Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ thi 5 hay 6 môn?
VHO- Bộ GD&ĐT đang triển khai xin ý kiến bằng văn bản tại 63 Sở GD&ĐT trên cả nước để có thêm căn cứ hoàn thiện dự thảo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trình lãnh đạo Bộ để trình lên Thường trực Chính phủ xem xét, cho phép công bố phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 (dự kiến trong tháng 9 năm 2023). Cụ thể, mục đích kỳ thi và thời gian thi vẫn giữ nguyên như đã nêu trong dự thảo phương án công bố trước đó, thực hiện tốt sự phân cấp, trách nhiệm trong tổ chức thi; nghiên cứu để tổ chức kỳ thi hằng năm vào thời điểm sớm hơn.
Nhiều thầy cô lo ngại việc không bắt buộc thi môn Lịch sử sẽ không giáo dục được tình yêu quê hương đất nước và niềm tự hào dân tộc cho học sinh (ảnh minh họa)
Tổ chức thi theo môn gồm các môn bắt buộc và các môn lựa chọn trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Nội dung thi bám sát yêu cầu cần đạt về năng lực và kiến thức chủ yếu của lớp 12 trong chương trình GDPT 2018. Có lộ trình phù hợp với thời gian học tập theo chương trình GDPT 2018 của học sinh. Phương pháp xét tốt nghiệp sẽ kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra những nhiệm vụ cần triển khai ngay, như việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025 với các thành viên từ các đơn vị liên quan; phân công công việc cụ thể để triển khai nhiệm vụ; xây dựng đề án và kế hoạch triển khai thực hiện phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo lộ trình từ nay đến năm 2030; nghiên cứu, xây dựng định dạng câu hỏi thi phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018…
Việc lấy ý kiến của 63 tỉnh, thành có liên quan đến việc các môn thi bắt buộc sẽ là 3 môn hay 4 môn, tương ứng môn thi tốt nghiệp sẽ là 5 hay 6 môn. Theo khảo sát mà các giáo viên nhận được, thầy cô sẽ lựa chọn một trong hai phương án về số môn thi tốt nghiệp. Lựa chọn thứ nhất là 6 môn (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn). Lựa chọn thứ 2 là 5 môn (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn, bao gồm cả Lịch sử). Khảo sát này trước đó cũng được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học ở TP.HCM với sự tham gia của các đại diện Sở GD&ĐT của 63 tỉnh, thành.
Một số ý kiến cho rằng, nếu theo lựa chọn phương án 1 (Lịch sử là môn thi bắt buộc) sẽ gây thiệt thòi cho những học sinh lựa chọn tổ hợp Tự nhiên, đồng thời cũng gây áp lực cho học sinh khi phải ôn nhiều môn. Trong khi đó, không ít thầy cô lo ngại việc không bắt buộc thi môn Lịch sử, học sinh sẽ học đối phó để cho “qua môn”, và quan trọng hơn là không giáo dục được tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về lịch sử dân tộc.
HOÀNG HƯƠNG