Miễn thi tốt nghiệp và xét tuyển đầu vào bằng Ielts có công bằng?
VHO- Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học mới trong công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra khối Sở GD&ĐT vừa qua, một vấn đề đã được đặt ra là “có nên miễn thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ và ưu tiên xét tuyển đại học cho những thí sinh có chứng chỉ Ielts hay không?”.
Việc miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ đối với những học sinh đã có chứng chỉ quốc tế là hoàn toàn công bằng. Ảnh minh họa
Theo quy chế tuyển sinh hiện tại của Bộ GD&ĐT, thí sinh có chứng chỉ Ielts từ 4.0 sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ và được quy đổi thành 10 điểm. Ngoài ra, theo phương án tuyển sinh của nhiều trường đại học, chứng chỉ Ielts sẽ là một trong những điều kiện để được xét tuyển sớm (Ielts + Điểm học bạ; Ielts + điểm thi đánh giá năng lực tư duy…).
Phát biểu tại Hội nghị, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, tới đây Bộ sẽ xem xét lại về mức độ ưu tiên chứng chỉ Ngoại ngữ trong thi tốt nghiệp THPT và trong việc thay thế tuyển sinh đầu vào. Lý do là bởi một số địa phương đã không thực hiện đúng chỉ đạo về việc tăng cường quản lý liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài, gây ra tình trạng lộn xộn, thiếu tuân thủ pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dự thi.
Ngay sau khi thông tin này được Cục Quản lý chất lượng đưa ra, đã có nhiều ý kiến trái chiều cả trên báo chí và mạng xã hội. Nhiều người cho rằng, việc miễn thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ và ưu tiên xét tuyển đại học đối với các thí sinh có chứng chỉ Ielts là không công bằng cho các thí sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nhiều em có điểm thi tốt nghiệp cao nhưng vẫn trượt nguyện vọng yêu thích vì chỉ tiêu dành cho các phương thức xét tuyển “dính” đến Ielts. Cùng với đó, ưu tiên xét tuyển cũng khiến việc học các môn khoa học cơ bản bị xao nhãng vì “học sinh mải luyện Ielts”…
Thế nhưng các trường “chuộng” phương thức xét tuyển có liên quan đến chứng chỉ Ielts không phải là không có lý, bởi thực tế cho thấy, một số cơ sở giáo dục đại học thuộc top đầu có những chương trình chất lượng cao, chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh, nên việc sử dụng thêm các tiêu chí như chứng chỉ ngoại ngữ trong xét tuyển là đương nhiên, bởi có tính hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, việc tuyển sinh bằng Ielts cũng không phải là tiêu chí duy nhất, ví như Ielts kết hợp với thi đánh giá năng lực thì kết quả cũng đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức tổng hợp tới 6 môn, chứ không phải học lệch, học tủ.
Việc miễn thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh có chứng chỉ Ielts không có gì là bất công bằng, vì để có chứng chỉ, các em cũng rất vất vả ôn luyện. Hơn nữa, các em đã có trình độ ngoại ngữ được quốc tế công nhận, nên cũng không cần phải tham gia thi môn Ngoại ngữ cho tốn thêm thời gian, tiền bạc của cả gia đình và xã hội. Việc miễn thi là hoàn toàn công bằng đối với các em. Còn các cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh đầu vào theo tiêu chí Ielts là do nhu cầu đào tạo của nhà trường, các em có trình độ ngoại ngữ, cũng là đỡ cho nhà trường không phải đào tạo môn này. Có chăng, chỉ cần xiết chặt việc thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ để không xảy ra tình trạng “bằng cấp thật, chất lượng giả”, nhằm tạo sự công bằng cho tất cả thí sinh có chứng chỉ.
HOÀNG ANH