Cô giáo với những sáng kiến “chữa lành” tâm lý học trò
VHO- Trong khi nhiều bậc phụ huynh điên đầu với con mình trong lứa tuổi “dở dở ương ương”, thì với cô Đỗ Thúy Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp 7 trường THCS Ngô Sỹ Liên (Hà Nội) chỉ là chuyện nhỏ. Cô tươi cười: “Các con đều ngoan, dễ thương mà!”.
Học sinh chúc mừng cô Đỗ Thuý Hằng được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2022
Theo cô Hằng, giáo viên không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn dạy cho học sinh cách làm người; đồng hành cùng phụ huynh trong quá trình nuôi dưỡng để các em trở thành người có ích cho gia đình và xã hội... Trong 20 năm làm nghề, từng dạy cả lớp thường và “lớp chọn”, cô Hằng cho biết, học sinh ở lứa tuổi THCS thường có vấn đề về tâm lý. Có những em bên ngoài rất hiền lành nhưng bên trong vẫn tiềm ẩn nhiều dấu hiệu bất thường. Nếu không được giải tỏa, chúng sẽ tự tìm hiểu trên mạng, có xu hướng lập hội nhóm và có thể rủ nhau hoặc nghe theo lời xúi giục, tự làm đau bản thân để quên đi những áp lực xung quanh…
Năm 2022 là năm đặc biệt với cô giáo Đỗ Thúy Hằng, bởi sáng kiến “Giải pháp hỗ trợ tâm lý và học tập cho học sinh do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19” được Sở KH&CN Hà Nội công nhận hiệu quả, áp dụng và phạm vi ảnh hưởng cấp thành phố; cô cũng là một trong 68 giáo viên xuất sắc toàn quốc được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô (do Hội LHTN Việt Nam tổ chức). Sáng kiến của cô Thúy Hằng nảy sinh trong giai đoạn dạy và học online do Covid-19, cũng chính là lúc cô nhận thấy có nhiều trẻ rơi vào trạng thái trầm cảm. Cô hay thực hiện những bài test “check in” cảm xúc, thì thấy các con vẽ mặt buồn, thậm chí có con bày tỏ ý muốn tự tử. Với câu hỏi “Con nghĩ mọi người sẽ nghĩ thế nào về mình?” thì chúng khoanh vào tất cả các chữ là “điên”, “dở hơi”, hoặc “những gì tồi tệ nhất”. “Mình cảm thấy có vấn đề và yêu cầu học sinh vẽ một trái tim, trong đó thể hiện những điều quan trọng với trẻ theo tỷ lệ. Kết quả, hầu hết các bạn vẽ trò chơi, game và rất nhiều thứ khác, chiếm phần lớn trái tim, còn cha mẹ chỉ là một phần rất nhỏ”, cô Hằng kể…
Nhận thấy những vấn đề cấp thiết, cô đã liên hệ với một số chuyên gia và người phụ trách phòng tham vấn tâm lý để thường xuyên liên lạc và hỗ trợ cho học sinh lớp mình. Cũng là một người mẹ có con trong tuổi teen, cô Hằng cho hay, làm tốt vai trò của bố mẹ đã quan trọng rồi, nhưng làm tốt vai trò của giáo viên thì cũng rất nặng nề, vì mỗi học trò là một đối tượng khác nhau và mỗi phụ huynh là một hoàn cảnh gia đình khác nhau. Cô cũng tổ chức những buổi họp online trao đổi với phụ huynh đang gặp lúng túng trong việc thấu hiểu con mình và mong muốn hỗ trợ các con trong giai đoạn tuổi dậy thì.
Vào kỳ nghỉ hè vừa qua, cô giáo Thúy Hằng tổ chức chương trình online Thức dậy cùng vĩ nhân, diễn ra từ 5h15 sáng đến 6h30 sáng (2 buổi/tuần) để đọc sách cùng các con. Trưởng thành cùng vĩ nhân là cuốn sách nổi tiếng, giới thiệu các vĩ nhân trên thế giới và thông qua các câu chuyện đó, cô rút ra cho học sinh những bài học trong cuộc sống và quy luật nhân quả. Theo dõi chương trình không chỉ có học sinh mà cả bố mẹ và ông bà nên có sự lan tỏa để giúp đỡ, đồng hành cùng các con. Đồng thời, tạo dựng cho trẻ thói quen đọc sách với nguồn năng lượng tích cực để học tập, làm theo những điều bổ ích.
Ngày nay, trong thời buổi công nghệ nên có thể dễ dàng liên lạc với phụ huynh, nhưng cô Hằng vẫn thường áp dụng biện pháp đến nhà học sinh để tìm hiểu tâm tư gia đình cũng như hoàn cảnh sống của trẻ. Ví dụ, những cháu mất mẹ ở với bố và bà thì hoàn cảnh sống như thế nào? Bố mỗi lần nghe cô giáo trao đổi vấn đề đơn giản của con thôi, nhưng chưa nghe xong đã đánh con rồi thì mình sẽ xử lý như ra sao?... Trong các buổi họp phụ huynh, thay vì nhận xét tình hình của các con, cô Hằng lại tranh thủ chia sẻ những kinh nghiệm hay để có thể cởi mở làm bạn với con. Bản thân phụ huynh cũng nhiều người gặp khó khăn trong việc nuôi dạy con, dù có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin, nhưng không biết áp dụng thế nào cho phù hợp.
“Tới hết lớp 9 trẻ có lập trường riêng, nhân sinh quan riêng và luôn tỏ ra không cần ý kiến của bố mẹ. Nhưng ở cấp THCS thì rất cần bố mẹ, thầy cô định hướng về mặt tư tưởng, tình cảm và lối sống. Tại sao trẻ con hay đi chệch đường, bởi vì chúng phải đi mò mẫm một mình, phụ huynh không làm bạn được với con, thầy cô giáo trên lớp không chia sẻ gần gũi với con hoặc có khoảng cách nên chúng luôn tìm cách giấu cha mẹ, thầy cô là như vậy. Điều quan trọng nhất là phải thấu hiểu tâm lý trẻ, làm cho trẻ tin tưởng để bày tỏ với mình”, cô giáo Đỗ Thúy Hằng chia sẻ.
HỒNG ANH