Niềm vui theo con đường đã chọn

HỒ THẾ HÀ

VHO - Tôi có trên tay tập Bút ký Theo đường xuất bản, theo đường văn của Nguyễn Duy Tờ do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành nhân dịp Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10.10.1952 - 10.10.2022) và nhân dịp Nhà xuất bản Thuận Hóa bước sang tuổi 42 (18.12.1981 - 18.12.2022). Nhưng đặc biệt hơn cả là nhân dịp tác giả Nguyễn Duy Tờ 35 năm làm công tác xuất bản (12.1987), vui buồn theo con đường đã chọn cho đến ngày nay.

Niềm vui theo con đường đã chọn - ảnh 1

Để viết tập sách này, như trong Lời nói đầu, tác giả tự nhận: “Đây là những bút ký trân trọng ghi lại hình ảnh, kỷ niệm, tài năng, tấm lòng của nhiều tác giả, dịch giả, nhà quản lý dành cho Nhà xuất bản Thuận Hóa trên hành trình ra mắt các ấn phẩm phục vụ phát triển văn hóa của quê hương, đất nước mà tôi vinh dự được biết. Tôi tự nghĩ đây là một trách nhiệm, cần chép lại, kẻo nay mai có thể sẽ rơi vào quên lãng. Và đây cũng là câu chuyện căn cốt về mối quan hệ giữa nhà xuất bản với cộng tác viên, giữa người làm xuất bản với tác giả trong quá trình tạo ra các giá trị văn hoá, nghệ thuật, khoa học, giáo dục… cho cuộc đời hôm nay và mai sau”. Đây là tâm huyết, sự chuyên nghiệp của một người yêu nghề, say nghề, có trách nhiệm với chính mình và với xã hội.

Vì vậy, những ghi chép, hồi ức và tâm sự của tác giả đối với từng nhân vật trong tập Bút ký này không đơn thuần là những kỷ niệm riêng tư mà với một ý nghĩa thực tiễn, nó còn là những bài học kinh nghiệm, những tấm lòng, những tri ân của tác giả thay mặt cho Nhà xuất bản Thuận Hóa để thông điệp đến mọi người về những vui buồn ân nghĩa quanh đời của một người chọn lựa “theo đường xuất bản, theo đường văn” một cách đam mê và thao thức hơn mấy mươi năm như anh tâm sự: “Đây là một đề tài, một nội dung công việc xuất bản luôn cần thiết, hấp dẫn, thú vị mà tôi hết sức quan tâm, yêu thích. Tôi vẫn hay nói vui với anh em làm xuất bản, nhất là với các bạn trẻ mới vào nghề, rằng: một nhà xuất bản thiếu tác giả - cộng tác viên, thiếu nguồn bản thảo chẳng khác nào thùng gạo trong mỗi gia đình đã vơi cạn.

Cần phải thường xuyên vun xới, xây đắp mối quan hệ có thể nói là sống còn này đối với bất kỳ nhà xuất bản nào. Đó là mối quan hệ văn hoá, cùng chăm lo vun trồng, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá.

Dù có lúc phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách của cuộc sống nhưng mối quan hệ ấy sẽ luôn sống mãi, dồi dào cảm xúc. Đó là con đường với cái đẹp, vì cái đẹp!”. Vì vậy, đây là tập Bút ký tâm huyết và là duyên nợ nghề nghiệp mà anh đã vui buồn, ân nghĩa suốt cả đường văn và đường xuất bản của mình gần ba mươi năm qua.

Toàn tập sách, có 84 nhân vật/ cá nhân và 4 đơn vị/ tập thể được đề cập từ nhiều quan hệ, nhiều sự kiện với nội dung, tình cảm chung - riêng khác nhau, nhưng tất cả đều có liên quan đến công tác tổ chức bản thảo, in ấn và phát hành, đặc biệt là liên quan đến những bộ sách lớn, có qui mô mà Nhà xuất bản Thuận Hóa đảm trách và anh Nguyễn Duy Tờ là người có may mắn làm chiếc cầu giao tiếp, thực hiện. Vì vậy, những câu chuyện được ghi chép/ được kể lại rất chân thật và sinh động với diễn ngôn vừa mang tính thông tin cụ thể vừa mang tính thẩm mỹ uyển chuyển, hấp dẫn cuẩ thể loại ký.

Thời hiện đại, như mọi người đều biết, mối quan hệ giữa sáng tạo và tiếp nhận ngày càng phát triển và gắn kết nhờ vai trò quan trọng của Báo chí, Văn chương và Xuất bản. Những lĩnh vực này trở thành nhân tố tác động trực tiếp đến việc phổ biến tri thức và thực hiện chức năng giao tiếp xã hội một cách hiển minh và hiệu quả. Chúng tạo thành mối quan hệ tương tác và nhân quả trong việc vẫy gọi liên chủ thể tiếp nhận đồng sáng tạo từ những công trình, tác phẩm do Báo chí, Văn học và Xuất bản mang lại.

Nguyễn Duy Tờ đã lặng lẽ làm công việc của một người tiền trạm về tâm hồn và nghệ thuật để hình thành tập Bút ký Theo đường xuất bản, theo đường văn với nội dung phong phú: quan hệ đa dạng, sự kiện đa tính chất, cảm xúc đa chiều, ngôn ngữ đa giọng điệu… đã mang lại cho người đọc cùng vui buồn, xúc động theo từng trang văn của tác giả. Qua đó, chúng ta mới biết thêm về sự khó khăn, nỗi nhọc nhằn của công tác xuất bản, không chỉ ngồi trong bốn bức tường khép kín mà phải bôn ba trong nắng gió và phức tạp của cơ chế thị trường để có những bản thảo và tác phẩm hay, có giá trị lớn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức và nhận thức ngày càng cao của công chúng độc giả.
Qua những ký sự của Nguyễn Duy Tờ đã giúp chúng ta hiểu được vì sao Nhà xuất bản Thuận Hóa đã làm tròn trọng trách của mình trước những sóng gió và nghiệt ngã của đời sống để tồn tại và phát triển đến ngày nay mà không bị vấp váp, không bị tai nạn nghề nghiệp một cách đáng tiếc. Trái lại, ngày càng có thêm nhưng công trình, những bộ sách hay mới phát hiện hoặc truy tìm từ trong di sản.

Từ tháng 5 năm 1996, Nguyễn Duy Tờ nhận nhiệm vụ Phụ trách Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tại Huế, sau chuyển sáng Nhà xuất bản Thuận Hóa và làm Giám đốc cho đến nay, biết bao công việc bộn bề, chồng chất; biết bao khó khăn vướng mắc, biết bao nhọc nhằn trước những vấn đề phức tạp của công việc xuất bản: từ nội dung bản thảo, nhân thân tác giả đến kinh tế, nhân sự, phát hành…, nhưng anh đã từng bước giải quyết những khó khăn trên một cách nhân tình, khoa học, trách nhiệm và bản lĩnh để những bộ sách, những công trình lớn được ra mắt và xác lập vị thế của Nhà xuất bản Thuận Hóa trong hệ thống các nhà xuất bản lớn của cả nước.

Tất cả hiện thực nói trên đã được Nguyễn Duy Tờ ghi chép cụ thể trong tập Ký sự này bằng tấm lòng của người trong cuộc, chân tình và nhân ái, gắn với từng bối cảnh và sự việc/ sự kiện cụ thể thông qua văn phong khoa học kết hợp với chất văn nghệ thuật nên dễ tạo ra sự đồng cảm trong tiếp nhận của các tầng lớp bạn đọc.
Dù là những trang ký giản lược đến tối đa, nhưng Nguyễn Duy Tờ biết giữ lại cốt lõi trung tâm và bối cảnh của câu chuyện. Những nét riêng/ chi tiết về đời tư từng nhân vật được anh lồng vào sự kiện có liên quan đến xã hội, đến nhà xuất bản, đến lịch sử, văn hóa. Chúng ánh xạ vào nhau để làm nổi rõ cá tính, nhân cách, tình cảm của từng đối tượng.

Qua đó, anh không quên gắn vào câu chuyện một vài cạnh khía nhân văn, tình đời, tình người; đôi khi pha chút hài hước, humourique duyên dáng và thâm thúy. Ví như câu chuyện về nhạc sĩ Trần Hoàng, đại tướng Võ Nguyên Giáp, giáo sư Vũ Khiêu, giáo sư Hà Minh Đức, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, giáo sư Phong Lê, giáo sư Chương Thâu, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà văn Trần Thùy Mai, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà văn Hà Khánh Linh, các dịch giả Phạm Mạnh Hùng, Trung Đức, Đoàn Tử Huyến, Anh Ngọc, nhà văn Dương Thành Vũ, bạn văn Nguyễn Xuân Hoàng…; đặc biệt là các bút ký ghi chép về Viện Sử học Việt Nam, về Những năm tháng ở Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tại Huế… Bạn đọc trực tiếp đọc tác phẩm sẽ thấy cái tâm và cái tình cũng như sự thao thức, trách nhiệm của tác giả đối với từng con người, từng sự việc.

Là người làm xuất bản, nhưng trước hết, Nguyễn Duy Tờ là người văn, Anh là tiến sĩ văn chương và là nhà thơ với nhiều chuyên luận văn học, nhiều tác phẩm thơ và trường ca ra mắt bạn đọc cả nước nên anh có ưu thế trong việc diễn ngôn và lập ý cho từng bài ký. Chọn tiêu đề cho tập sách Theo đường xuất bản, theo đường văn chính là xuất phát từ thực tế và ưu thế này của tác giả.

Cá tính nghệ thuật trong tập Bút ký của Nguyễn Duy Tờ có thể đúc kết như sau: Tác giả lẩy ra sự kiện, thời điểm và chi tiết nổi bật đáng đề cập. Sau đó, đúc kết thành nội dung, thông qua những đối thoại và độc thoại có ý nghĩa nhân sinh, đời tư - thế sự của từng vấn đề, từng nhân vật. Từ đó, rút ra những nhận định, đánh giá nhẹ nhàng nhưng có tính đạo đức, nhân văn. Có khi là tư tưởng, thái độ, tình cảm của từng người để độc giả cùng mình suy nghĩ, đúc rút bài học kinh nghiệm sống và kinh nghiệm giao tiếp công việc. Đây là cách viết ký chân dung vắn tắt mà toát lên hồn cốt đừng đối tượng. Còn lại để độc giả tiếp tục suy nghĩ theo mạch cảm xúc của họ. Tôi gọi đó là kiểu kết thúc mở, dành khoảng trống cho người đọc đồng tiếp tục suy nghĩ và nhận định.                                               

Khép lại tác phẩm Theo đường xuất bản, theo đường văn của Nguyễn Duy Tờ, chúng tôi không bình luận gì thêm. Chỉ tiếc là có một số tác giả có quan hệ với Nhà xuất bản Thuận Hóa, nhưng nhiều lý do đã không mặt không có mặt trong tác phẩm này. Và tiếc là anh không đi sâu ghi chép, bình luận vấn đề đến tận cùng để câu chuyện được đa thông tin và kết thúc trọn vẹn. Nhưng rồi, tôi nghĩ, “văn bất tận ngôn”. Người đọc có trách nhiệm bổ sung và làm đầy nghĩa.
Hơn nữa, như tác giả tâm sự: “Tôi không viết chân dung tác giả, tác phẩm. Tôi chỉ ghi lại và trao gởi đôi điều cảm nhận về kỷ niệm của bản thân với những tác giả, cộng tác viên lâu năm của Nhà xuất bản. Riêng những bạn văn trẻ đương thời, cho tôi được hẹn dịp tới”. Với tinh thần và tiêu chí như thế, Theo đường xuất bản, theo đường văn thực sự là món quà tinh thần mà Nguyễn Duy Tờ gửi đến độc giả nhân những ngày kỷ niệm đáng nhớ của Ngành xuất bản và của Nhà xuất bản Thuận Hóa.