Nhiều bất cập trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm
VHO - Đó là đánh giá của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức tại chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời, chủ đề “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm” vào sáng qua 10.9. Chương trình do HĐND TP.HCM phối hợp Đài Truyền hình TP.HCM, Sở TT&TT TP.HCM tổ chức.
Một trường trung cấp nghề tại TP.HCM với đa dạng chương trình đào tạo
Tuyển sinh trung cấp nghề gặp khó
Theo Sở LĐ,TB&XH TP.HCM, tính đến tháng 6.2023, TP.HCM có 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với 62 trường cao đẳng, 60 trường trung cấp, 22 Trung tâm GDNN-GDTX, 54 Trung tâm GDNN, 178 doanh nghiệp đăng ký hoạt động GDNN.
Các cơ sở GDNN của TP hiện có gần 371.000 người học; hằng năm có khoảng 125.000 người học tốt nghiệp, bổ sung cho thị trường lao động tại TP.HCM và các khu vực lân cận. Chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề đã đáp ứng một cách tương đối yêu cầu thị trường lao động.
Trong những năm qua, tuyển sinh của các trường nghề hệ cao đẳng đạt trên 130%, trong khi đó trường trung cấp nghề chỉ đạt dưới 40% quy mô tuyển sinh. Tình hình phân bố các trường nghề trên địa bàn TP chưa gắn với phân bố các khu công nghiệp. Các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè là những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, trong khi đó lại khá ít trường nghề.
Theo các đại biểu, hiện nay các cơ sở GDNN gặp khó trong tuyển sinh, do tâm lý muốn theo học đại học hơn là trường nghề. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các trường nghề chỉ tuyển đạt khoảng 30,6% so với chỉ tiêu đề ra, trong đó tuyển mới đạt hơn 96.000 người học, trong khi nhu cầu tuyển mới của các trường lên tới 315.000 học viên.
Nguyên nhân của những bất cập nêu trên do thông tin về trường nghề vẫn chưa tiếp cận được với các phụ huynh, học sinh. Các chính sách ưu đãi về thuế đối với cơ sở khi tham gia hoạt động GDNN gặp nhiều khó khăn do các tổ chức, cá nhân này không tiếp cận được thông tin, cũng như chưa chủ động tích cực tham gia vào hoạt động GDNN…
Trong 7 tháng đầu 2023, TP đã giải quyết việc làm cho gần 190.000/300.000 người lao động, đạt 63% kế hoạch. Bình quân có khoảng 90% học viên trường cao đẳng nghề, trên 84% học viên trường trung cấp nghề có việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp.
Tại chương trình, các cử tri là đại diện doanh nghiệp, cơ sở đào tạo GDNN, người lao động, phụ huynh, học viên… đã đặt nhiều câu hỏi, liên quan đến cơ chế, chính sách khuyến khích công tác đào tạo nghề dành cho nhà trường, doanh nghiệp và người học.
Thông tin về việc hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp, bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM cho biết, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì được hỗ trợ tối đa 2 triệu đồng/người/khóa, phần chênh lệch còn lại sẽ do doanh nghiệp cử đi và người học đóng góp. Các nhóm người lao động khác thuộc các đối tượng ưu tiên như phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật, hộ nghèo,…có mức hỗ trợ từ 2-6 triệu đồng/người/khóa. Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ tiền ăn cho người học và hỗ trợ 1 lần tiền đi lại, nếu như địa điểm từ nơi học đến nơi ở trên 15 km. Đặc biệt, theo chính sách (Nghị định 81/2021/NĐ-CP) hiện nay, với đối tượng tốt nghiệp THCS mà học tiếp lên trình độ trung cấp nghề thì được miễn học phí đào tạo nghề.
Chương trình phổ thông mới đẩy mạnh các môn học về công nghệ và hướng nghiệp. Trong ảnh, học sinh THCS TP.HCM trong tiết học về kỹ thuật điện
Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu thông tin, những năm qua, công tác phân luồng, hướng nghiệp sau THCS và sau THPT được Sở tích cực đẩy mạnh. Việc tư vấn, định hướng nghề được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt ngoại khóa. Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong muốn, tỷ lệ chọn học nghề sau tốt nghiệp THCS chỉ đạt khoảng 20% so với chỉ tiêu đặt ra là 30%. Ngoài ra, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong mỗi tuần học có 3 tiết để thực hiện công tác hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, ở đó học sinh biết được nhiều hơn về năng lực bản thân, phân tích định hướng, để lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. “TP có 376 trường nghề, công suất đào tạo rất lớn nhưng thiếu người học, gây tình trạng lãng phí và mất cân đối, thiếu hụt lao động, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác định hướng nghề cho học sinh”, ông Hiếu cho hay.
Người cần việc và người cần nhân lực gặp nhau càng sớm càng tốt, càng đúng càng tốt
Phát biểu tại chương trình, ông Dương Anh Đức bày tỏ, thông qua các trao đổi của cử tri, chúng ta nhận ra nhiều điểm còn bất cập trong chính sách và thực tiễn khi triển khai công tác này. Hiện, TP.HCM đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để nâng cao công tác đào tạo nhân lực, đặc biệt là đào tạo nghề. TP đặt mục tiêu 2025 sẽ đạt nguồn nhân lực qua đào tạo là 87% và đến 2030 là 89%, đây là một thách thức không đơn giản nhưng TP.HCM sẽ quyết tâm đạt được.
“Tôi đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành TP tập trung theo dõi, ghi nhận các ý kiến cử tri và tham mưu cho TP các nội dung: Công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, trong đó đặc biệt là mạng lưới cơ sở GDNN; tham mưu cho TP ban hành các chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo cho người học, cho đội ngũ nhà giáo, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có tham gia tích cực vào công tác đào tạo cũng như khai thác tốt chương trình kích cầu…Các cơ sở GDNN phải quan tâm thực sự đến việc nâng cao chất lượng đào tạo. Mỗi cơ sở cần xác định thế mạnh và thật sự phát huy những thế mạnh này như những mũi nhọn để có thể tham gia tốt vào thị trường lao động”, ông Đức nhấn mạnh.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP cho biết sẽ ghi nhận và tổng hợp đầy đủ để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết, đồng thời HĐND TP.HCM cũng sẽ thông tin kịp thời để cử tri. HĐND TP cũng sẽ tăng cường giám sát các nội dung, các phần việc mà các đơn vị nêu ra.
“Qua chương trình kỳ này, HĐND TP.HCM đề nghị UBND TP cần quan tâm một số nội dung: Tiếp tục tăng cường các nhóm giải pháp để phát triển chính sách GDNN theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ GDNN theo nhu cầu học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, có phân tầng chất lượng, bảo đảm quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo đáp ứng thị trường lao động và hội nhập quốc tế.
Tiếp tục nghiên cứu, vận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98 để khẩn trương xây dựng các chính sách, đề án, các chương trình, kế hoạch. HĐND TP.HCM cũng sẽ đồng hành cùng các đơn vị để tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách, các đề án để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn TP ngày càng hiệu quả hơn”, ông Bình cho hay.
Để hoàn chỉnh bức tranh đào tạo nghề và giải quyết việc làm, cần có sự liên kết chặt chẽ từ khâu tư vấn, định hướng nghề ngay từ bậc phổ thông, cho đến các chính sách hỗ trợ. “Một điều hết sức quan trọng là phải làm sao để xã hội hiểu rằng con đường thành công của mỗi người không phải duy nhất là vào đại học mà còn nhiều con đường, trong đó có con đường triển vọng là chúng ta theo đuổi nghề với kỹ năng chất lượng cao, thì sẽ có cơ hội phát triển tốt”, ông Dương Anh Đức nói và yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt vấn đề giải quyết việc làm, đặc biệt là khâu kết nối cung cầu, để người cần việc và người cần nhân lực có thể gặp nhau càng sớm càng tốt, càng đúng càng tốt.
THÙY TRANG