Trạm yêu thương:
Thầy giáo tí hon truyền lửa sống tới những học viên khuyết tật
VHO - Trở thành người khuyết tật sau cơn sốt bại liệt năm 6 tuổi, Vũ Phong Kỳ đã nỗ lực vươn lên, thậm chí tạo việc làm cho những người đồng cảnh ngộ.
Câu chuyện truyền cảm hứng của anh đã được chia sẻ tại Trạm yêu thương số phát sóng ngày 18.5 trên kênh VTV1.
Không phải là người khuyết tật bẩm sinh, biến cố ập đến với Phong Kỳ từ năm lên 6 tuổi. Khi đó, cậu bé Kỳ phải trải qua những đợt đau nhức xương khớp kéo dài liên miên. Mặc dù bố mẹ đưa con đi thăm khám từ viện này sang viện khác, nhưng bệnh tình không thuyên giảm.
Căn bệnh loãng xương khiến chân tay Phong Kỳ yếu dần đi. Chân bị gãy nhiều lần và cơ thể không phát triển. Đến năm 12 tuổi, Phong Kỳ buộc phải ngồi xe lăn. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc người thân nên dù học giỏi, cậu bé đành nghỉ học giữa chừng, bỏ dở ước mơ theo đuổi ngành công nghệ thông tin.
Không thể tự di chuyển, không thể làm những điều mình mong muốn, mọi hoài bão như cánh cửa đóng sầm trước mặt khiến Phong Kỳ càng thêm tự ti, mất phương hướng. Những ánh mắt soi mói, những lời bàn tán khiến Kỳ dần thu mình trong vỏ ốc. Đã nhiều lúc bất lực về bản thân, nhưng vì sự chăm lo của bố mẹ, Phong Kỳ đã tiếp tục cố gắng.
Năm 2009, biết đến Trung tâm Nghị lực sống, Phong Kỳ khao khát được đến học nhưng mọi tia hy vọng vụt tắt khi anh đọc được điều kiện của học viên phải là người khuyết tật có thể tự chăm sóc bản thân. Năm 2014, cơ hội lại mỉm cười với Phong Kỳ khi có gia đình khuyết tật cùng quê động viên và hỗ trợ anh khi lên Hà Nội học. Những tháng ngày ở Trung tâm Nghị lực sống, Phong Kỳ không chỉ được học nghề, được truyền dạy kiến thức mà anh còn nhận được nhiều tình yêu thương từ những người đồng cảnh.
Nhờ sự chăm chỉ, nỗ lực không ngừng cùng sự động viên từ gia đình, chỉ sau hai tháng học công nghệ thông tin, anh Kỳ xuất sắc đỗ kỳ thi tuyển của Công ty TNHH Esoftflow (thuộc Tập đoàn Esoft Systems - một trong những tập đoàn hàng đầu của Đan Mạch chuyên phát triển, cung cấp các giải pháp và sản phẩm đồ họa) rồi trở thành nhân viên đồ họa, chỉnh sửa ảnh. Không chỉ có việc làm, thu nhập ổn định, điều khiến Phong Kỳ vui nhất là mình được cạnh tranh bằng năng lực như người bình thường.
Từ một người khuyết tật, anh Kỳ đã vươn lên trở thành kỹ thuật viên đồ hoạ bậc cao. Sau 4 năm làm việc, tích luỹ nhiều kinh nghiệm, không quên nơi đã từng giúp mình tìm được ý nghĩa cuộc đời, Vũ Phong Kỳ đã quay lại Trung tâm Nghị lực sống trở thành giáo viên, dạy nghề cho những người có hoàn cảnh như anh.
"Tôi cảm thấy mình có ý nghĩa khi có thể đem kiến thức tích lũy được chia sẻ với các bạn có cùng hoàn cảnh. Nhìn họ, tôi nhớ về mình của ngày trước nên mong muốn giúp các bạn có việc làm, khằng định bản thân có thể cống hiến cho cuộc đời".