Có nên trồng phượng trong sân trường?

vho- Sau tai nạn thương tâm xảy ra tại Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP.HCM do cây phượng bất ngờ ngã đổ, đè chết một học sinh và nhiều em khác bị thương, tiếp theo đó là hàng loạt cây phượng khác bị bật gốc như một “hiệu ứng domino” đã khiến nhiều người thật sự hoang mang, lo lắng...

Có nên trồng phượng trong sân trường? - Anh 1

 Cây phượng vĩ là biểu tượng gắn liền với tuổi học trò

 Theo đó, ngày 28.5, tại Trường CĐ Công nghệ Tây Nguyên, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, một cây phượng lâu năm cao khoảng 10m, đường kính hơn 1m bị bật gốc trong sân trường. Cùng ngày hôm đó, cũng một cây phượng ngã đổ tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, và mới đây, ngày 29.5 cây phượng 15 năm tuổi lại đổ xuống sân Trường Tiểu học Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, Bình Dương... Rất may các sự cố này không gây ra thương vong, tuy nhiên, câu chuyện an toàn trong mùa mưa bão và nguy cơ ngã đổ cây xanh đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Trên một số phương tiện truyền thông, PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Trường ĐH Lâm nghiệp) đã cho biết, phượng vĩ là loài cây sinh trưởng nhanh, thân và cành rất mềm, khi trồng trong trường, cây bị bao quanh bởi sân bê tông nên rất dễ thối rễ. Những cây phượng bị đổ vừa qua, khi ngã xuống đều để lộ phần gốc đã mục ruỗng. Theo PGS.TS Đặng Văn Hà, những sự cố đáng tiếc này đều bắt nguồn từ việc lựa chọn cây và cách thiết kế, xây bồn bảo vệ không đúng. “Cây phượng lớn nhanh, cho bóng mát, nở hoa đẹp vào đầu hè, lại gắn liền với lứa tuổi học trò, đi vào thơ ca nhạc họa nên được nhiều trường lựa chọn trồng trong khuôn viên. Tuy nhiên, nó không phải loài cây an toàn để trồng lâu năm trong trường học”, ông cho hay.

Quan sát việc trồng cây của các trường học hiện nay, ông Hà nhận thấy hai điều bất cập: Một là với các trường mới xây dựng, khi chọn cây phượng trồng ở sân trường thường mua cây giống to, những cây này đã bị chặt cành và rễ cái nên sau 5-10 năm, cây sẽ bị mục hết; Hai là với các trường có lịch sử 30-40 năm, khi cải tạo khuôn viên thường đổ bê tông, lát gạch vào sát gốc cây để làm đẹp cảnh quan. Rễ cây phượng ăn nổi mà đổ lớp bê tông dày tới 15-20cm rồi lại lát gạch ở trên làm cho cây không hô hấp được. Không những vậy, nhiều trường còn xây bồn, đổ đất vào xung quanh gốc phượng vừa để làm chỗ ngồi cho học sinh. Đất càng dày thì rễ càng khó hô hấp và thối dần, chỉ còn rễ tơ, rễ con. Khi học sinh nô đùa, chạy quanh gốc cây, phần đất càng được nén xuống chặt, bộ rễ càng nhanh hỏng. Nhìn phía trên cây vẫn xanh tươi nhưng thực tế phần gốc rễ gần như không còn sự sống...

Liên quan đến tai nạn cây phượng bật gốc trong sân Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP.HCM, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM (sau đây gọi tắt là Cty Công viên cây xanh) đã có văn bản gửi Sở TT&TT TP.HCM và các các cơ quan báo chí cung cấp thêm thông tin, theo đó cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Cty là chăm sóc, bảo dưỡng thường xuyên công viên, mảng xanh và cây xanh trên đường phố… theo hợp đồng ký kết với các chủ đầu tư. Ngoài ra, Cty cũng thực hiện hợp đồng dịch vụ với một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP nhưng không có hợp đồng chăm sóc cây xanh tại Trường THCS Bạch Đằng.

Sau khi xảy ra sự việc đáng tiếc vào ngày 26.5 vừa qua, Ban lãnh đạo Cty cùng các cán bộ kỹ thuật đã đến hiện trường để đánh giá nguyên nhân cây đổ, đồng thời khảo sát một số cây xung quanh trường. Cty đã khuyến cáo nhà trường xử lý ngay cây phượng còn lại, vì cây đã bị nghiêng, có thể gây nguy hiểm cho học sinh bất cứ lúc nào. Cty đã chủ động xin ý kiến Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP để tiến hành đốn hạ cây phượng này, đồng thời kiểm tra, mé nhánh lại toàn bộ những cây xanh quanh khu vực để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Liên quan đến quy định về quản lý cây xanh trên địa bàn TP, đơn vị này cho biết, cây xanh trong khuôn viên nhà trường, bệnh viện, văn phòng cơ quan… thuộc quyền quản lý của đơn vị và đơn vị đó sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn. Việc nhận diện, đánh giá những dấu hiệu nguy hiểm của cây xanh, theo đơn vị này là rất khó. Vì cây trong đô thị nhìn bề ngoài thấy rất bình thường xanh tốt, nhưng bên trong nhiều khi đã mục rỗng, có thể bật gốc do nhiều nguyên nhân như ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, biến đổi khí hậu, ngập úng, mưa giông, lốc xoáy, gió giật mạnh… Vì thế, Cty Công viên cây xanh khuyến cáo các đơn vị, cơ quan nên liên hệ với các đơn vị có chuyên môn tư vấn chủng loại cây trồng phù hợp; có sự kiểm tra, đánh giá, xử lý định kỳ nhằm phát hiện kịp thời những mối nguy hiểm. Không nên ký hợp đồng với những đơn vị không có chuyên môn, không có kinh nghiệm cũng như đảm bảo an toàn trong quá trình chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh...

Trước những diễn biến “bất lợi” trong thời gian qua, một số cây phượng đã bị đốn hạ trong sự tiếc nuối của nhiều người, đặc biệt là thầy cô giáo và học sinh. Việc khai tử hàng loạt cây phượng lâu năm trong các sân trường để phòng tránh tai nạn tương tự, âu cũng là một giải pháp tình thế chứ chưa thể nói là cách làm tốt nhất. Thiết nghĩ, ngành chức năng và các đơn vị tư vấn khoa học cần có một giải pháp tối ưu hơn, để vừa đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, vừa có thể tiếp tục giữ lại những cây phượng vĩ như một cách lưu giữ hình ảnh vốn là biểu tượng của tuổi học trò... 

THẢO LAM

Ý kiến bạn đọc