Lợi dụng từ thiện để "làm màu", câu view:

Trò lố đến mức trơ trẽn

ANH HUY

VHO - Những ngày qua, người dân cả nước đang hướng về vùng đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ với niềm sẻ chia vô hạn. Không chỉ ủng hộ vật chất, những câu chuyện hay, hành động đẹp được khắc họa để lan tỏa đến mọi người, cùng góp thêm động lực cho đồng bào nhanh chóng vượt qua đau thương, sớm phục hồi cuộc sống…

Trò lố đến mức trơ trẽn - ảnh 1
Một hình ảnh đẹp, làm ấm lòng mọi người trong thời điểm cần sự sẻ chia, tấm lòng thiện nguyện đến với bà con vùng bão lũ

 Sẽ không có gì để nói nếu đằng sau câu chuyện quyên góp không có những người sống ảo, đã “cường độ hóa” số tiền quyên góp lên để khoe khoang, “làm màu”. Cạnh đó, một số người cố tình “ra vẻ”, thể hiện quá mức, làm cho sự việc bị quan trọng hóa lên nhưng bản chất không phải như vậy, nhất là nhân chuyện làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi.

Lộ mặt Mạnh Thường Quân dởm

Cũng có người rất “chăm chỉ” soi mói xem người này làm từ thiện nhiều hay ít, người kia quyên góp được bao nhiêu để dè bỉu, chê bai… Chưa bao giờ, mạng xã hội lại trở nên “nhộn nhịp” với hàng loạt câu chuyện dở khóc, dở cười như thời điểm này.

 Đọc những tin như thế thấy đau lòng

Viết trên Facebook cá nhân, PGS.TS Phạm Quang Long bức xúc: “... Có những kẻ còn táng tận lương tâm, mượn chuyện bão tố, chết người đưa tin giả, lừa đảo và làm trò. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã sao kê danh sách cá nhân, tập thể những nhà hảo tâm… góp tiền của hỗ trợ bà con vùng thiệt hại. Cao quý biết bao những tấm lòng. Thế mà có người đã “góp ít”, khoe nhiều, gõ mõ khua chiêng việc mình làm từ thiện…

Xem, đọc những tin như thế thấy đau lòng vì sự xuống cấp của đạo đức xã hội và căm giận lũ bất lương. Xã hội còn chưa khô nước mắt khóc người đã mất, vì những tai họa khủng khiếp mà lũ này dám mượn những đau thương của người khác để buôn bán danh vọng. Sự dối trá đã đạt đến sự bỉ ổi, mất tính người”.

Theo đó, một trong những cụm từ được cư dân mạng nhắc đến rất nhiều đó là sống “phông bạt”. Khái niệm này không mới nhưng bỗng nhiên “phủ sóng” khắp cõi mạng ngay sau đợt sao kê của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam. Bảng sao kê dường như đã “phông sát”, định đoạt danh dự cho nhiều người, từ vị trí đang được xã hội tán thưởng, hoan nghênh vì tấm lòng thiện nguyện cao đẹp bỗng bị phát hiện ra đó chỉ là trò lố, lừa dối thiên hạ, đầy trơ trẽn trên nỗi đau của đồng bào. Bên cạnh đó, những nhà hảo tâm thật sự, những “cây ngay không sợ chết đứng” cũng được nhiều người mến mộ, kính trọng hơn. Khi cơ quan của Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam công bố (ban đầu) hơn 12.000 trang sao kê đầy đủ và chính xác về các khoản đóng góp từ thiện, ngay sau đó dân mạng đã dành thời gian để “check var” (kiểm tra) các thông tin trong danh sách sao kê, xem liệu những người đã từng đăng tải thông báo giao dịch chuyển khoản ủng hộ, có nói đúng hay chỉ là “thổi phồng”. Thật bất ngờ, ngay sau đó đã lộ diện những “Mạnh Thường Quân” dởm, sống “phông bạt”, trong đó đa phần là người nổi tiếng.

Những người này đã photoshop, “hóa phép” biên lai chuyển tiền từ một triệu biến thành chục triệu, từ vài trăm ngàn vống lên trăm triệu, thậm chí tiền tỉ. Họ quá trơ trẽn, táng tận lương tâm khi làm phiếu chuyển tiền giả để khoe mẽ lòng hào hiệp của mình trên mạng xã hội, để được nể nang trong khi số tiền quyên góp thật sự thì quá nhỏ bé so với con số họ công bố. Thật may, và chắc rằng những “Mạnh Thường Quân” dởm này cũng sẽ không thể ngờ, nếu cơ quan nhà nước không công khai bảng sao kê kia, chắc lớp vỏ bọc giả tạo ấy cứ mãi là những “tấm lòng vàng” được người người tung hô, ca tụng. Trường hợp khác, nhân vật này đã đăng trên mạng kêu gọi bán đấu giá vật phẩm để dùng số tiền này quyên góp cho đồng bào miền Bắc đang bị thiên tai. Thế nhưng, khi đấu giá được số tiền lớn, người này chỉ dùng một phần nhỏ để quyên góp. Một sự lừa dối trắng trợn. Nhiều hội fan của những ca sĩ nổi tiếng cũng đăng bài lên các hội, nhóm, cho biết đã ủng hộ số tiền hàng triệu đồng. Thế nhưng, trong sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 đã đăng tải, số tiền thật sự chỉ vài ngàn đồng.

Trò lố đến mức trơ trẽn - ảnh 2
Hàng loạt cá nhân, đơn vị, có cả người nổi tiếng đang nhận sự chỉ trích từ cộng đồng khi công bố số tiền “khủng” so với số thực tế quyên góp

Lòng tốt, sự hào phóng không đến từ khoe mẽ

“Người dân vùng lũ bị mắc kẹt muốn thoát ra đến vùng an toàn, thèm được một chốn ngơi nghỉ bình yên thì không ít “thiện nguyện” Tiktoker, YouTuber, có cả diễn viên, ca sĩ đã kéo ra vùng lũ như đi du lịch bằng thuyền, quay phim chụp ảnh, live stream để khoe tấm lòng hào hiệp, tạo dựng tên tuổi hoặc “tẩy trắng” những chuyện không đẹp của họ trước đó. Có người giả mạo để quay phim, chụp ảnh để xin tiền cứu trợ”,… một tài khoản bức xúc viết.

Một nhà báo có thâm niên bày tỏ với chúng tôi: Những người này có lòng tự trọng không khi người khác đang nỗ lực thực sự để giúp đỡ người gặp khó khăn thì họ lại chọn con đường giả dối, “phông bạt” để đánh bóng tên tuổi. Thay vì đóng góp cho cộng đồng họ lại lợi dụng sự đau khổ của người khác để làm nền cho bản thân. Đó chẳng phải là sự ích kỷ tột cùng hay sao? Có lẽ, câu chuyện công khai sao kê và bị “lộ diện” là bài học đắt giá cho những ai thích “nổ” trên mạng xã hội. Lòng tốt, sự hào phóng không đến từ những lời khoe mẽ hay những phiếu chuyển tiền giả mạo. Đóng góp từ thiện là một hành động cao quý, nhưng nó chỉ có ý nghĩa khi xuất phát từ sự chân thành, chứ không phải từ mong muốn được khen ngợi hay phô trương.

Có một câu chuyện khác không đáng lên án nhưng cũng để lại nhiều suy ngẫm, liên quan đến mô hình marketing kết hợp từ thiện của thương hiệu KATINAT. Theo đó, khi KATINAT vừa đăng tải một bài post với nội dung: “KATINAT muốn ủng hộ tình hình bão lũ tại các tỉnh miền Bắc bằng cách trích 1.000 đồng trên mỗi ly nước được bán ra từ ngày 12 - 30.9”. Bài đăng lập tức nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng, phần lớn không đồng tình. Ngày hôm sau, KATINAT đã đăng bài xin lỗi vì cách truyền thông gây hiểu lầm. Đồng thời, nhãn hàng đã trích 1 tỉ đồng để đóng góp đồng bào thông qua MTTQ Việt Nam. Số tiền trên là tiền được trích ra từ doanh thu của 1 triệu ly nước dự kiến bán được trong 2 tuần tới. Nếu bán nhiều hơn, KATINAT sẽ tiếp tục bổ sung và đóng góp…

Nhiều chuyên gia cho rằng, cách kêu gọi của KATINAT cũng khiến nhiều người nghĩ nhãn hàng đang lợi dụng từ thiện để kinh doanh, khi kêu gọi mua hàng trước rồi mới tổng hợp tiền để cứu trợ sau… Sự việc về KATINAT tạm lắng nhưng cũng là bài học cho cách kinh doanh sản phẩm dựa vào từ thiện, nhất là thời điểm này là vô cùng nhạy cảm, tưởng là có thể quảng bá thương hiệu nhưng không khéo trở nên phản tác dụng… Thế nhưng, trái với những trường hợp gây bức xúc nói trên là vô số những câu chuyện đẹp, những thông tin làm ấm lòng đến mọi người trong cơn bão lũ, hoạn nạn có nhau. Điển hình là khi xem sao kê cùng khoản đóng góp với nội dung: “tap the lai do KDL Trang An ung ho dong bao”, dư luận đã phát cuồng và bày tỏ lòng cảm kích khi thấy số tiền ủng hộ lên đến 300 triệu đồng.

Nhiều người bày tỏ rằng các cô chú, anh chị lái đò là những người “nói ít, làm nhiều” chứ không phải kiểu “làm màu”. Họ còn kêu gọi du khách có dịp đến khu du lịch Tràng An, Ninh Bình để ủng hộ cô chú lái đò ở đây để được gặp những “idol” của mình. Bên cạnh đó, có những bạn nhỏ lứa tuổi học sinh, thiếu nhi rất đáng yêu, không có nhiều tiền nhưng có tấm lòng chia sẻ, ủng hộ từ vài chục đến vài trăm nghìn, kèm theo những lời động viên, tâm sự thật xúc động. Nhiều người cho rằng, việc quyên góp từ thiện bao nhiêu cũng quý, không ai bắt buộc mình phải góp nhiều, tùy theo khả năng của mỗi người. Dù đó là 10k, 20k, 100k cũng quý chứ sao phải photoshop tăng số tiền lên rồi khoe khoang, đến khi bị phát hiện thì xấu hổ không còn gì bằng.

Nếu như khái niệm “phông bạt” trước đây thường được hiểu là kiểu sống ảo tưởng, che đậy sự thật bằng những hình ảnh hào nhoáng, nhưng trong trường hợp này, đã trở nên trơ trẽn, phản cảm. Đó là sự gian dối, vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật vì khi mình công bố quyên tiền nhiều là vu oan cho bên nhận. Nếu như không có phương tiện công khai minh bạch thì chắc chắn người dân sẽ nghi ngờ khi số tiền nhận nhiều nhưng công bố không bao nhiêu. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc