Công dân nhí “hiến kế” cho thành phố
VHO- Mới đây, tại chương trình “Lãnh đạo thành phố gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi năm 2023”, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định: Dù tuổi nhỏ nhưng các em đã dám nói lên những ý kiến, nguyện vọng, hiến kế chính đáng, hướng về cộng đồng, xã hội để góp sức vào sự phát triển của thành phố.
Các công dân nhí đã mạnh dạn đưa ra đề xuất, hiến kế
Tại chương trình, BTC đã tổng hợp, ghi nhận ý kiến đóng góp từ đội viên, thiếu nhi về 6 nhóm vấn đề chính, gồm: Giáo dục; Lịch sử - Văn hóa; Y tế; Môi trường; Khoa học sáng tạo và Rèn luyện kỹ năng, phát triển năng khiếu.
Em mong các ngành quan tâm gì?
Trước đó, Hội đồng Đội TP.HCM cũng khảo sát ý kiến của 9.963 đội viên, thiếu nhi về các vấn đề liên quan đến học tập, đời sống văn hóa tinh thần, các vấn đề xã hội, hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em để chuyển đến chương trình.
Với câu hỏi “Em mong các cấp, các ngành quan tâm hơn đối với trẻ em trong lĩnh vực nào?” kết quả trả về là hơn 81% cần quan tâm vấn đề giáo dục và đây cũng là vấn đề được công dân nhí quan tâm nhất. Tại buổi gặp gỡ, các em đã nêu ra các điểm mạnh của giáo dục như: TP đã có thêm nhiều phòng học; Dễ dàng tham khảo kiến thức trên các trang học tập trực tuyến; Chương trình SGK mới cũng như nhiều phương pháp dạy học mới phù hợp… Tuy nhiên, các em cũng phản ánh còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất chưa cải thiện để theo kịp chuyển đổi số, số lượng các tiết sử dụng phòng học thông minh còn ít, các tiết kỹ năng mềm vẫn chưa chuyên sâu…
Theo bạn Hương Giang (Trường THCS Quang Trung, quận Tân Bình), lượng kiến thức trong chương trình SGK mới đã bao quát, cụ thể và đa dạng hơn. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở vật chất chưa được trang bị đồng bộ đã gây ra nhiều khó khăn, áp lực cho học sinh. Còn em Lê Nguyễn Vân Anh (Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10) lại cho rằng, hiện nay nhiều bạn học sinh có năng khiếu học các môn ngoại ngữ, vì thế em mong muốn nhà trường cùng các cơ quan, ban, ngành sẽ tạo điều kiện để phát triển và không bỏ sót thế mạnh của học sinh. Đặc biệt, đa phần các em đều cho rằng, phương pháp giảng dạy bộ môn Lịch sử hiện nay còn rập khuôn, dễ gây nhàm chán.
Lắng nghe chia sẻ của những mầm non tương lai, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM đã bày tỏ sự xúc động và tự hào khi thế hệ thiếu nhi ngày nay không chỉ chăm ngoan, học giỏi mà đối với các vấn đề cuộc sống, xã hội các em cũng rất quan tâm, có những góc nhìn riêng, đa màu sắc và những ý kiến góp ý sâu sắc, thiết thực. Ông Dũng cho biết, sắp tới TP.HCM sẽ cho thiếu nhi tham quan, trải nghiệm các công trình lịch sử để bổ sung thêm các kiến thức cũng như thay đổi các phương pháp giảng dạy Lịch sử. Ngoài những tiết học theo chương trình, Sở GD&ĐT cũng sẽ chỉ đạo các phòng giáo dục, trường học tổ chức các tiết ngoài giờ, khuyến khích thiếu nhi tham gia các CLB, đội, nhóm để tăng khả năng tư duy, phát triển, sáng tạo…
Nghe bằng trái tim để chăm lo tốt nhất
Song song với giáo dục thì một trong những vấn đề được học sinh quan tâm và đưa ra nhiều ý kiến nhất đó là về Lịch sử - Văn hóa. Bởi lẽ, chỉ khi hiểu rõ sử nước nhà các em mới tự tin, tỏa sáng khi giao lưu và học tập cùng bạn bè quốc tế. Các em cũng đã nêu ra cụ thể những mặt tích cực như: Thành phố có nhiều bảo tàng, địa chỉ đỏ, không gian văn hóa Hồ Chí Minh; Thành lập các CLB lịch sử; Tổ chức hội thi vẽ tranh tuyên truyền lịch sử... Tuy nhiên, tương tự như các vấn đề mà nhóm giáo dục đã nêu, các em tại nhóm Lịch sử - văn hóa cũng đồng tình với hạn chế trong việc giảng dạy bộ môn Lịch sử. Từ đó, các em đề xuất các giải pháp như: Tăng cường thêm các tiết học ngoại khóa; Học lịch sử bằng những thước phim ngắn; Xây dựng Fanpage tìm hiểu kiến thức lịch sử, văn hóa; Đẩy mạnh các hoạt động hành trình du khảo thiếu nhi…
Bạn Nguyễn Hoàng Thắng (Trường THCS Bình Trị Đông, quận Bình Tân) cho biết, bản thân rất yêu thích Lịch sử và mong muốn giáo viên sớm đổi mới phương pháp để giúp học sinh say mê hơn môn học này. Cũng quan tâm Lịch sử, Huỳnh Anh Thư (Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp) chia sẻ: “Bộ môn Lịch sử mới dừng lại việc giảng bài theo lối mòn, khiến việc tiếp nhận kiến thức của học sinh rất khó khăn. Vì thế, em có đề xuất nên có nhiều đội nhóm tuyên truyền hấp dẫn về kiến thức lịch sử, văn hóa Việt Nam, hoặc có thể chuyển tải lịch sử qua các vở kịch, phim tư liệu”.
Đại diện lãnh đạo ngành Văn hóa, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở VHTT TP.HCM bày tỏ: “Bên cạnh những hoạt động giáo dục truyền thống, các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cũng là một trong những nội dung mà ngành Văn hóa rất quan tâm. Chính vì thế, thời gian tới, Sở VHTT sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch về việc đưa các bộ môn nghệ thuật truyền thống đến với học đường”. Theo Phó giám đốc Sở VHTT TP.HCM, việc đưa âm nhạc dân tộc vào học đường không chỉ là một câu chuyện của một vài trường hay ngành Văn hóa, mà cần chiến lược đồng bộ giáo dục để trở thành chương trình ngoại khóa thường xuyên. “Các con phải hiểu sâu thì mới có thể yêu, có thể chơi hay làm chủ được các loại hình nghệ thuật và trở thành những tài năng trong tương lai”, bà Thúy nhấn mạnh.
Tổng kết chương trình, Bí thư Thành ủy TP.HCM hoan nghênh, ghi nhận những ý kiến phát biểu, chia sẻ của các công dân nhí có mặt tại buổi gặp mặt. Ông Nên khẳng định: “Chúng tôi trân trọng lắng nghe bằng trái tim của mình và sẽ biến thành hành động để chăm lo cho các em một cách tốt nhất. Thiếu nhi nói ít nhưng người lớn phải hiểu nhiều, vì thế các cơ quan, Sở, ngành cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo thực thi các chính sách. Bên cạnh đó, nên chăng triển khai chương trình ở cả cấp phường, cấp quận để lắng nghe, tiếp thu nhiều hơn nữa”.
THANH HUYÊN