“Văn minh trà Việt”: Tác phẩm giá trị về văn hóa sử trà Việt

THÙY TRANG

VHO - Nhiều nghệ nhân trà, các chuyên gia và người thưởng trà có thâm niên nhận định “Văn minh trà Việt” là một di sản văn hóa, bởi chưa từng có một cuốn sách nào có sự tìm tòi, thu nạp nhiều dữ liệu và phân tích có tính hệ thống, trau chuốt diễn giải cuốn hút và đầy logic đến vậy trong ngành trà Việt Nam từ trước đến nay.

“Văn minh trà Việt”: Tác phẩm giá trị về văn hóa sử trà Việt - ảnh 1

Tác giả Trịnh Quang Dũng trong sự kiện ra mắt sách Văn minh trà Việt tại Đường Sách TP.HCM

Theo chia sẻ của nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam – Chủ tịch HĐQT trà Cozy Đoàn Quốc Tuấn: “Ngay từ lần xuất bản đầu tiên năm 2022, Văn minh trà Việt đã gây tiếng vang lớn, được coi là tác phẩm tiên phong rất giá trị về văn hóa sử trà Việt. Tác phẩm minh chứng một cách mạch lạc: Tinh hoa văn hóa trà Bách Việt trải suốt mấy ngàn năm lịch sử đã lắng đọng, hội tụ vào văn hóa trà Việt Nam giúp nó có bản ngã rất riêng, độc đáo và quyến rũ!”.

Và trong cuốn sách Văn minh trà Việt, sự quyến rũ của trà thể hiện cả ở thuộc tính trà cung đình và trà dân gian, hòa vào nếp sống của mọi giai cấp, nâng lên thành nghệ thuật thưởng trà hoặc văn hóa tín ngưỡng tại nhiều vùng miền trải dọc khắp chiều dài đất nước từ Bắc chí Nam qua lời kể chi tiết và giàu luận chứng minh họa cụ thể của tác giả Trịnh Quang Dũng.

Sách là sự tổng hợp và chắt lọc kỳ công của tác giả từ nhiều nguồn thông tin: dữ liệu lịch sử, tư liệu khảo cổ, tác phẩm văn học, truyền thuyết, phả lục và đặc biệt từ những nhân chứng và vật chứng sống.

Văn minh trà Việt đã được nhà nghiên cứu, nhà khoa học Trịnh Quang Dũng chỉnh lý và chắp bút qua gần 15 năm, lần xuất bản thứ nhất năm 2012 với 500 trang sách. Trong lần tái bản thứ hai, ra mắt trong tháng 6.2024, tác phẩm gắn kết hầu hết những tinh hoa rải rác khắp lãnh thổ Việt Nam trong ngành trà như một cách liên kết có tính hệ thống những danh trà trong ngành.

Đó là những tên tuổi mai danh ẩn tích lưu giữ những phẩm trà quý, những phương thức sao trà kỳ công, những cách ướp trà theo tiêu chuẩn truyền thống ngặt nghèo đến những điểm sáng rực rỡ đưa văn hóa trà Việt Nam lan tỏa đi khắp bốn bể năm châu đều được khai mở.

“Văn minh trà Việt”: Tác phẩm giá trị về văn hóa sử trà Việt - ảnh 2

Sách Văn minh trà Việt tái bản lần 2 với nội dung bao quát gần như trọn vẹn các khía cạnh khác nhau về hành trình phát triển của trà Việt

Lật giở một số chương trong cuốn sách, người đọc tự hào khi biết đến những câu chuyện về các Trà Cụ Việt vang danh khắp quốc tế thuở thế kỷ XVII- XVIII, từng đi xuất khẩu trên 37 nước Á - Âu.

Độc giả cũng biết thêm về những danh Trà Việt từ thất truyền đến còn lưu truyền ngày nay cho hậu thế, hiển hiện bằng tên những dòng trà quý dọc ngang đất nước từ vùng núi đến đồng bằng: Trà Shan Tuyết cổ thụ, trà Đinh Tân Cương, trà Sen Hồ Tây, trà Sen Đại Nội Huế, trà Phú Hội,… hay phân ra các dòng trà thảo mộc như: Trà bát bảo, trà Atiso, trà hoa cúc, trà gừng… 

Từ năm 2018 đến nay, Việt Nam liên tục vượt mặt Trung Quốc, Đài Loan (TQ) và Nhật Bản, đạt được nhiều giải thưởng hàng đầu của ngành trà tại các cuộc thi trà quốc tế danh giá. Đó là quả ngọt cho ngành trà Việt, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức để bảo tồn và phát huy những gốc trà cổ thụ trước tình trạng “thao túng” nguồn cung trà nguyên sản ở Việt Nam vốn đã tồn tại từ trước đến nay.

Văn minh trà Việt không chỉ là một tác phẩm văn chương mà theo thủ pháp khách quan của tác giả “mượn văn hóa làm tươi mát lịch sử” và ngược lại, “mượn lịch sử làm chính xác văn hóa”, mà theo những nhà nghiên cứu, nhà khoa học và nhà báo đã từng đọc qua cuốn sách đều cho rằng, đây là một đầu sách giá trị về trà Việt Nam, phù hợp với nhiều đối tượng bạn đọc vì dễ hiểu, dễ đọc, dễ cảm.