Khởi động chương trình "Xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn"

VHO- Chương trình “Xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn” đã được khởi động ngày 25.2 tại các trường Đại học sư phạm Hà Nội, Đại học sư phạm Thái Nguyên và Đại học Hồng Đức Thanh Hóa nhằm xóa bỏ bạo lực giới bao gồm quấy rối tình dục tại các trường đại học.

Chương trình do cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) thực hiện dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho hơn 2,.000 sinh viên và 300 giáo viên, cán bộ nhân viên tại các trường đại học. Các hoạt động chính của chương trình gồm  đánh giá tình hình an toàn của sinh viên và cán bộ, giảng viên nữ trong các trường đại học làm cơ sở xây dựng chính sách đảm bảo an toàn cho sinh viên; Tổ chức chiến dịch truyền thông trực tiếp và trực tuyến nâng cao nhận thức cho sinh viên về vấn đề bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới cũng như cách ứng phó khi bị bạo lực; Thiết lập kênh hỗ trợ khẩn cấp và thường xuyên cho những sinh viên, cán bộ nữ bị bạo lực thông qua phòng tham vấn tâm lý đặt tại các trường đại học.

Khởi động chương trình

Các đại biểu cam kết xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn

 

Phát biểu tại lễ khởi động, ông Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định “Trường đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng và các trường Đại học sư phạm nói chung có đặc trưng là số lượng sinh viên nữ chiếm tỉ lệ khá lớn, vì thế nguy cơ sinh viên nữ là nạn nhân hay người trải nghiệm những hình thức của bạo lực hẹn hò, quấy rối tình dục là một trong những vấn đề cần được quan tâm. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội rất vinh dự được tham gia vào chương trình này và sẵn sàng chung tay cùng với UN Women xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn để kiến tạo một môi trường học đường thực sự thân thiện, không có bất kì hình thức bạo lực nào xảy ra với các em sinh viên và cả cán bộ, giảng viên nữ trong nhà trường.”.

 

Bà Lê Thị Hằng - Phó vụ trưởng Vụ Công tác chính trị, Học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết: “Đây là sáng kiến đầu tiên được thực hiện bài bản, có hệ thống theo hướng dẫn chung toàn cầu ở môi trường đại học ở Việt Nam. Sự kiện này cũng cho thấy vai trò của các trường đại học sư phạm trong việc tuyên truyền, lan tỏa thông điệp về bình đẳng giới, chấm dứt mọi hình thức bạo lực với sinh viên và cán bộ nữ trong trường đại học. Những số liệu thu được từ dự án này sẽ là cơ sở có giá trị cho các nhà quản lí giáo dục, các nhà hoạch định chính sách để ban hành những quy định, chính sách thiết thực, hiệu quả nhằm đảm bảo môi trường học đường an toàn không bạo lực cho sinh viên”. 

 

Théo bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ quản lý chương trình của UN Women, bạo lực giới tại trường học và khuôn viên trường đại học bao gồm quấy rối tình dục, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tâm lý của nạn nhân mà còn ảnh hưởng tới chất lượng nền giáo dục và kinh tế của quốc gia.  UN Women sẽ đồng hành cũng các trường đại học tại Việt Nam để xây dựng những khuôn viên trường học an toàn và bình đẳng.

 

Trong phần thảo luận đại diện trường đại học đều khẳng định sự cần thiết của những dịch vụ hỗ trợ tâm lý có hệ thống và được đào tạo bài bản giúp sinh viên, cán bộ và giảng viên tại các trường đại học có thể bảo vệ bảo thân và lên tiếng trước những hành vi bạo lực giới. Ngoài ra, các hoạt động nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, các hình thức bạo lực giới bao gồm bao lực hẹn hò và quấy rối tình dục cả trên giảng đường và trên không gian mạng cũng cần được đẩy mạnh.

 

Bằng chứng trên toàn cầu cho thấy bạo lực đối với phụ nữ là một vấn đề nghiêm trọng tại các trường đại học, ví dụ trong một khảo sát quốc gia cho thấy 51% sinh viên ở Úc đã từng bị quấy rối tình dục ít nhất một lần trong năm 2016 và 6,9% sinh viên từng đối mặt với tấn công tình dục ít nhất một lần vào năm 2015 hoặc 2016. Tại Ai Cập, 70% phụ nữ tại Đại học Cairo từng bị quấy rối tình dục vào năm 2015. Các chuyên gia tin rằng hầu hết các vụ việc đều không được báo cáo. Việt Nam chưa có số liệu tương tự để so sánh với các nước khác. Tuy nhiên, Nghiên cứu Quốc gia lần 2 về Bạo lực đối với Phụ nữ tại Việt Nam năm 2019 cho thấy gần 2/3 phụ nữ trong độ tuổi 15-64 đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong đời dưới tay của chồng hoặc bạn tình.

 

NGUYỆT MINH

 

Ý kiến bạn đọc