Muốn làm phim về đề tài DTTS và miền núi:

Phải dấn thân vào cuộc sống của đồng bào

ĐÌNH TOÁN

VHO - Bộ phim truyền hình "Đi giữa trời rực rỡ" đang xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều khi bị cho là có những chi tiết khiến người xem có cái nhìn sai lệch văn hóa và tôn giáo người Dao.

Bộ phim Đi giữa trời rực rỡ đang phát sóng trên VTV3, khắc họa cuộc sống của Pu (Thu Hà Ceri), cô gái 18 tuổi người Dao đỏ đang trên con đường trưởng thành.

Phải dấn thân vào cuộc sống của đồng bào - ảnh 1
Trang phục nữ chính trong phim bị cho là sai lệch với thực tế. Ảnh chụp màn hình

Trong phim, người được ghép đôi với Pu là Chải (Long Vũ), thanh niên giàu nhất bản. Chải yêu Pu say đắm và tìm mọi cách để cưới cô. Điều này cũng gây không ít cản trở đối với Pu trên con đường học vấn.

Bên cạnh những lời khen về cảnh quay hùng vĩ và nên thơ của vùng đất Cao Bằng, kết hợp với những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Dao, mạch phim gần gũi với giới trẻ, nhiều khán giả nhận thấy trang phục và cách sử dụng trang phục, tập quán của người Dao đỏ ở một số chi tiết trong phim có những điểm chưa phù hợp với thực tế.

Theo đó, trang phục người Dao sẽ có thường phục và lễ phục. Thế nhưng trong phim, nhà làm phim chưa phân biệt được sự khác biệt của hai loại trang phục này nên đã để nữ chính Pu mặc lễ phục đi chăn trâu.

“Cách buộc khăn đầu kia sai cách. Các chị, các cô đeo không bị luộm thuộm như trên phim”, “Mấy bộ này chúng em chỉ diện vào dịp đặc biệt quan trọng, lễ tết, đám cưới thôi. Kỳ công làm cả năm mới được một bộ, mang đi chăn trâu cắt cỏ thì bao nhiêu cho đủ”... là những bình luận của một bộ phận người dân tộc Dao bình luận về phim.

Chưa kể, với trang phục của nam chính do Long Vũ đóng thì nhân vật Chải được cho là mặc yếm đỏ và hai mảnh vắt sau lưng; là kiểu thuộc bộ lễ của phụ nữ người Dao. Hình ảnh này cũng bị cho là không phù hợp.

Chia sẻ với Văn Hóa về vấn đề này, TS. Bàn Tuấn Năng, Ủy viên Ban thường vụ Hội Trí thức khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam, Trưởng ban đại diện nhóm Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc thể hiện sự bức xúc khi không chỉ ê-kíp của Đi giữa trời rực rỡ mà nhiều đơn vị sản xuất không tìm hiểu kỹ về tập tục, trang phục của người dân tộc trước khi sản xuất phim, tổ chức sự kiện…

Phải dấn thân vào cuộc sống của đồng bào - ảnh 2
Trang phục của nhân vật Chải (Long Vũ) cùng cách ứng xử của nhân vật cũng nhận về nhiều ý kiến chỉ trích. Ảnh chụp màn hình

Ông cũng khẳng định việc đưa những hình ảnh thiếu chính xác như vậy đã gây ra những tổn thương nhất định trong cộng đồng người Dao.

“Khán giả, nhất là đồng bào sinh sống tại những vùng DTTS và miền núi rất mong muốn có thêm những bộ phim lấy ý tưởng từ văn hóa dân tộc. Nắm bắt được tâm lý này, thời gian qua, nhiều nhà làm phim đã chú trọng khai thác mảng đề tài này. Thế nhưng, họ đã quên mất rằng làm phim về người đồng bào là rất khó. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phim rất dễ gây ra những phản ứng trái chiều; tạo nên sự phẫn nộ”, TS. Bàn Tuấn Năng nhấn mạnh

Về trang phục trong bộ phim, TS. Bàn Tuấn Năng cho hay: “Người Dao cũng như nhiều dân tộc khác có sự phân biệt rõ ràng giữa thường phục và lễ phục… Họ càng không sử dụng tùy tiện lễ phục trong lao động và trang phục trong các lễ hội.”, TS Bàn Tuấn Năng cho hay.

Một vấn đề khác cũng được TS. Bàn Tuấn năng nêu ra là văn hóa ứng xử của các nhân vật trong phim đang đi ngược lại với những chuẩn mực chung của người Dao, cũng như toàn xã hội.

Theo đó, TS. Bàn Tuấn Năng nhấn mạnh, người Dao rất chú trọng đến văn hóa ứng xử; có sự kính trên, nhường dưới. Người Dao cũng không xưng “mày – tao” với cán bộ giống trên phim. Họ xưng hô bình thường “cô, chú, anh chị”, thái độ lễ phép chứ không có chuyện nói năng có phần hỗn hào như các nhân vật trong phim.

TS. Bàn Tuấn Năng khẳng định, không thể để những hình ảnh như vậy xuất hiện trong bộ phim bởi sẽ khiến người xem hiểu sai về văn hóa, nếp sống của người Dao.

Lấy ví dụ về sự thành công của bộ phim Chuyện của Pao, TS. Bàn Tuấn Năng mong rằng các nhà làm phim về đồng bào DTTS sẽ có cách tiếp cận kịch bản, nội dung cẩn trọng hơn; có sự học hỏi kinh nghiệm. Có khi, phải ăn ngủ hàng tháng trời với bà con mới hiểu được phần nào văn hóa, tập tục sinh hoạt của họ.

“Muốn làm phim hay về đồng bào DTTS phải tìm hiểu kỹ về văn hóa của họ, có sự hòa mình vào đời sống của bà con. Cùng với đó, phải tham khảo kỹ ý kiến chuyên gia, những người am hiểu về văn hóa của đồng bào các dân tộc. Không thể chỉ khoác mỗi áo của người đồng bào lên rồi nghĩ mình đã hiểu về văn hóa dân tộc họ.”, TS. Bàn Tuấn Năng chia sẻ.

Nhiều khán giả cũng cho rằng, dù phim nỗ lực đổi mới để phù hợp với đại đa số khán giả nhưng nghệ thuật bao giờ cũng phải đi đôi với tính khoa học, chính xác.

Mỗi bộ phim làm về văn hóa dân tộc đều mang trong mình sứ mệnh quảng bá văn hóa nên không có chuyện chỉ tìm hiểu theo kiểu “chơi chơi”, rồi thấy hay, thấy đẹp mà cứ thế đưa lên phim mà bỏ qua khâu kiểm tra, xác thực thông tin.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc