Chuyển đổi số trong dạy và học: Những hiệu quả trước mắt
VHO- Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh tiếp cận các hoạt động học tập, khắc phục khó khăn do Covid-19, các cơ sở giáo dục tại TP Đà Nẵng nỗ lực hoàn thiện trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các cấp học trong ngành giáo dục.
Đồng hành cùng công nghệ
Các hoạt động thể hiện sự thích nghi nhanh chóng của ngành giáo dục với khoa học công nghệ, đảm bảo mục tiêu kép. Từ đầu năm học, các cơ sở giáo dục tại TP Đà Nẵng nhanh chóng có phương án giảng dạy trực tuyến trên các nền tảng ứng dụng như: Zoom, Microsoft Teams, Google Meeting…, 11h20 phút, cô Phan Thị Kiều Loan, giáo viên dạy Toán Trường THCS Phan Đình Phùng cho biết cô và lớp học vừa kết thúc giờ học trực tuyến cuối cùng trong buổi sáng. Để khắc phục lỗi về đường truyền, mạng... sau mỗi buổi học giáo viên thường xuyên gửi link (đường liên kết), video và nhờ phụ huynh rảnh giờ nào thì hỗ trợ con em ôn bài củng cố kiến thức ngay trong ngày hôm đó. Cô Loan cho rằng, học trực tuyến là giải pháp phù hợp trong lúc xảy ra dịch bệnh, đôi khi mạng không ổn định, giáo viên và học sinh bị gián đoạn trong quá trình học tập, nên việc gửi bài giảng cho các em sau mỗi ngày học để các em ôn lại bài là rất cần thiết và hiệu quả.
TP Đà Nẵng chưa mở lại các hoạt động dạy và học trực tiếp
Theo cô Trần Thị Lệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du, để gỡ vướng mắc trong dạy học trực tuyến, nhà trường thường họp bàn với các giáo viên vào cuối tuần. Các chương trình học đều thống nhất tích hợp dạy theo chủ đề, giảm thời lượng học trực tuyến của từng môn và trong từng ngày. Đối với học sinh khối lớp 1 và 2, giáo viên tận dụng bài giảng truyền hình để giảm áp lực cho học sinh nhỏ tuổi. Đồng thời với những học sinh khó khăn chưa có phương tiện học tập, nhà trường kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ phương tiện như máy tính, sách giáo khoa... để động viên các em học tập. Đồng hành với các cơ sở giáo dục, bà Lê Thị Huệ, PGĐ Giải pháp Công nghệ thông tin - Viettel Đà Nẵng thông tin: Đối với ngành giáo dục, đơn vị đã chủ động giới thiệu phần mềm “Trường học trực tuyến K12online” đến từng đơn vị, trường học trên địa bàn. Đồng thời, khuyến cáo giáo viên và học sinh sử dụng mạng 4G hoặc mạng cố định, hạn chế sử dụng nhiều thiết bị cùng lúc như tivi, iPad… tránh làm chậm đường truyền.
Xây dựng môi trường đào tạo 4.0
Được biết, việc chuyển đổi số đã được triển khai trong ngành giáo dục tại Đà Nẵng từ nhiều năm nay, tuy nhiên khi dịch Covid-19 bùng phát thì yêu cầu về chuyển đổi số mới thực sự trở thành yêu cầu cấp thiết đối với từng trường học, giáo viên, phụ huynh, học sinh. Biện pháp này nhanh chóng trở thành giải pháp hữu hiệu cho việc dạy và học trong bối cảnh cả xã hội phải cách ly, giãn cách, giúp việc dạy và học trở nên thông suốt; tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường và giáo viên, học sinh.
Tạo sự liên kết giữa thầy cô và học sinh qua ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại
Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng đánh giá, nhờ triển khai chuyển đổi số nên năm học 2020-2021, ngành giáo dục TP Đà Nẵng hoàn thành đúng tiến độ năm học theo kế hoạch. Thời gian tới, nhằm đảm bảo việc dạy và học an toàn, đi đôi với phòng chống dịch bệnh, các mục tiêu hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên, học sinh; các hoạt động tuyển sinh trên cơ sở số hóa… sẽ được chú trọng ưu tiên.
Không những cơ sở giáo dục các cấp 1,2,3, trải qua gần hai năm, các trường đại học thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng đã thích ứng phương thức trực tuyến trong dạy và học cũng như các hoạt động quản trị giáo dục, đối ngoại. PGS.TS. Lê Văn Huy, Hiệu phó Trường Đại học Kinh tế- Đại học Đà Nẵng thông tin: Từ đầu năm 2020, nhà trường thay đổi phương pháp giảng dạy, sử dụng các nền tảng số, tập trung phát triển hệ thống e-learning theo chuẩn quốc tế. Đây là nền tảng để nhà trường chủ động, nhanh chóng triển khai các giải pháp đào tạo trực tuyến trong bối cảnh Covid-19 bùng phát. Đồng thời, trường cũng đẩy mạnh đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu học tập mọi nơi, mọi lúc thông qua hệ thống phòng đa chức năng phục vụ các hoạt động quản trị và giảng dạy trong trường như: họp trực tuyến, cầu truyền hình, giảng dạy trực tuyến.
Trong tháng 11.2021, nhiều hoạt động đào tạo, ứng dụng về chuyển đổi số đã được các trường Đại học trên địa bàn thành phố tổ chức, như: Trường Đại học (ĐH) Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU) ĐH Đà Nẵng tổ chức trực tuyến chuỗi các sự kiện khoa học công nghệ bao gồm hội thảo khoa học quốc gia CITA 2021 lần thứ 10 và tọa đàm kết nối, thúc đẩy phát triển khoa học và chuyển đổi số miền Trung - Tây Nguyên; Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng tổ chức hội thảo trực tuyến Chuyển đổi số trong trường đại học thích ứng với giáo dục 4.0… Những hoạt động này được đánh giá là đã góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện và động lực lớn cho các đơn vị giáo dục đào tạo phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp hơn, đồng thời giúp đỡ sinh viên, học sinh trên địa bàn thành phố được tiếp cận kiến thức một cách nhanh chóng, hiệu quả.
MINH CHÂU