Nhanh chóng “thích ứng” để trẻ được học trực tiếp
VHO-Việc học trực tuyến kéo dài đang ít nhiều ảnh hưởng đến công tác giáo dục và việc học tập của học sinh. Trong tình hình phòng, chống dịch theo phương châm “thích ứng, linh hoạt” của Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Y tế đề nghị các địa phương mạnh dạn cho trẻ đến trường nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch.
Học trực tuyến hay trực tiếp?
Báo cáo của Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT cho thấy, do diễn biến dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp nên chỉ có 28 tỉnh, thành phố đang tổ chức cho học sinh (HS) học trực tiếp trên địa bàn toàn tỉnh. Có 35 tỉnh/TP với 337 quận/huyện đang học trực tuyến, học trên truyền hình. Số HS đang học trực tuyến khoảng 6.739.020 HS (tiểu học 42,5%, THCS 74,3%; THPT 55,2%; Liên cấp 48,1%). Trong đó, nhiều địa phương cho HS học trực tuyến từ cuối năm học trước, và hiện nay vẫn đang tiếp tục đang học trực tuyến.
Học trực tuyến kéo dài có thể ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục
Với việc học trực tuyến kéo dài này đã ảnh hưởng tới hoạt động giáo dục, giáo viên, HS, còn phụ huynh thì lo lắng. Cô Nguyễn Thị Thu, trường THCS Khương Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, dạy trực tuyến ngoài cập nhật các phần mềm, chuẩn bị bài giảng thì việc quản lý học sinh cũng khó khăn. “Nhìn được học sinh qua màn hình nên không bao quát được toàn bộ lớp, một số bạn tự giác, chủ động thì tích cực nhưng một số bạn khi cô gọi đến tên thì bỗng nhiên im lặng và thoát khỏi lớp học. Một lúc sau vào lại giải thích là con bị thoát mạng”, cô Thu chia sẻ. Các giáo viên cũng cho rằng, HS đang trong kỳ thi giữa kỳ nên việc ôn tập cho các con cũng bị ảnh hưởng, việc thi cử cũng không thể đánh giá hết thực chất, kết quả học tập của HS, vì thế chất lượng giáo dục có những ảnh hưởng nhất định.
Trong khi đó, đối với phụ huynh lại có mối lo khác khi phải đi làm trong khi các con ở nhà học một mình, không ai quản lý. Nhiều khi chỉ vào lớp điểm danh, nếu giáo viên không để ý thì các bạn làm việc riêng như đọc truyện trên mạng, chơi điện tử mà khó phát hiện được vì các con vẫn nhìn vào màn hình. Để kết nối và phối hợp quản lý HS, các lớp đã lập nhiều nhóm học tập với sự có mặt của phụ huynh để nắm bắt các bài học, bài tập để cùng giáo viên hỗ trợ các con, nhưng thực tế cũng còn nhiều hạn chế.
Trước thực trạng này, một số địa phương đang có kế hoạch cho HS trở lại trường vào ngày 15.11, nhưng trong 1 tuần trở lại đây, nhiều tỉnh, TP đã “đổi mầu” cấp độ dịch, viêc xuất hiện chùm ca bệnh trong trường học đã xảy ra. Bên cạnh đó, các địa phương cũng còn nhiều vướng mắc khi tổ chức cho HS đến trường học trực tiếp.
Một số địa phương đã nêu những vướng mắc trong việc đảm bảo an toàn phòng dịch khi HS trở lại trường. Trong đó vấn đề đeo khẩu trang và giãn cách đối với HS được nhiều đại biểu quan tâm bởi buộc trẻ đeo khẩu trang toàn ngày khá khó khăn, và cũng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe HS; Cũng tương tự như vậy đối với việc giãn cách và cách xử trí khi xuất hiện F0 trong trường học. Bà Châu Hoài Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh giữ vùng xanh hơn 120 ngày không có ca F0, tỉnh đã triển khai cho HS học trực tiếp từ năm học mới. Tuy nhiên từ ngày 5.11, Quảng Ninh xuất hiện F0, có 2 địa phương là Đông Triều và Uông Bí phải dạy trực tuyến khi hai địa phương này có 16 HS là F0. Quảng Ninh cũng yêu cầu HS đeo khẩu trang liên tục, nhưng HS tiểu học còn nhỏ, ngày học 2 buổi thực hiện rất khó khăn. Tỉnh có hơn 1.000 mắt camrera theo dõi giám sát các trường học, qua đó phát hiện HS lúc đeo, lúc không từ đó yêu cầu xử lý hành chính với trường học không thực hiện theo quy định phòng chống dịch. “Việc xử lý này cũng là tâm tư của các trường. Do đó, chúng tôi rất muốn ngành y tế có hướng dẫn cụ thể trong trường học đeo khẩu trang như thế nào cho phù hợp?”, bà Thu nói.
Còn theo ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ, qua khảo sát cho HS đi học trực tiếp vào đầu tháng 11, đầu tháng 12, và đầu năm 2022, chỉ có 1/3 phụ huynh đồng ý; điều này cho thấy nhiều người còn ngần ngại khi để cho con em mình đi học trực tiếp. Ông Tăng cũng nêu đề nghị Bộ Y tế sớm phân bổ vắc xin để tiêm cho các em, trên cơ sở đó các tỉnh có phương án cho HS quay trở lại trường.
Các địa phương chủ động quyết định việc cho trẻ đến trường
Với vướng mắc của ngành Giáo dục các địa phương, ông Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, Nghị quyết 128 NQ/CP về “Thích ứng an toàn, linh hoạt để kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã nêu rõ về các cấp độ dịch, cùng với đó là biện pháp phòng chống theo các cấp độ dịch. Bộ Y tế cũng hướng dẫn công tác phòng chống dịch Covid-19 trong trường học theo các cấp độ dịch. Theo đó, cấp độ dịch 1, các trường dạy, học trực tiếp bình thường; cấp độ dịch 2, dạy, học trực tiếp bình thường/hạn chế. Cấp độ dịch 3, dạy, học trực tiếp hạn chế; cấp độ dịch 4, ngừng dạy, học trực tiếp. “Các tỉnh, thành phố tùy thuộc vào tình hình dịch của địa phương để quyết định về cấp độ dịch, căn cứ vào đó để quyết định cho trẻ đến trường. Cần phải linh hoạt, thích ứng đến xã, phường, quận huyện; ví dụ một quận là cấp độ 2 nhưng phường trong quận đó lại là cấp độ 1. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn phòng chống dịch ở trường học về công tác vệ sinh, khử khuẩn, xử trí khi các trường hợp nghi mắc, mắc Covid-19, phong toả dập dịch...", ông Tuyên cho hay.
Bộ GD&ĐT không yêu cầu học sinh trong lớp phải đeo khẩu trang
Liên quan đến việc xuất hiện F0 trong trường học, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, các trường học phải xây dựng 2 kế hoạch phòng, chống dịch, trong đó 1 có kế hoạch phòng chống dịch “thích ứng” với tình hình mới và 1 kế hoạch khi xuất hiện F0, bố trí phòng để sẵn sàng cách ly, công tác phối hợp với ngành y tế; thực hiện truy vết sâu, phong tỏa hẹp. Sau khi truy vết, xét nghiệm, phong tỏa lớp học, tầng học, tòa nhà, khử khuẩn, sau đó có thể cho HS quay trở lại trường học mà không cần phong tỏa toàn trường. Về việc đeo khẩu trang, ông Đỗ Xuân Tuyên đã nhắc lại công văn 1583 ngày 7.5.2020 của Bộ GD&ĐT nêu rõ HS không phải đeo khẩu trang, giãn cách trong lớp học và mà chỉ hạn chế tiếp xúc.
Đề cập tới vấn đề tiêm vắc xin cho trẻ, hiện còn một bộ phận phụ huynh không đồng ý tiêm vắc xin, liệu trẻ đó có được tới trường hay không? Ông Đỗ Xuân Tuyên cho hay, các địa phương có dịch ở cấp độ nào thì trẻ đến trường ở cấp độ ấy dù trẻ chưa tiêm hay đã tiêm nghĩa là tất cả trẻ đều được đến trường nếu địa phương đó tổ chức học trực tiếp.
Theo số liệu của Bộ Y tế, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 toàn quốc độ bao phủ tương đối cao, đặc biệt các tỉnh miền Nam, cùng với đó là bắt đầu triển khai tiêm văc xin cho trẻ từ 12 -17 tuổi trên toàn quốc. Trong thời gian tới đây, nhiều trường học sẽ sớm được mở lại, các địa phương, cơ sở giáo dục cần đảm bảo an toàn cho HS, trong đó có tập huấn kỹ năng phòng dịch cho giáo viên, HS, các biện pháp bảo vệ trẻ, tránh kỳ thị nếu xuất hiện F0, đồng thời tuyên truyền để phụ huynh hiểu rõ, đồng thuận, tăng tỷ lệ tiêm vắc xin cho trẻ.
“Các địa phương không nên chờ tiêm vắc xin mới mở cửa trường học trở lại vì cho tới thời điểm hiện tại mới chỉ tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, trẻ bé hơn, như từ 6-11 tuổi chưa có. Hơn nữa, rủi ro ở lứa tuổi 6-11 không lớn. Chúng tôi khuyến cáo các địa phương mạnh dạn cho các cháu đi học, nhất là địa phương ở cấp độ 1, 2. Nghị quyết 128/NQ-CP nêu rõ cấp độ 1, học sinh đi học bình thường, nhưng đến nay mới có 22 địa phương có kế hoạch này; vùng cấp độ 3 mới kết hợp học trực tiếp với trực tuyến”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Q.HOA