Từ scandal dùng chất cấm, nhìn lại trách nhiệm nghệ sĩ

THANH MAI - MỸ TRANG

VHO - Gần đây, hàng loạt vụ việc người nổi tiếng liên quan đến chất ma túy đang khiến dư luận bàng hoàng và thất vọng. Dù có tài năng hay danh tiếng lẫy lừng đến đâu, người của công chúng không thể đứng ngoài chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Trong nghệ thuật, sáng tạo không chỉ cần tài năng mà còn đòi hỏi bản lĩnh để vượt qua cám dỗ.

Từ scandal dùng chất cấm, nhìn lại trách nhiệm nghệ sĩ - ảnh 1
Rapper Bình Gold khoe hình ảnh lái xe quá tốc độ trên trang cá nhân

Tài năng không phải lá chắn cho vi phạm

Gần đây, làng giải trí Việt liên tục rung chuyển bởi hàng loạt vụ việc người nổi tiếng bị phát hiện sử dụng hoặc liên quan đến chất ma túy, gây thất vọng cho công chúng.

Ngày 23.7, thông tin nhà thiết kế (NTK) Nguyễn Công Trí bị bắt vì tham gia đường dây tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy khiến nhiều người bàng hoàng. 

Tại Việt Nam, anh được mệnh danh là “anh cả của làng mốt”, là “bàn tay vàng” đứng sau trang phục biểu diễn, thảm đỏ của loạt mỹ nhân đình đám như Hồ Ngọc Hà, Thanh Hằng, Tăng Thanh Hà, Mỹ Tâm... Ở thị trường quốc tế, các thiết kế mang dấu ấn Nguyễn Công Trí từng được nhiều ngôi sao hạng A lựa chọn như Beyoncé, Katy Perry, Jennifer Lopez, Lisa và Rosé (Blackpink)...

Với kỹ thuật xử lý chất liệu tinh xảo, tư duy thiết kế hiện đại kết hợp cùng tinh thần tôn vinh bản sắc Việt, những sáng tạo của Công Trí không chỉ góp mặt trong các bộ ảnh thời trang quốc tế mà còn xuất hiện nổi bật trên trang bìa của các tạp chí danh giá như VogueElleHarper’s Bazaar

Chỉ một ngày sau, rapper Bình Gold (tên thật Vũ Xuân Bình, 28 tuổi) cũng bị phát hiện lái xe ô tô Audi chặn đầu ô tô khác trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Khi kiểm tra, lực lượng chức năng xác định anh dương tính với ma túy.

Đáng chú ý, chính nam rapper đã đăng tải đoạn video lái xe với tốc độ hơn 100 km/h lên mạng xã hội, kèm theo thái độ thách thức, khiến dư luận phẫn nộ.

Bình Gold là một trong những rapper gây nhiều tranh cãi của giới underground. Anh nổi lên từ MV Bốc bát họ, sản phẩm giúp tên tuổi anh được biết đến rộng rãi nhưng cũng vấp phải chỉ trích vì ca từ cổ xúy lối sống lệch chuẩn.

Sau đó, anh tiếp tục phát hành loạt ca khúc mang phong cách mumble rap như Ông bà già tao lo hếtCần gì có emTrên người tao có áo Gucci… với hình tượng ngông nghênh, khoe mẽ và thường xuyên đi ngược chuẩn mực văn hóa.

Trước đó, công chúng từng nhiều lần thất vọng khi chứng kiến những nghệ sĩ từng được yêu mến vướng vào vòng lao lý vì liên quan đến chất cấm. Có thể kể đến những cái tên như diễn viên hài Hữu Tín, ca sĩ Chu Bin, Châu Việt Cường, Chi Dân, người mẫu Andrea Aybar…

Sau hàng loạt vụ việc người nổi tiếng vướng vào ma tuý, nhiều ý kiến cho rằng nghệ sĩ cần sự kích thích để sáng tạo. Không ít người vẫn biện hộ rằng nghệ thuật cần những “trải nghiệm mạnh”, cần “thăng hoa” hay “thoát ly thực tại” để tìm cảm hứng và việc sử dụng chất kích thích đôi khi là một phần của hành trình đó.

Tuy nhiên, ma túy chưa bao giờ là con đường ngắn dẫn tới sáng tạo hay thành công. Đó là cánh cửa dẫn đến vực thẳm, nơi tài năng bị vùi lấp, danh tiếng sụp đổ.

Người của công chúng, càng phải giữ mình 

Nghệ sĩ là người của công chúng, không chỉ mang trên vai trọng trách sáng tạo nghệ thuật, mà còn là đại diện cho hình ảnh văn hóa, lối sống, thậm chí là lý tưởng sống của một bộ phận công chúng trẻ. Bởi vậy, người nổi tiếng phải “giữ mình” là điều cần thiết.

Từ scandal dùng chất cấm, nhìn lại trách nhiệm nghệ sĩ - ảnh 2
NTK Nguyễn Công Trí bị bắt vì tham gia đường dây tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy

Trong cuộc buổi họp báo thường kỳ Quý II năm 2025 (Bộ VHTTDL), diễn ra chiều 24.7, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) Trần Hướng Dương cho biết: "Quan điểm của Cục NTBD cũng như của Bộ VHTTDL, các nghệ sĩ cũng là công dân, vì vậy, trước hết, nghệ sĩ phải thực hiện theo đúng quy định của công dân trước pháp luật."

“Đối với nghệ sĩ, họ càng phải nâng cao ý thức hơn nữa. Tôi cho rằng người nghệ sĩ cần có khán giả, khi mất niềm tin của khán giả thì nghệ sĩ không còn gì nữa”, ông Trần Hướng Dương nói.

Điều đáng nói, trong thời đại mạng xã hội, mọi hành vi, phát ngôn của nghệ sĩ đều có sức lan tỏa mạnh mẽ, đặc biệt tác động tới nhận thức và hành vi của giới trẻ. 

Khi người nổi tiếng vướng vào sai phạm, hệ lụy không chỉ dừng ở sự sụp đổ hình tượng cá nhân mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới những người đang xem họ là thần tượng.

Niềm tin công chúng có thể bị tổn thương, dẫn đến sự hoài nghi hoặc thậm chí là sự tiếp nhận những hành vi sai trái, lệch chuẩn.

Bởi vậy, nghệ sĩ cần ý thức rõ tầm ảnh hưởng của mình. Mỗi hành động không chỉ phản ánh bản thân, mà còn góp phần định hình giá trị văn hóa xã hội.

Nghề làm nghệ thuật không chỉ cần tài năng mà còn đòi hỏi đạo đức, bản lĩnh và sự tỉnh táo. Sự "cháy" trong nghệ thuật sẽ trở nên vô nghĩa nếu nghệ sĩ "lụi tắt" trong đời sống vì những cú trượt đạo đức.

Ma túy và các chất kích thích không bao giờ là chất xúc tác cho sáng tạo đích thực. Những lời biện minh như “để thăng hoa cảm xúc” hay “thoát khỏi thực tại” chỉ là cách che giấu sự yếu đuối và thiếu kiểm soát.