Nhiều điểm mới tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 42
VHO - Ngày 13.3 tại Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức họp báo thông tin về Liên hoan Truyền hình toàn quốc (LHTHTQ) lần thứ 42.
Diễn ra từ ngày 19 – 22.3 tại TP Quy Nhơn (Bình Định), LHTHTQ lần thứ 42 sẽ là nơi gặp gỡ, trao đổi nghiệp vụ và cập nhật các xu hướng hiện đại của những người làm truyền hình trên cả nước.
Phát biểu tại họp báo chiều 13.3, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Đỗ Thanh Hải cho biết, ngoài sự tham gia dự thi của 734 tác phẩm thuộc 11 thể loại, ngày hội của người làm truyền hình cả nước còn có nhiều hoạt động điểm nhấn, tôn vinh nghề nghiệp, sự đóng góp công sức, trí tuệ của các cá nhân, tập thể để có nhiều chương trình truyền hình hay.

Đặc biệt, LHTHTQ lần thứ 42 còn mang ý nghĩa sâu sắc khi được tổ chức vào năm có nhiều dấu ấn quan trọng như kỷ niệm 55 năm Ngày phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam; 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam; 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 80 năm thành lập nước…
Bám sát sự thay đổi của các đơn vị sản xuất trong cả nước, LHTHTQ lần thứ 42 có một số thay đổi ở thể loại và số lượng tác phẩm dự thi. Thể loại Chương trình Chuyên đề – Khoa giáo chuyển thành Chương trình Khoa giáo.
Thể loại video trên nền tảng số được điều chỉnh gồm 3 hạng mục: Video trên nền tảng số có nội dung tin tức chính luận, Video trên nền tảng số có nội dung văn hoá – giáo dục và Video trên nền tảng số có nội dung Giải trí.
Thể loại Phim truyện truyền hình được sắp xếp gọn hơn gồm 2 hạng mục Phim ngắn tập và Phim dài tập, đồng thời mở rộng hơn về số tập cũng như thời lượng.
Với Phim ngắn tập, mỗi phim dự thi dưới 10 tập, không quy định về thời lượng từng tập. Trong khi đó, Phim dài tập không quy định số lượng tập trong mỗi phim cũng như thời lượng từng tập.
Chương trình thiếu nhi tăng thời lượng mỗi chương trình không quá 45 phút (kỳ Liên hoan trước là 30 phút).
Phim tài liệu 1 tập được mở rộng hơn cho cả phim không quá 30 phút và không quá 60 phút tham gia tranh giải.
Với 734 tác phẩm dự thi của 100 đơn vị, LHTHTQ tiếp tục khẳng định sức hút riêng. Điểm nhấn của Liên hoan là hoạt động chấm thi và trao giải cho 11 thể loại gồm: Chương trình dành cho thiếu nhi (26 tác phẩm), Phim tài liệu (97 tác phẩm), Phóng sự (140 tác phẩm), Phóng sự ngắn (148 tác phẩm), Chương trình Khoa giáo (46 tác phẩm), Chương trình Đối thoại – Tọa đàm (46 tác phẩm), Chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số (52 tác phẩm), Chương trình ca múa nhạc (57 tác phẩm), Sân khấu (20 tác phẩm), Phim truyện truyền hình (34 tác phẩm) và Video trên nền tảng số (66 tác phẩm).
Chỉ có 5% tác phẩm trong số đó được trao Giải Vàng, hứa hẹn sự cạnh tranh đầy quyết liệt ở từng thể loại. Các đơn vị dự thi đều có sự đầu tư kỹ lưỡng, phát huy tối đa khả năng, sức sáng tạo để có được những tác phẩm tốt nhất gửi tới Liên hoan.
Chiếm số lượng tác phẩm nhiều nhất tại Liên hoan năm nay là thể loại phóng sự ngắn, bám sát dòng thời sự, mang tới những lát cắt của đời sống với chủ đề đa dạng, đề tài thiết thực với Những ngày tinh gọn (Hãng phim Truyền hình TP.HCM), Thiên tại phi nhân tại (Đài PT-TH Điện Biên), Tử thần khỏi trắng (Đài PT-TH Kiên Giang)...
Cùng với đó là nhiều tác phẩm về tấm gương người tốt việc tốt như Người hùng (Đài Truyền hình Hà Nam), Người thổi hồn vào các Thái nhựa (Đài PT-TH Thái Bình), Người phụng sự (Đài PT-TH Hưng Yên)...

140 tác phẩm phóng sự dự Liên hoan phản ánh được những góc nhìn đa chiều, sinh động. Trong đó, phải kể đến phóng sự 2 chương trình, 1 thất bại (Đài PT-TH Bình Định), Hành trình hồi sinh Làng Ni (Đài PT-TH Lào Cai), Hành trình tìm việc nơi đất khách: Đi 3 “không” về 5 không” (Đài PT-TH Tây Ninh)…
Với 34 tác phẩm dự thi đến từ 14 đơn vị sản xuất, thể loại Phim truyện truyền hình năm nay tăng số lượng gần gấp đôi so với kỳ Liên hoan trước.
Trong đó, có nhiều phim tạo dấu ấn với người xem khi phát sóng gồm Hoa sữa về trong gió, Chúng ta của 8 năm sau, Gia đình mình vui bất thình lình, Không thời gian, Gặp em ngày nắng (Trung tâm Phim Truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam); Tết ở làng địa ngục, Nhà mình lạ lắm (Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam)...
Bên cạnh các đơn vị sản xuất phim giàu kinh nghiệm, Liên hoan năm nay có sự tham gia một số đài địa phương như Hương đồng lác (Đài PT-TH Đồng Tháp), Bình minh đang lên (Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh).
Ông Đỗ Thanh Hải tiếp tục khẳng định, số lượng, chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay đang cho thấy các chương trình truyền hình đang không chỉ đổi mới chất lượng nội dung mà việc ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ mới trong hoạt động làm báo đã trở thành yếu tố quan trọng, phù hợp với nhu cầu của thời đại, đặc biệt là sản xuất và phân phối nội dung số trên đa nền tảng.
Trong kỳ Liên hoan năm nay, BTC cũng đặt kỳ vọng sẽ có nhiều tác phẩm bám sát những vấn đề của thời đại. Những vấn đề mang hơi thở của đời sống, các vấn đề thời sự hòa trong không khí của cả đất nước chắc chắn sẽ được thể hiện ở nhiều tác phẩm báo chí tham dự Liên hoan năm nay. Điều đó cũng đặt ra thách thức lớn cho BGK để lựa chọn, đánh giá công tâm, trao tặng giải thưởng cho các tác phẩm, tác giả.
Hòa chung ngày hội của những người làm truyền hình cả nước, cùng với các giám khảo hoạt động trong ngành truyền hình, Liên hoan năm nay có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ được khán giả yêu mến như NSND Tấn Minh, NSND Mỹ Uyên, NSND Nguyễn Hoài Huệ, NSƯT Bùi Như Lai, nhạc sĩ Giáng Son, diễn viên Ngọc Lan...
Ngoài những sự kiện chính, Liên hoan còn có những hoạt động như triển lãm Kỹ thuật công nghệ truyền hình, trưng bày ảnh chủ đề Những người làm truyền hình, tham quan danh thắng của Bình Định…
Đáng chú ý là 2 hội thảo chuyên đề với nội dung bám sát nhu cầu thực tiễn phát triển của ngành truyền hình và hướng tới ứng dụng AI trong các hoạt động.
Cùng với đó, những người làm nghề có cơ hội trao đổi về hệ thống đo dữ liệu khán giả VTV Ratings trong việc đánh giá chất lượng chuyên môn cũng như xu hướng xem nội dung của khán giả đối với các chương trình truyền hình.
Hội thảo Kỹ năng của nhà báo truyền hình trong môi trường số có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực báo chí số. Hội thảo gồm 2 nội dung chính: Những kỹ năng giúp nhà báo truyền hình thành công trong môi trường số và cách thức tối ưu hiệu quả công việc với "Đồng nghiệp AI".
Hội thảo Khai thác dữ liệu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ chuyển đổi số cho các đài truyền hình hướng đến các giải pháp khai thác dữ liệu, ứng dụng AI và các công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, phân phối và quản lý bản quyền nội dung truyền hình... trên đa nền tảng.
Lễ khai mạc Liên hoan diễn ra lúc 18h00 ngày 19.3, trực tiếp trên nền tảng số của VTV và kênh BTV của Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định. Lễ Bế mạc và Trao giải được truyền hình trực tiếp lúc 20h10 ngày 22.3 trên kênh VTV1.