Lớp học tình thương của cô giáo Huyền

VHO- “Nếu như chỉ vì hoàn cảnh mà bắt các con không được đi học thì tội lắm”, cô Phạm Thị Huyền, người giáo viên đã 21 năm giảng dạy ở lớp học tình thương phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ.

Lớp học tình thương của cô giáo Huyền - Anh 1

Cô Huyền dạy học sinh kỹ năng sống

Tốt nghiệp sư phạm, thường xuyên làm công tác xã hội, cô Phạm Thị Huyền luôn tâm niệm phải góp sức mình xoá nạn mù chữ, giúp đỡ cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhớ lại những ngày đầu mở lớp học tình thương này, cô Huyền cho biết, năm 1997 khi gia đình cô chuyển về Hà Nội, sống trong “Xóm bụi”, nơi có nhiều em đang trong độ tuổi đến trường, thay vì đi học lại phải nhặt vỏ chai, bán hàng rong để mưu sinh. Với tâm niệm của một giáo viên, cô quyết tâm không để các em nhỏ nơi này bị mù chữ. Bán bộ ghế salon ở nhà được 500.000 đồng, cô mua sách vở, bàn ghế về để mở một lớp học đặc biệt này. Thời gian đầu, lớp chỉ có 6 em, sau đó, tiếng lành đồn xa, sĩ số lớp không ngừng tăng lên. Có những lúc lớp có tới gần 20 em tham gia. “Lúc đầu vì kinh phí hạn hẹp, tôi phải đến từng nhà xin lại những bộ sách vở cũ, chỗ ngồi cũng chật chội. Nhưng sau được chính quyền địa phương và một số doanh nghiệp hỗ trợ, lớp học khang trang hơn, nhờ vậy mà cả cô và trò đều có động lực tiếp tục dạy và học”, cô giáo Phạm Thị Huyền cho biết. 

Lớp học của cô Huyền đa dạng về độ tuổi, hoàn cảnh. Có học sinh gia đình khó khăn về kinh tế, có người gần 40 tuổi cô vẫn nhận dạy vì trước đây không có điều kiện đi học… Dạy học ở lớp thường vốn đã khó, dạy ở những lớp tình thương khó khăn còn nhân lên gấp bội bởi mỗi người mỗi cảnh. Giáo án cũng phải điều chỉnh linh hoạt theo nhận thức của từng em. 

Khi mới mở lớp, cô Huyền chỉ dạy những em phát triển bình thường nhưng nhiều năm trở lại đây, cô bắt đầu nhận dạy cho cả trẻ em khuyết tật. “Với những bạn phát triển bình thường, cô có thể dạy một bài một buổi. Nhưng những bạn kém may mắn hơn, có khi dạy vài tháng mới được một bài. Vất vả hơn thật đấy nhưng vì tình thương, coi các con như con ruột của mình nên khó mấy tôi cũng kiên trì làm. Đến lớp, các con được múa hát, giao lưu với bạn bè. Có bạn nhận thức không được bình thường nhưng sau hai tháng học cũng đã thuộc hết bảng chữ cái”, cô Huyền chia sẻ. Đặc biệt, ngoài những giờ học văn hoá, cứ ba tháng một lần cô giáo của lớp học tình thương lại tổ chức những buổi dạy kỹ năng sống cho các em. Mỗi khi có những đợt tập huấn về HIV, tai nạn thương tích... cô đều tham gia để bổ sung kiến thức về truyền đạt lại cho học sinh của mình. Có những buổi học cô tự bỏ tiền túi ra mua nguyên liệu để dạy cho các em cách nấu bữa cơm gia đình.

Chia sẻ về cuộc sống của học sinh sau khi “tốt nghiệp” lớp học, cô Huyền cho biết, nhiều em đã lập gia đình và có việc làm ổn định, thu nhập khá. 

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc