Công tác trong ngành bao nhiêu năm tôi mới thấy có một giáo viên như vậy”

VH- Thầy Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè, TP.HCM) đã nói như vậy khi trao đổi với chúng tôi về trường hợp cô Trần Thị Minh Châu, giáo viên mà học sinh Phạm Song Toàn đã bật khóc tại buổi đối thoại khi kể về cô giáo dạy toán của mình là quá lạnh lùng và “quyền lực”.

Công tác trong ngành bao nhiêu năm tôi mới thấy có một giáo viên như vậy” - Anh 1

Một học sinh lớp 11A1 nói lên suy nghĩ của mình về cách dạy học của cô Châu

Tại buổi làm việc với phóng viên Văn Hóa vào chiều 28.3. Ban giám hiệu nhà trường xác nhận, cô giáo dạy toán có thái độ quá nghiêm khắc với học trò như phản ánh của học sinh Phạm Song Toàn là có thật. “Đây không phải lần đầu tôi được nghe mà đã nhiều lần học sinh và giáo viên phản ánh. Chúng tôi đã góp ý với cô Châu (giáo viên bị học sinh phản ánh về thái độ - NV) thì thấy cô có sửa chữa nhưng không ngờ sự việc lại đến mức này. Thực sự mà nói, công tác trong ngành giáo dục bao nhiêu năm nay tôi mới thấy một trường hợp giáo viên nghiêm khắc đến mức lạnh lùng như vậy. Là hiệu trưởng nhà trường, để một sự việc như thế xảy ra trong một thời gian dài cũng là lỗi do tôi. Tôi thấy rất đau lòng và xin nhận một phần trách nhiệm”, thầy Bình cho biết. Về việc giáo viên lên lớp không giảng bài “có một không hai” này, thầy Bình cho hay là theo lý giải của cô Châu, do có một học sinh cũ ở lớp nói với bạn bè là sẽ ghi âm lại những nội dung cô nói trên lớp để làm chứng cứ “tố” cô. Tuy nhiên, lý do cô Châu đưa ra không rõ ràng và không loại trừ trường hợp giáo viên này tìm cách biện bạch. Nhà trường đang tìm hiểu, xác minh.

Cô Đặng Thị Thanh Bình, Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn thông tin thêm, cô giáo Trần Thị Minh Châu có chuyên môn tốt nhưng phương pháp sư phạm của cô giáo này lại nghiêm khắc, cư xử lạnh lùng với học trò đã làm ảnh hưởng đến tâm lý các em. Hiện cô Châu đang dạy học sinh của các lớp 10 và 11, trong đó có lớp của học sinh Phạm Song Toàn.

 

Công tác trong ngành bao nhiêu năm tôi mới thấy có một giáo viên như vậy” - Anh 2

 Học sinh Phạm Song Toàn đã khóc tại buổi nói chuyện chiều ngày 28.3

Theo thầy Bình, nhà trường đã làm việc với cô Châu về những nội dung mà em Toàn phản ánh và cô Châu đã nhận lỗi, làm tường trình hứa sẽ khắc phục. Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 27.3 đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT đã có buổi làm việc với trường để nắm tình hình. Sau buổi làm việc với phụ huynh và tổng hợp các nội dung liên quan, trường sẽ báo cáo đầy đủ lên Sở để chờ ý kiến chỉ đạo tiếp theo. “Quan trọng trước mắt là tạo lại không khí, ổn định tâm lý các em. Cô Châu cũng đã hứa sẽ giải quyết ôn hòa với học trò, cởi mở hơn với lớp. Riêng về em Phạm Song Toàn, nhà trường cũng đã mời em lên lắng nghe tâm tư và động viên em, động viên các học sinh khác trong lớp”, thầy Bình nói.

Trong một diễn biến khác, chiều ngày 28.3, là buổi học đầu tiên các cô trò gặp lại nhau sau khi học sinh Phạm Song Toàn chia sẻ tâm tư về cô giáo dạy toán “không nói gì” tại buổi đối thoại ngày 23.3. Cuối buổi học này, các học sinh lớp 11A1 đã xin ở lại tâm sự với cô giáo về những sự việc vừa qua. Buổi nói chuyện diễn ra trong vòng hơn một giờ đồng hồ xoay quanh câu chuyện về thái độ quá xa cách của cô giáo Trần Thị Minh Châu và các học sinh trong lớp.

Tại buổi nói chuyện, Phạm Song Toàn đã khóc và nói lại suy nghĩ cũng như quan điểm của mình như hôm mà học sinh này đã chia sẻ tại buổi đối thoại. Cô Trần Thị Minh Châu đã nói với các học sinh, “chúng ta đã xa nhau quá lâu, vô tình làm tổn thương rất lớn cho nhau và ảnh hưởng đến nhà trường. Thời gian còn lại cô trò sẽ khắc phục. Lớp chúng ta là lớp học sinh giỏi và cô nghĩ là mình vẫn xứng đáng được dạy học ở một lớp giỏi như vậy”. Sau buổi nói chuyện, một số khúc mắc giữa cô giáo và học sinh phần nào được giải tỏa. Cô giáo này cho hay nếu không có gì thay đổi thì cô chỉ còn được dạy lớp 11A1 này gần hai tháng nữa vì khi các em lên lớp 12 thì chỉ có tổ trưởng bộ môn mới được dạy.

Trao đổi với học sinh Phạm Song Toàn, em cho biết sau khi nói chuyện thì em nghĩ là cô trò đã hiểu nhau và hy vọng là thời gian tới tình cảm giữa cô trò sẽ không còn xa cách như trước. 

 ​Bộ cần làm thế nào để những việc này chấm dứt?

Tại buổi làm việc với Bộ GD&ĐT ngày 28.3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về 6 vấn đề đang được dư luận rất quan tâm. Đáng chú ý: Vấn đề nhức nhối của xã hội liên quan tới đạo đức, phẩm chất của nhà giáo, như tình trạng ép học sinh học thêm, bạo lực, chạy điểm, chạy trường, gây bức xúc cho xã hội. Đặc biệt, liên tục xảy ra các vụ việc xúc phạm danh dự nhà giáo, hành hung giáo viên.

“Bộ lên tiếng thế nào, cảnh báo thế nào, thái độ thế nào để việc này chấm dứt? Chúng ta rất buồn khi học sinh lớp 8 ở Bến Tre lên bục giảng hành hung giáo viên, xưa không có chuyện đó, mặc dù trước đây giáo viên dạy dỗ, rèn luyện học sinh rất khắt khe. Rồi các vụ việc ở trường Tiểu học Bình Chánh, giáo viên phạt học sinh quỳ rồi phụ huynh bắt giáo viên quỳ lại; rồi vụ việc bắt giáo viên đang có thai phải quỳ… Đây là những câu chuyện mà xã hội không thể chấp nhận được với một nghề cao quý là nhà giáo”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh. L.S

Thùy Trang

 

Ý kiến bạn đọc