Chức danh khoa học ở Việt Nam: Để không còn “chiến dịch” làm GS, PGS
VH- Cổ nhân (cả ở ta và ở nước ngoài) vẫn có câu: “Trường nào thầy ấy (telle école, tel maitre). Thầy nào trò ấy (tel maitre, tel valet”). Điều này lại sẽ càng đúng trong trường hợp cần một sự thừa kế, nối nghiệp trong các trường đại học như việc phong học hàm GS/PGS hiện nay.
Chỉ có những đối tượng trực tiếp ví như sinh viên và các đồng nghiệp lâu năm mới đánh giá đúng các ứng viên. Ảnh mang tính minh họa Ảnh: Nguyễn Thanh Huyền
Như đa số những người đã từng tham gia tuyển chọn các ứng viên cho việc phong học hàm GS/PGS đều đã thấy rõ: Có thầy giỏi mới có trò giỏi. Ở đây có 2 cấp độ thầy chúng ta cần phân biệt: (1) thầy giáo làm nghề giảng dạy (hay “thầy của trò”, bao gồm thầy kèm cặp đối với dạy thực hành, giảng viên trong dạy lý thuyết, và các thầy hướng dẫn trong việc hướng dẫn học viên nghiên cứu trong và sau đại học. (2) “thầy” xét duyệt và bình bầu người đủ tiêu chuẩn để phong hàm GS/PGS hay các thành viên trong hội đồng giáo sư các cấp.
Chỉ có những đối tượng trực tiếp mới đánh giá đúng
Trước tiên chúng ta hãy thử bàn về các thầy thuộc nhóm làm nhiệm vụ giảng dạy (thầy của trò). Chúng ta sẽ lần lượt trả lời những câu hỏi thông thường sau: Họ có những nhiệm vụ gì? Họ cần những đức tính gì? Họ cần được đánh giá bằng những tiêu chí gì? Họ có cần có học hàm GS/PGS mới thực sự làm tốt nhiệm vụ giảng dạy? Muốn trở thành những chuyên gia đầu ngành và đội ngũ kế cận, họ cần được đào tạo ra sao và được đánh giá thế nào? Ai là những người đủ điều kiện và có khả năng đánh giá chính xác tiêu chuẩn và cả phẩm chất cần và đủ cho học vị GS/PGS?
Nhiệm vụ của giảng viên đại học và sau đại học khá phong phú và nặng nề, bao gồm những công việc chính sau: Giảng dạy (teaching) bao gồm cả giảng giải và truyền thụ phương pháp và kỹ năng thu thập kiến thức, kỹ năng giao tiếp xã hội và thực hành trong chuyên môn nghề nghiệp cụ thể thông qua các chức năng của mentor, tuitors và lecturers; Hướng dẫn đào tạo nghiên cứu khoa học (training and supervising). Phần truyền thụ kiến thức mang tính kỹ thuật (“phần cứng”) phong phú đa dạng trên tuy đã rất khó, rất nặng nề nhưng chưa khó khăn gian truân bằng sự đòi hỏi nhiều tâm huyết và cả một phần thiên hướng bẩm sinh trong phần truyền thụ “kỹ năng mềm” cho học trò, bao gồm các thành tố về tấm gương đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp và niềm đam mê.
Để có thể truyền thụ cả “phần cứng” và “phần mềm” cho học trò, giảng viên phải có một lượng dồi dào những phẩm chất trên. Các tiêu chí kỹ thuật (phần cứng) thường là khá ổn định, thống nhất và dễ đánh giá vì có thể cân đong đo đếm được và thể hiện rõ trong hồ sơ. Tuy nhiên, sự nhạy cảm và các tiêu chí kỹ thuật vẫn có thể chỉ là những tiêu chí “ma”, nghĩa là không thực chất, từ mức giả dối, đạo văn đến nhờ kẻ khác làm, đứng bóng, hay nặng nề hơn và không phải ít phổ biến là tranh công người khác trong từng tiêu chí “sờ mó được”! Phần quan trọng nhất, khó khăn nhất chính là việc thiết lập và đánh giá các tiêu chí “kỹ năng mềm” của người thầy giáo.
Thế nhưng, những tiêu chí, phẩm chất, kỹ năng mềm làm nên sắc thái và sức sống riêng của từng giáo viên trong mỗi chuyên ngành, diễn biến và thay đổi hằng ngày, biến chuyển theo thời gian, không gian. Những phẩm chất này tác động trực tiếp đến đối tượng phục vụ của họ là học trò và khách hàng trực tiếp (bệnh nhân trong ngành y chẳng hạn).
Điều quan trọng rất cần được xác định rõ: Ai sẽ là người đánh giá phần kỹ năng mềm đặc trưng cho tính nhân bản của từng giảng viên? Chắc chắn các thành viên hội đồng chức danh nhà nước và kể cả hội đồng chuyên ngành cũng không thể đánh giá được phần những tiêu chí nhân sinh này, vì họ làm sao biết mà đánh giá! Câu trả lời là: Chỉ có các đối tượng trực tiếp của họ (chính là đội ngũ học trò và những khách hàng trực tiếp như bệnh nhân trong ngành y) cùng với các đồng nghiệp làm việc cùng với họ lâu năm mới có thể đánh giá đúng. Sự nhận định sẽ gần sát với hình ảnh chân thực của người thầy chuyên ngành nếu có các cuộc thăm dò định kỳ đều đặn và thường xuyên từ nhà trường mà người đánh giá chính là những học trò (và cả khách hàng). Chỉ có những cơ sở và những đơn vị đào tạo nào có tổ chức chặt chẽ và đều đặn các cuộc thăm dò mới có khả năng đánh giá đúng phần phẩm chất quan trọng này. Điều này cho thấy vai trò của nhà trường và của giáo sư đầu ngành (chứ không phải thành viên các hội đồng) là những người có tiếng nói quyết định về tiêu chuẩn nhân sinh của ứng cử viên GS/PGS. Vì thế, nên giao chỉ tiêu số lượng GS/PGS theo cơ cấu và nhiệm vụ của từng trường, giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch đào tạo và theo dõi các chỉ tiêu phần cứng kỹ thuật và phần mềm có tính nhân sinh cho GS đứng đầu từng chuyên ngành (hay chủ nhiệm từng bộ môn) chịu trách nhiệm xây dựng tiêu chí và xác định kỳ hạn đánh giá định kỳ hằng năm và điểm tích luỹ cho toàn bộ quá trình phấn đấu của giảng viên. Giao việc phong hàm cho từng nhà trường, dưới sự kiểm soát thanh tra của hội đồng khoa học nhà trường theo tiêu chuẩn chung của nhà nước sẽ tránh được sự tràn lan, gian trá trong phần cứng kỹ thuật, lỗ hổng vừa chủ quan, vừa cảm tính và cũng là nguyên nhân của mọi tiêu cực trong phần đánh giá nhân sinh và trong việc bầu bán bằng việc bỏ phiếu theo ý kiến hoàn toàn chủ quan của các thành viên hội đồng, những người không thể có đủ thông tin và hiểu rõ chất lượng thực về chuyên môn kỹ thuật và chất lượng phần mềm về nhân sinh của những người họ chỉ gặp một đôi lần hoặc thậm chí là họ chưa nghe nói tới bao giờ.
Đội ngũ thẩm định hồ sơ các ứng viên hiện nay là ai?
Đội ngũ chuyên viên được các cơ quan chuyên trách và nhà nước phân công thẩm định hồ sơ các ứng viên là những người mà chúng ta thường gọi là “thành viên hội đồng” các cấp, những người “cầm cân, nảy mực” trong quá trình làm chuyên gia xét duyệt và đề xuất công nhận hay từ chối chức danh khoa học của các nhà khoa học thường là những chuyên gia đầu ngành đã thành danh, đa số là các giáo sư của những thế hệ được phong hàm GS trong những năm 1990-2008, một số còn được phong hàm trước 1980. Họ đều có tuổi đời, tuổi nghề rất đáng kính. Tuy nhiên, về mặt khoa học, do những điều kiện hoàn cảnh khách quan của xã hội hồi bấy giờ, không nhiều người có điều kiện để “dùi mài kinh sử” về mặt phương pháp nghiên cứu khoa học. Mặt khác, cũng do không có nhiều điều kiện tham gia hay chủ trì các đề tài khoa học lớn đủ tầm cỡ quốc gia và quốc tế, cùng với những hạn chế về điều kiện nâng cao trình độ ngoại ngữ, họ chưa có điều kiện để có thể viết và đăng tải bài báo quốc tế, lại càng khó có báo đăng trong tạp chí khoa học uy tín trên thế giới. Chúng ta có thể thấu hiểu và rất chia sẻ thông cảm với họ.
Nhưng đó cũng chính là một hạn chế trong cách nhìn nhận và đánh giá các bài báo khoa học của Việt Nam đăng trong các tạp chí khoa học nước ngoài. Cụ thể là người ta coi các bài báo quốc tế có ISI cũng chỉ bằng bài báo trong tạp chí nội địa có uy tín như Y học Việt Nam hoặc Nghiên cứu Y học của ĐH YHN hay Tạp chí Y học TP Hồ Chí Minh (tối đa là 1 điểm) (!) Cũng là chuyện dễ hiểu, vì chỉ những ai đã từng viết và đăng được bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học có uy tín của quốc tế mới thấy rõ giá trị và sự khó khăn, nghiêm ngặt ra sao của việc đăng được một bài báo khoa học trên trường quốc tế! Đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn” và sự thừa kế có chọn lọc là những đặc tính cần phải có để đảm bảo cho sự phát triển xã hội nói chung, đặc biệt là ở những nơi có quá khứ vô cùng khó khăn khốc liệt như tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở những thời điểm nhất định trong tiến trình đi lên của xã hội, cần phải có sự kiên quyết chia tay với những gì không còn là động lực, thậm chí trở thành lực cản, cho sự phát triển. Đối với đội ngũ chuyên gia là thành viên của các hội đồng học hàm các cấp cũng không thể có ngoại lệ. Hiện nay, tại Việt Nam cũng đã có không ít các chuyên gia trẻ được đào tạo và tự đào tạo có đầy đủ các điều kiện, khả năng chuyên môn, ngoại ngữ, cập nhật chủ đề và phương pháp nghiên cứu, viết đăng và thậm chí là chuyên gia thẩm định các công trình khoa học quốc tế.
Hãy mạnh dạn tìm kiếm và đưa họ vào trong thành phần thẩm định xét duyệt học hàm để họ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học đầu đàn (“máy cái”) của nước nhà, dần dần thay thế những thành viên lớn tuổi và ít cập nhật trong bộ máy cao nhất có quyền quyết định tương lai của cán bộ đầu đàn và cũng sẽ là quyết định vị trí và tương lai của nền khoa học Việt Nam.
Có cần Hội đồng trung gian?
Về hội đồng học hàm các cấp hiện nay: Có rất nhiều ý kiến góp ý, tranh luận, đề xuất. Tất cả cùng mong muốn hướng đến sự hội nhập, cởi mở và hiệu quả cuối cùng là đại diện được cho giới khoa học nước nhà và Nhà nước lựa chọn được những nhà khoa học đích thực làm nòng cốt và đầu đàn dẫn dắt nền khoa học nước nhà theo hướng hiện đại và hội nhập. Tựu trung, đa số ý kiến đề nghị giải thể cấp trung gian (hội đồng cấp ngành, vì cho dù là cùng ngành, nhưng đa phần là khác nhau về chuyên ngành, khác cơ sở đào tạo, khác thế hệ, nên không thể sát sao bằng các thành viên trong hội đồng trường). Mặt khác, nhiều ý kiến cũng thống nhất đề nghị đổi tên, thay đổi cả về nhiệm vụ, vai trò và cơ chế hoạt động của Hội đồng học hàm cấp nhà nước. Với vai trò quản lý nhà nước, Ban này chỉ nên giữ nhiệm vụ thanh tra cấp nhà nước để đánh giá độ chính xác của từng hồ sơ ứng viên học hàm mà hội đồng trường đã xét duyệt đạt tiêu chuẩn và đệ trình nhà nước phê chuẩn phong học hàm.
Nếu thực hiện được như vậy, việc phong học hàm GS/PGS sẽ không còn là một gánh nặng công việc cho các ngành trong cả hệ thống khoa học của giáo dục và đại học như hiện nay. Cần quan niệm GS/PGS là các vị trí công việc được giao cho các giảng viên cơ hữu trong từng trường ĐH. Cũng phải xác định số lượng nhất định GS/PGS cho từng chuyên ngành. Cần có kế hoạch đào tạo, theo dõi và kiểm tra định kỳ. Phải được hội đồng khoa học trường (với những thành viên có đủ khả năng, kinh nghiệm) cũng đồng thời là những người có chức năng là thành viên hội đồng học hàm cấp trường theo dõi và thẩm định sát sao và đệ trình lên hội đồng thẩm định nhà nước xét duyệt và công nhận khi đủ tiêu chuẩn. Sẽ không còn các “chiến dịch... làm GS/PGS” ồn ào náo nhiệt với hàng ngàn ứng viên khắp mọi nơi, nhộn nhịp “lấp đầy... tiêu chuẩn” bằng mọi cách, để các thành viên hội đồng các cấp “duyệt mỏi tay”, bầu bán theo... cảm nhận, dù các “ứng viên non” đã “lấp đủ phần cứng” trong hồ sơ.
Việc phong học hàm tại các cơ sở đào tạo mới đảm bảo được độ chính xác cần thiết, số lượng cần thiết và chất lượng chuyên môn và nhân văn cần thiết. Đó là điều các nước trên thế giới đều đã làm và vẫn đang làm. Hãy hội nhập bằng cách thay đổi quan điểm “đặc thù” mà thực chất là “đường ta, ta cứ đi” và là mầm mống mọi tiêu cực, là mối hiểm hoạ nhãn tiền cho nền khoa học nước nhà. |
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Bàng