mình hào hứng lắm. Có lúc tôi đã chủ quan nghĩ rằng, lứa tuổi học sinh lớp 1 thì kiến thức chỉ dừng lại ở mức độ ghép các vần trong bảng chữ cái hay thực hiện tính toán đơn giản. Thế nhưng chỉ chưa đầy 3 ngày là hai vợ chồng tá hỏa vì nhận ra mình đã quan niệm sai lầm”.
Thực tế nhìn vào chương trình lớp 1 sẽ thấy, ban đầu các em được học chữ cái, sau đó là ghép các từ rồi hoàn thiện câu văn, dần dà ở mức độ cao hơn là viết chính tả, đọc các bài thơ, các đoạn văn. Với môn toán thì học sinh làm quen với việc đếm số, thực hiện phép tính…Chỉ sơ qua thôi đã không thể liệt kê hết được những yêu cầu về mặt kiến thức, chưa kể tới việc hoàn thiện kỹ năng, giải đáp thắc mắc của con trẻ về những điều đơn giản mà các em thường gặp trong cuộc sống. Ở lứa tuổi này người dạy học gặp khó khăn nhiều hơn vì học sinh còn nhỏ, mức độ nhận thức còn non nớt.
“Thời điểm hiện tại, tình hình dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, cộng thêm các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt của nhà trường khiến phụ huynh yên tâm hơn nên gia đình tôi ủng hộ việc các con được quay trở lại trường", chị Mai bày tỏ.
Không đặt nặng việc học kiến thức
Cô giáo Phạm Thị Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đức Giang (huyện Hoài Đức) cho biết, ngay khi nhận được văn bản từ thành phố về việc cho phép học sinh tiểu học quay trở lại trường, nhà trường đã báo cáo Đảng ủy, UBND xã về việc phun khử khuẩn toàn trường để sẵn sàng đón học sinh. Đồng thời phối hợp với phụ huynh để chủ động thực hiện công tác dọn dẹp, vệ sinh trường lớp. Năm học 2021-2022 Nhà trường có 252 em học sinh lớp 1 và được chia thành 6 lớp.
Đón học sinh đi học trở lại đảm bảo các quy định phòng chống dịch
Cô Hà nhấn mạnh: "Các bậc phụ huynh, cũng như các em học sinh đều rất háo hức mong chờ tới ngày này. Chúng tôi đã lên kịch bản để đón học sinh theo tinh thần hướng dẫn liên ngành Y tế - Giáo dục & Đào tạo thành phố. Dự kiến ngay trong tối ngày 8.2, Nhà trường sẽ tổ chức họp phụ huynh trực tuyến, thông qua đó tạo sự phối hợp tốt nhất giữa gia đình và nhà trường trong vấn đề phòng dịch cho trẻ. Đặc biệt, với trẻ lớp 1 thì càng cần sự đồng hành, hỗ trợ của cha mẹ trong việc tuân thủ nguyên tắc "5K", kiểm tra thân nhiệt từ nhà để có phương án xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, trong thời điểm này, không nên đặt nặng việc học kiến thức mà cần làm sao để các em nhanh chóng thích ứng với điều kiện và hoàn cảnh học tập mới”.
Nếu cộng cả thời gian nghỉ Tết với đợt nghỉ học phòng sự lây lan của dịch Covid - 19, thì các em học sinh có một quãng thời gian nghỉ khá dài. Nhiều giáo viên bậc học tiểu học cho rằng, các kỳ nghỉ dài thường dẫn tới những xáo trộn nhất định trong việc tiếp thu kiến thức, nhất là ở lứa tuổi tiểu học. Thậm chí với những em có sức học yếu nếu không có sự kèm cặp tận tình, tỉ mỉ dễ dẫn tới việc các em bị tụt lại phía sau so với các bạn trong lớp. Vì vậy khi đi học trực tiếp trở lại, bên cạnh các biện pháp bảo đảm an toàn cho thầy và trò thì nắm bắt tâm tư, suy nghĩ của các em cũng rất quan trọng. Sức khỏe tinh thần của học sinh trong thời gian này quan trọng hơn là kiến thức, vì thế, không gây áp lực, quá tải. Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ cũng cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức. Điều quan trọng khi đón trẻ trở lại trường chính là làm công tác tư tưởng để động viên, khích lệ tinh thần tạo sự hào hứng cho các em.
Trong bối cảnh mô hình “Sống chung với Covid-19” được nhiều nước áp dụng, mở cửa trường học đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Số liệu UNICEF và UNESCO ngày 7/1/2022 cho thấy: trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương với 26 nước có 65% mở cửa hoàn toàn; 35% còn lại mở cửa một phần, trong đó có Việt Nam). UNICEF và UNESCO khuyến cáo: “Trong đại dịch, nơi đóng cửa muộn nhất là trường học và nơi mở cửa sớm nhất cũng là trường học”. |
VŨ MỪNG