Có cần tổ chức “lễ tốt nghiệp” cho trẻ mầm non?

VH- Cuối tuần qua, học sinh cả nước đã chính thức kết thúc năm học, và để đánh dấu và tạo ký ức đẹp cho sự kiện chia tay năm cuối cấp, các trường phổ thông đều tổ chức lễ tốt nghiệp đã đành nhưng ở nhiều trường mầm non những năm gần đây cũng bắt chước tổ chức lễ tốt nghiệp cho học sinh lớp Lá. Liệu điều này có thực sự là cần thiết khi việc làm đó vừa tốn kém, lại gây vất vả cho trẻ?

Có cần tổ chức “lễ tốt nghiệp” cho trẻ mầm non? - Anh 1

Một lớp mầm non tổ chức lễ "tốt nghiệp" ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội vào đầu tháng 5.2018

Một phụ huynh có con học ở trường mầm non H.M, TP.HCM chia sẻ, gần ngày kết thúc năm học, nhà trường có hỏi ý kiến phụ huynh về việc tổ chức lễ bế giảng cho học sinh trong trang phục áo cử nhân thật hoành tráng để coi như các bé vừa hoàn thành “đại học chữ to”. Nhiều phụ huynh tỏ thái độ kiên quyết không tham gia vì thấy tốn kém và không cần thiết. Vì thế cuối cùng chương trình “tốt nghiệp cử nhân” cho trẻ không diễn ra như dự kiến. Nhà trường vẫn tổ chức lễ bế giảng chia tay trong không khí thân mật cô trò, có một vài phụ huynh tranh thủ được thời gian cùng đến chung vui và tự chụp ảnh cho các con.

Trong khi đó, những năm gần đây theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều trường mầm non trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức rầm rộ như phong trào lễ tốt nghiệp ra trường cho các… cử nhân nhí. Một phụ huynh ở quận Đống Đa cho biết, “đi làm về bà ngoại cháu nhấn cho tờ thông báo ngày nọ, nhà trường làm lễ tổ chức “tốt nghiệp” cho các bé kèm theo đó các khoản đóng như trang phục, quần áo cử nhân, chụp ảnh, dã ngoại…”. Đọc xong toát cả mồ hôi. Chị tâm sự: “Không theo có được không, đành tặc lưỡi cho xong. Sao bây giờ người ta lại bày ra nhiều trò thế nhỉ?!”.

Tại TP.HCM, chưa thấy có tình trạng trường công lập tổ chức lễ… tốt nghiệp cử nhân cho trẻ mầm non nhưng hầu hết các trường đều tổ chức chụp ảnh cho học sinh trong bộ áo thụng cử nhân. Theo đó, trước ngày nghỉ hè, theo thông báo của nhà trường, phụ huynh sẽ đóng tiền cho con chụp ảnh với trang phục này, mức đóng có khi lên tới vài trăm nghìn tùy theo khung cỡ ảnh. Nhiều phụ huynh cho biết dù không tán đồng nhưng thấy trường nào cũng làm, các phụ huynh khác cũng đóng tiền thì mình cũng ráng đóng cho xong. Điều đáng nói là những buổi chụp ảnh như vậy gần như là cực hình với trẻ khi mà các bé phải đứng chờ đợi mệt mỏi cả buổi để thay bộ đồ chụp hình, vì áo cử nhân do thợ chụp thuê chỉ có vài ba bộ, các trẻ phải thay phiên nhau mặc để chụp cho có.

Trên một diễn đàn bàn luận về nội dung này, tài khoản có tên Định Trương nói: “Áo cử nhân bây giờ hết quý rồi, ai cũng có thể mặc lên người được hết... 5 năm đại học cũng bằng các em mầm non”. Cùng quan điểm này, tài khoản tên Thân Minh cho rằng: “Thầy giáo trưởng khoa mình cũng nói vậy, thầy bảo: Ngày xưa được khoác trên mình chiếc áo cử nhân là một vinh hạnh phải phấn đấu 12 năm phổ thông và 4 năm đại học, bây giờ trẻ con mẫu giáo, học sinh cấp nào cũng đua nhau mặc, làm mất hết ý nghĩa thiêng liêng của chiếc áo cử nhân”.

Còn tài khoản Sơn Thủy viết: “Căn bệnh ưa hình thức của người lớn đang tiêm nhiễm cho trẻ con dưới chiêu bài hồn nhiên dễ thương, quan trọng hoá một vấn đề đơn giản làm cho trẻ con nghĩ rằng mình đã đạt được điều gì đó lớn lao lắm…”.

Một bạn đọc tiết lộ, sở dĩ nhiều trường mầm non ở Hà Nội đang “sính” lễ “tốt nghiệp” và mặc áo cử nhân cho các bé là do có không ít công ty “mồi chài” nhà trường, rằng như thế để tạo dấu ấn, lưu lại kỷ niệm đẹp; “không cha mẹ nào là không thương con”, chỉ mất vài trăm ngàn mà các cháu lại có ảnh hoành tráng… trong đó có cả “ăn chia”. Nên nhiều trường gật lia lịa. Trường nọ bắt chước trường kia, thế là gây nên một phong trào khó cưỡng.

Anh Đồng Thanh Phong, một phụ huynh tại quận 3, TP.HCM chia sẻ, tổ chức buổi lễ ấm áp và thân mật sẽ để lại nhiều kỷ niệm hơn cho trẻ thay vì bắt các em khoác lên mình những bộ lễ phục thùng thình giữa cái nắng mùa hè như thiêu đốt, không chỉ tốn kém nhiều tiền mà còn tạo tâm lý mệt mỏi cho các em, vì ở lứa tuổi này quan trọng là tạo tình cảm thân mật với con trẻ chứ không phải là những buổi lễ rườm rà mang tính hình thức. Một phụ huynh khác bày tỏ, không phải thấy nước ngoài người ta làm cái gì thì mình cũng bắt chước, đừng lấy suy nghĩ của người lớn áp đặt vào con trẻ nếu như điều đó khiến các trẻ không thấy thoải mái. 

  Trao đổi với Văn Hóa, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, tại TP.HCM cho đến nay chưa ghi nhận trường mầm non công lập nào có tổ chức lễ tốt nghiệp cử nhân cho trẻ. Nếu có tình trạng đó xảy ra, phụ huynh có thể liên hệ với Sở GD&ĐT để Sở kịp thời chấn chỉnh.

 KIỀU GIANG

 

 

Ý kiến bạn đọc