Tài tử miệt vườn hội ngộ

THÙY TRANG

VHO - Sau thời gian tuyển sinh và ghi hình, Tài tử miệt vườn năm 2024, phiên bản song ca đã lên sóng trên kênh THĐT1, trở thành điểm hội ngộ của những tài tử chân chất xứ miệt vườn.

Chương trình do Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp tổ chức, nhằm góp phần phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, lan tỏa tình yêu đối với Di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh.

 Tài tử miệt vườn hội ngộ - ảnh 1
Thí sinh đa dạng lứa tuổi, vùng miền, nghề nghiệp đã tạo nên sự đa dạng, sinh động, hấp dẫn cho cuộc thi

 Niềm đam mê vô tận dành cho sân khấu Cải lương

Tài tử miệt vườn năm nay thu hút hơn 400 thí sinh tham gia, trong đó người nhỏ nhất là 10 tuổi (sinh năm 2014) và lớn nhất là cụ ông 80 tuổi (sinh năm 1944). Các tài tử đến từ nhiều tỉnh thành, trải dài từ Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM đến tận Bạc Liêu, Cà Mau... “Thí sinh đa dạng lứa tuổi, vùng miền, nghề nghiệp đã tạo nên sự đa dạng, sinh động, cho thấy đây là sân chơi nghệ thuật hấp dẫn, hội ngộ những người yêu thích bộ môn âm nhạc cổ truyền của dân tộc”, bà Ngô Thị Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp cho biết.

Theo quy định của phiên bản song ca, các thí sinh đã tự chọn ngẫu nhiên người bạn diễn từ 400 gương mặt để dự thi. Mặc dù nhiều cặp lần đầu gặp nhau, nhưng họ đã nhanh chóng phối hợp ăn ý, tạo nên những cung điệu nhịp nhàng, cũng có đôi lúc không tránh khỏi sự khập khiễng, nhưng đó lại chính là tính ngẫu hứng của thể loại tài tử.

Do số lượng thí sinh nam nhiều hơn nữ nên nhiều cặp diễn là 2 thí sinh nam. Điều này gây ra ít nhiều khó khăn khi tìm kiếm bài hát, vì các sáng tác dành cho hai giọng nam khá ít, lại phải là bài bản mới (theo khuyến khích của BTC)… Thế nhưng, vượt qua trở ngại, họ đã mang đến sân chơi những bất ngờ thú vị, phóng khoáng theo đúng tính chất “tài tử Nam Bộ”.

Để chinh phục vị trí Quán quân, các cặp thí sinh sẽ trải qua 5 vòng thi: Khởi động, Cất cánh, Tăng tốc, Bản lĩnh và Đêm đăng quang. Theo đó, ở vòng Khởi động, các cặp thí sinh chọn ca 2 câu vọng cổ hoặc không quá 2 lớp trong số các bài bản tổ để dự thi. BGK sẽ chọn ra 18 cặp có số điểm cao nhất vào vòng Cất cánh.

Vòng Cất cánh có 3 chủ đề khác nhau: Chuyện dân gian, Ca ngợi quê hương Tình yêu đôi lứa. Mỗi chủ đề có 6 cặp thi diễn bài vọng cổ tương ứng với một chủ đề. BGK sẽ chọn 12 cặp thí sinh vào vòng Tăng tốc. Tiếp theo, 9 cặp thí sinh có số điểm cao nhất sẽ được đi tiếp vào vòng Bản lĩnh. Tại vòng này, họ sẽ thi diễn trích đoạn tuồng cổ (do BTC, Ban cố vấn chọn) với sự hỗ trợ của nghệ sĩ và tài tử các mùa trước. Kết thúc vòng Bản lĩnh, 4 cặp thí sinh sẽ vào vòng Đăng quang với 2 phần thi ca - diễn trích đoạn tự chọn và phần thi thử thách đặc biệt từ BTC.

Chương trình năm nay có sự thay đổi về thành phần “ghế nóng”: Người chịu trách nhiệm cố vấn nghệ thuật và dàn dựng sân khấu là NSƯT Chí Linh; Giám khảo vòng sơ tuyển là NSƯT Ngọc Huyền, NSƯT Chí Linh; Giám khảo chấm điểm từ vòng 2 là danh ca Chí Tâm, NSND Trọng Phúc và NSƯT Ngọc Huyền…

Chia sẻ với Văn Hóa, NSƯT Chí Linh bày tỏ: “Điều làm tôi xúc động ở cuộc thi này chính là tinh thần, bản lĩnh và tình cảm của thí sinh dành cho Đờn ca tài tử, Vọng cổ, Cải lương. Các bạn đã đến với chương trình vì niềm đam mê vô hạn, đến để được giao lưu, thi diễn, học hỏi lẫn nhau… Đây là điều khó có thể thấy được ở bất kỳ một cuộc thi nào”.

 Tài tử miệt vườn hội ngộ - ảnh 2
Nhiều thí sinh có tố chất, ca tốt được phát hiện từ vòng Khởi động

Xuất hiện nhiều nhân tố mới tài năng

Trong vai trò cố vấn nghệ thuật và dàn dựng sân khấu, NSƯT Chí Linh cho biết anh sẽ dựa theo tinh thần và năng khiếu của thí sinh để định hướng cho từng bạn, với mong muốn giữ được bản sắc riêng của mỗi người và thông điệp chương trình truyền tải.

“Tôi không muốn tạo sự chuyên nghiệp ngay từ đầu, vì như thế rất áp lực cho thí sinh. Tôi muốn từ từ nâng cấp kỹ năng ca diễn của họ qua từng vòng thi. Ví dụ, từ đầu thi vọng cổ hoặc bài bản tổ, sang vòng 2 ca ra bộ; đến vòng Tăng tốc, các bạn ca cảnh sẽ được bổ sung những chi tiết còn khiếm khuyết; vòng Bản lĩnh với phần ca trích đoạn, chúng tôi sẽ hướng dẫn thí sinh diễn theo nhân vật… để các bạn phát triển từng bước. Hy vọng qua mùa thi, thí sinh sẽ rút ra được kinh nghiệm quý giá để tiếp tục theo đuổi đam mê ca hát. Đồng thời BTC cũng mong muốn phát hiện được những nhân tố mới tài năng để phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ…”, NSƯT Chí Linh chia sẻ.

Giám khảo NSND Trọng Phúc cũng đánh giá: “Nhiều thí sinh có tố chất, ca tốt. Nếu BTC tăng cường thêm nghệ sĩ chuyên nghiệp để góp ý, tư vấn cho thí sinh, tôi tin các bạn sẽ còn tiến bộ hơn rất nhiều… Qua đây cho thấy, nhiều bạn trẻ có năng khiếu bẩm sinh, đó là tiềm lực, tương lai cho Đờn ca tài tử, sân khấu Cải lương truyền thống. Mong rằng cơ quan chức năng, đơn vị nghệ thuật sẽ có thêm chính sách, nhiều sân chơi để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các bạn phát triển”.

“Tài tử miệt vườn” phiên bản song ca năm 2024 hiện lên sóng lúc 19h10 Chủ nhật hằng tuần trên kênh THĐT1. Dự kiến, đêm Đăng quang diễn ra ngày 29.12. BTC sẽ trao 1 giải Quán quân; 1 Á quân; 2 giải ba và một số giải phụ với tổng trị giá gần 200 triệu đồng, trong đó giải Quán quân được 100 triệu đồng.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc