Khánh Hòa: Nhiều khó khăn, thử thách khi học sinh phải học online
VHO -Mỗi ngày đến trường là một ngày vui, bởi thường lệ sau kỳ nghỉ hè các bạn học sinh lại gặp lại thầy cô, bạn bè và được học hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng từ cuộc sống mà thầy cô dạy dỗ... Tuy nhiên, năm học 2021-2022 này niềm vui ấy bị xáo trộn bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid 19.
Để ứng biến với dịch Covid-19 gần một tháng qua, hầu hết học sinh các trường học tại tỉnh Khánh Hòa phải chọn phương án dạy và học online. Đây là cách dạy và học mới nên trong thời gian vừa qua, thầy và trò ở các Nhà trường trong toàn tỉnh Khánh Hòa đã và đang đối diện với nhiều khó khăn, thử thách để thích nghi với phương pháp dạy và học mới này.
Nhiều khó khăn, thử thách khi học sinh phải học online
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Năm học 2021-2022, toàn tỉnh Khánh Hòa có 64.984 trẻ mầm non; 111.822 học sinh tiểu học; 74.625 học sinh trung học cơ sở và 37.301 học sinh trung học phổ thông tham dự buổi lễ khai giảng đặc biệt nhất “Khai giảng trực tuyến”. Đến nay, các trường tùy theo tình hình diễn biến dịch covid-19 tại địa phương để lựa chọn kế hoạch dạy học phù hợp. Trong đó, học sinh các cấp tại huyện đảo Trường Sa học tập bình thường, hai huyện miền núi Khánh Vĩnh và Khánh Sơn học sinh mầm non tạm ngưng đến trường. Các địa phương còn lại học sinh tiểu học tạm ngừng đến trường, học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông học online.
Học online là phương pháp dạy học phù hợp trứơc diễn biến phức tạp của dịch bệnh covid -19. Đây là biện pháp giúp hạn chế lây lan dịch bệnh, đồng thời đảm bảo thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa áp dụng phương pháp dạy học trực tuyến nên có vô số vấn đề phát sinh. Về phía giáo viên, thay vì đứng trên bục giảng như bình thường thì họ phải truyền đạt kiến thức của mình qua màn hình nên còn nhiều bỡ ngỡ, lúng túng. Đó là chưa kể đến những căng thẳng và áp lực vì ngoài học trò còn có phụ huynh cũng theo dõi tiết học.
Trao đổi với chúng tôi, cô Linh, giáo viên một trường trung học cơ sở tại TP. Nha Trang chia sẻ: Tôi nhớ buổi học online đầu tiên cách đây gần một tháng, phải mất gần 10 phút tôi mới ổn định được lớp bởi thao tác chưa quen, học sinh còn mở mic lúc chưa cần thiết nên lớp học rất ồn. Một phụ huynh còn nói “ui, cô Linh nay mập thế” làm tôi hết sức ngượng ngùng. Trong khi đó, một thầy giáo dạy Toán ở Nha Trang chia sẻ: Đang giảng bài cho học sinh tôi đứng hình khi thấy phụ huynh nam 1 em trong lớp học mặc mỗi chiếc quần đùi đứng trước màn hình nhắc con tập trung học bài...
Cô Thanh giáo viên Tiếng anh chia sẻ: Khi tôi đang dạy, phụ huynh một em học sinh vô tư góp ý về cách phát âm của tôi. Đồng ý phụ huynh có quyền góp ý giáo viên nếu thấy chưa phù hợp, giáo viên sẵn sàng lắng nghe. Tuy nhiên thay vì góp ý trực tiếp thì nên trao đổi riêng để không ảnh hưởng đến sự tập trung chú ý của các em cũng như tốn thời gian của tiết học....
Về phía học sinh, để đảm bảo việc học online người học cần có những thiết bị cơ bản như máy tính hoặc điện thoại thông minh và đường truyền internet. Học sinh mầm non học online qua những video cô giáo tự quay với những kiến thức gần gũi, những video mang tính giáo dục và gửi lên group của lớp mình. Được biết, hiện nay một số trường dưới sự chỉ đạo, quan tâm giúp đỡ của Ban giám hiệu nhà trường cùng các cô đã bắt đầu gửi các video về các nội dung giáo dục đến phụ huynh thông qua zalo hoặc facebook....
Các trường học phải đóng cửa, giáo viên ở nhà dạy online
Tại Trường Mầm non Vĩnh Ngọc (thuộc xã Vĩnh Ngọc TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) dưới sự chỉ đạo chuyên môn của Nhà trường các cô đã quay và hoàn thiện các video sau đó đưa lên nhóm lớp về các nội dung như: Rửa tay đúng cách, đeo khẩu trang đúng cách, làm thế nào để tăng cường sức khỏe trong mùa dịch, những video về cách làm đồ dùng, đồ chơi đơn giản với những nguyên vật liệu sẵn có tại nhà... Đây không chỉ là cơ hội để tuyên truyền kiến thức về cách phòng chống covid đến với các con, là dịp để các con biết vận dụng những gì các cô hướng dẫn để có thể tự làm cho mình những món đồ chơi đơn giản từ đó không bị nhàm chán, hay tập trung quá nhiều vào các thiết bị điện tử khi ở nhà. Đây còn là dịp để tăng cường và phát huy mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội vì vậy đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm từ phía phụ huynh rất nhiều!
Đối với học sinh tiểu học, các em học sinh tuy chưa học online nhưng cũng đã ôn tập các môn học theo thời khóa biểu của nhà trường từ thứ 2 đến thứ 6. Với hình thức này, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn sẽ đưa ra bài tập vào đầu giờ, phụ huynh sẽ nhắc nhở, hướng dẫn các em làm bài sau đó phụ huynh chụp lại bài làm của các em gửi lên nhóm lớp vào cuối giờ học. Thầy, cô giáo chủ nhiệm sẽ đánh giá và trao đổi với phụ huynh cụ thể bài làm của từng em.
Đối với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông các em học sinh phải học online với thời khóa biểu như học ở lớp. Đây không chỉ là phương pháp dạy học an toàn cho việc phòng dịch mà còn đảm bảo thực hiện mục tiêu giáo dục trong năm học 2021-2022. Tuy nhiên việc học trực tuyến suốt buổi, thiếu sự giao lưu thực tế dễ gây mệt mỏi, chán nản, mất tập trung chú ý điều này sẽ gây khó khăn trong việc quản lý lớp học. Việc học online cũng khiến học sinh gặp khó khăn trong vấn đề xử lý những tình huống xảy ra như cô giáo gọi phát biểu nhưng không biết bật mic, bật camera ở đâu để nói, nhiều học sinh ở nhà trọ không gian chật chội mọi sinh hoạt trong gia đình hiện lên trên màn hình khiến các em ngại tương tác...Đó là chưa kể đến một số em không có điện thoại thông minh hay mấy tính riêng phục vụ việc học phải dùng chung với anh chị em trong nhà, hay đôi khi đường truyền không ổn định khiến việc tiếp thu kiến thức của các em bị ngắt quãng...
Hiện nay, rất nhiều gia đình chưa đủ điều kiện để trang bị cho con những vật dụng cần thiết phục vụ việc học online. Phụ huynh bận đi làm không có nhiều thời gian bao quát, kiểm tra việc học của con gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng cho việc học của con, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Riêng độ tuổi mầm non và tiểu học thì càng nan giải hơn vì các con còn quá nhỏ để có thể tự giác trong việc học vì thế càng làm bố mẹ lo lắng.
Lãnh đạo phòng GD-ĐT TP. Nha Trang, cho biết, tình hình dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn, hơn hết lúc nào chúng ta phải nhìn nhận thật nghiêm túc việc học online. Bên cạnh những trang bị thiết yếu phục vụ việc học chúng ta phải chuẩn bị tâm thế, những kỹ năng cần thiết về học online và cách sử dụng thiết bị phục vụ việc học. Chúng ta cần chủ động học hỏi, nâng cao năng lực công nghệ thông tin để việc sử dụng thiết bị học tập hiệu quả hơn.
Giáo viên thì lắng nghe nhiều hơn, đầu tư các bài giảng thật hấp dẫn, phù hợp với độ tuổi, có thể xen lẫn các trò chơi nhỏ trong buổi dạy để không gây nhàm chán cho học sinh, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để hỗ trợ các em ở nhà... Phụ huynh thì quan tâm để ý các em nhiều hơn. Học sinh thì nghiêm túc, tập trung hơn trong giờ học... có như vậy chúng ta mới đảm bảo mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa dạy và vừa học.
XUÂN HƯỚNG