Văn hóa "thần tượng" trong giới trẻ: Đừng đặt niềm tin nhầm chỗ
VHO- “Chúng ta đang chứng kiến nghịch lý một số bạn trẻ tôn thờ những người có tài năng nhưng không có đạo đức, thậm chí không có cả hai, nguyên nhân là bởi họ chưa thật sự hiểu định nghĩa cũng như sức nặng của hai chữ “thần tượng”. Dân gian đã có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, hãy nên thần tượng những người có cống hiến cho cộng đồng, xã hội, đừng chạy theo tâm lý đám đông để rồi chính những hành vi tiêu cực sẽ làm vấy bẩn tâm hồn các bạn”…
Giới trẻ cần được định hướng về văn hóa thần tượng
GS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và phát triển (Học viện Báo chí và tuyên truyền) nhận định như vậy khi trao đổi với Văn Hóa sau hàng loạt bê bối của người nổi tiếng bị phanh phui. Hành vi mù quáng bất chấp chuẩn mực đạo đức đã phản ánh rõ biểu hiện lệch chuẩn trong văn hóa thần tượng của một bộ phận giới trẻ. Văn hóa thần tượng chỉ thật sự tốt đẹp nếu nó thúc đẩy những suy nghĩ tích cực và thôi thúc họ cống hiến vì xã hội.
Ngán ngẩm vì những hành vi lệch chuẩn
Công chúng ngày nay đã khắt khe hơn trong việc đưa ra các tiêu chí thần tượng. Ngoài tài năng, một “ngôi sao” phải đảm bảo đời tư trong sáng cũng như có đóng góp cho xã hội. Thế nhưng, vẫn còn đó một bộ phận giới trẻ chỉ quan tâm đến ngoại hình, giọng hát... mà quên rằng nghệ sĩ chân chính phải hội đủ hai yếu tố tài và đức. Chính sự dễ dãi trong gu lựa chọn “Idol” của khán giả là nguyên nhân khiến nhiều “sao” có suy nghĩ lệch lạc, tự cho mình được “quyền” sống buông thả.
Trường hợp ca sĩ Trịnh Trần Phương Tuấn (nghệ danh Jack) là ví dụ điển hình của việc thần tượng mù quáng. Vướng scandal tình ái có con riêng và cùng lúc có mối quan hệ với nhiều cô gái, thậm chí không chỉ một mà đến ba người cùng lên tiếng bóc phốt, Jack tưởng chừng “hết cửa” trong showbiz Việt. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận khán giả không thừa nhận sai lầm của anh này, vẫn tìm mọi cách để ủng hộ đến mức mù quáng. Họ lợi dụng sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội để “lên tiếng” thay cho thần tượng của mình.
Trên TikTok, hàng loạt những clip xuất hiện kèm lời “động viên”: “Nếu Jack có sai, chúng em sẽ sai cùng anh”; “Một ngày là thần tượng mãi mãi là thần tượng”; “Điều 1: Jack luôn đúng. Điều 2: Jack là số một. Điều 3: Jack đứng nhất, mọi thứ khác đều đứng sau...”. Điều đáng lo ngại là sau một thời gian “lần mò”, cộng đồng mạng choáng váng khi phát hiện phần lớn những bình luận này là của fan mới chỉ đang học cấp I, cấp II. Nguy hiểm hơn, không ít ý kiến cho rằng, việc có con với thần tượng là “vinh dự”, Jack không có lỗi trong chuyện này.
Với các Idol nước ngoài, sau bê bối của Ngô Diệc Phàm (nam diễn viên nổi tiếng Trung Quốc có số lượng người hâm mộ đông đảo tại Việt Nam - PV), một số fan cuồng đã công kích, chửi bới cả các cơ quan báo chí, thậm chí còn lên tiếng đòi phải thả người hay… nhận đi tù thay. Ngoài ra, công chúng vẫn chưa quên nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười khi đám đông người trẻ hôn ghế các thành viên một nhóm nhạc Hàn Quốc khi họ đến Việt Nam biểu diễn, hay bỏ học “cày view” cho sản phẩm mới của thần tượng, rồi mất ăn mất ngủ, làm mình làm mẩy khi không được bố mẹ cho tiền mua album hay các sản phẩm liên quan đến “ông hoàng, bà chúa” trong lòng mình.
“Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”
Trao đổi với Văn Hóa, PGS.TS Phạm Ngọc Trung khẳng định, việc thần tượng một ai đó là điều tốt nếu khán giả tỉnh táo, biết đặt niềm tin một cách đúng đắn. Văn hóa thần tượng không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần, giải trí mà còn là động lực để các bạn trẻ phấn đấu, noi gương làm những điều có ích. Chính những thần tượng, người có tài năng, phẩm chất tốt sẽ là tấm gương để những người hâm mộ không ngừng cố gắng và hoàn thiện mình tốt hơn. Ngược lại, việc “phát cuồng” vì thần tượng sẽ tạo ra những hành vi ứng xử thiếu lành mạnh, phản văn hóa và gây ra những hậu quả khôn lường.
Cũng theo vị chuyên gia, đã đến lúc cần có thêm các quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn việc những nghệ sĩ có lối sống buông thả, là mầm mống cho hành vi thần tượng mù quáng. Ngay cả những người không mang danh nghệ sĩ nhưng có sức ảnh hưởng như TikToker, streamer... cũng cần chịu sự quản lý của các quy định này. Ngoài ra, gia đình, nhà trường phải sát sao quan tâm đến con em mình, đừng để các bạn sử dụng điện thoại thâu đêm, suốt sáng, dễ “sa lầy” vào điều tiêu cực trên mạng xã hội.
Đứng ở góc độ tâm lý, ThS Vũ Thu Hà, Viện Nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam cho biết: Tôn thờ, cuồng thần tượng đôi khi có thể được xem như một hình thức của bệnh tâm lý. Những người này có xu hướng ám ảnh với mọi hành động của thần tượng. Cũng vì lý do đó mà người hâm mộ có thể thay đổi kiểu tóc, điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội, thay đổi hành vi… để giống với thần tượng. Nguy cơ các bạn trẻ vượt qua cả những quy chuẩn về trật tự xã hội cũng xuất hiện từ đây.
ThS Vũ Thu Hà nêu rõ, việc người hâm mộ ngày càng trẻ hóa về độ tuổi cũng đặt ra các yêu cầu mới trong công tác giáo dục của phụ huynh và nhà trường: “Người lớn cần trang bị cho con em kỹ năng phân tích, phản biện. Khi có được những kỹ năng này, các em sẽ nhận định được đâu là hành vi nên làm theo và hành vi nào không; thậm chí là lên tiếng phản đối trước những hành vi sai trái. Sự định hướng của phụ huynh, giáo viên sẽ giúp các em có được sức đề kháng trước những biến tướng trong văn hóa thần tượng”. Bên cạnh đó, vị chuyên gia tâm lý cũng mong muốn các bạn trẻ hãy giữ vững tâm lý, lập trường khi thần tượng một ai đó. Thần tượng không phải là để bao che cho hành vi sai trái của họ, mà tình cảm của người hâm mộ sẽ là động lực thúc đẩy nghệ sĩ theo đuổi những giá trị tốt đẹp.
ĐÌNH TOÁN