Nghĩ​ về nhà thơ Lê Quốc Hán

LÊ VĂN

VHO - Kể về ông, nhà toán học, nhà thơ Lê Quốc Hán. Ông học phổ thông tại Trường cấp 3 Kỳ Anh. Tạp chí Toán học là “cuốn kinh” về Toán của ông. Ông tự học để giải quyết những bài toán hóc búa, cỡ thi học sinh giỏi miền Bắc, thi Toán quốc tế... với lời giải gọn và hay và đẹp hơn cả đáp án.

Nghĩ​ về nhà thơ Lê Quốc Hán - ảnh 1
Nhà thơ Lê Quốc Hán

Kỳ thi học sinh giỏi miền Bắc được tổ chức lần đầu tiên, năm 1965, ông đã có giải.

Năm 1966, trong kỳ thi vào lớp chuyên Toán Hà Tĩnh, ông đạt điểm cao nhất. Cũng năm đó, ông tham dự kỳ thi vào Chuyên Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội, chọn lớp Toán đặc biệt, lớp A0. Ông đạt 21/20 điểm (vượt hạn mức 20 điểm là 1 điểm thưởng nữa cho lời giải đặc biệt).

Năm 1966, đây là giai đoạn thật sự khó khăn và ngặt nghèo với việc học tập ở môi trường chuyên. Dẫu vậy, không hề nản chí, dù học ở đâu, ông vẫn viết tiếp chuỗi thành tích đạt giải Nhất cuộc thi do báo Toán học tổ chức 1966 - 1967 và 3 lần giải Nhất kỳ thi Văn giỏi tỉnh lớp 8, lớp 9 và lớp 10.

Xong chương trình cấp 3 Kỳ Anh, ông không được làm hồ sơ vào bất kỳ trường đại học nào. Khám tuyển nghĩa vụ quân sự cũng không trúng, vì nhẹ cân, chỉ 36 kg. Ở địa phương, ông tham gia sản xuất nông nghiệp, dạy vỡ lòng và làm kế toán hợp tác xã, rồi lại 6 năm dạy cấp 2. 

Ước ao về giảng đường đại học đối với ông coi như đã tắt. Ông lang thang bên bờ sông Trí với nỗi đau tuyệt vọng, “tồn tại hay không tồn tại” nhưng ông luôn nhớ điều răn: "Những gì không đánh bại được bạn sẽ làm bạn mạnh mẽ lên". Ông lao vào làm toán, làm thơ nhằm vợi bớt nỗi buồn. Lập ngôn đối với ông là một lẽ tự nhiên để tồn tại. Hãy nghe những lời ấy khi ông 17 tuổi:

Cung đàn xưa nhặt thưa

mấy nghìn năm cô lẻ

Chuông oằn cong mái chùa

rêu phong đời dâu bể

Chút phù du trần thế

ân nghĩa chửa đền bù

Muốn tìm về gốc rễ

kiếp xưa nào vụng tu

Mùa thu ơi mùa thu

xác phàm vương tội lỗi

Mùa thu ơi mùa thu

linh hồn đang sám hối

Câu thơ nào viết vội

run dưới chiều heo may

Câu thơ nào cứu rỗi

nương dáng thu hao gầy

Sám hối thu

Khi biết tin Lê Quốc Hán là người luôn có lời giải xuất sắc trên Tạp chí Toán học vẫn đang “cày ruộng” ở quê, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Bộ Đại học đã có những phản ứng nhân văn. Ông được gọi vào trường đại học, nhưng phải qua kỳ thi vấn đáp do các thầy giáo đáng kính ở Trường Đại học Sư phạm Vinh, những ông đồ Nghệ kỹ tính sát hạch đầu vào. 

Nghĩ​ về nhà thơ Lê Quốc Hán - ảnh 2

Khóa ấy, ông nhập học muộn so với đồng môn, nhưng kỳ thi cuối kỳ I, ông vẫn đứng đầu lớp. Rồi 4 năm sau, ông tốt nghiệp, là thủ khoa khóa học với điểm tuyệt đối 3 môn Toán. 

Rồi những tưởng, con đường có tên là Toán học thênh thang với ông, nhưng lại có những nan đề ngoại lai khác.... Bao thăng trầm, ông bình lặng dạy Toán, làm thơ. Học trò ông rất nhiều, trong Nam ngoài Bắc, trò xứ Nghệ, trò xứ Huế...  Sau này họ nhớ lại, họ có một người thày mẫu mực, nghiêm khắc và bao dung. Sau này như ông nói vui và cũng là sự thật, ông là người dạy đủ mọi cấp, từ vỡ lòng, tiểu học... đến đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

Ông, thầy giáo toán và nhà thơ, nặng tình nặng nghĩa với quê hương bầu bạn; lặng thinh trước lá vàng rơi, thẫn thờ với tiếng hót chú chim nhỏ, đắm chìm với dòng sông nhẹ trôi:

Vừa chớp mắt đã mơ

gặp mình nghìn năm trước

những lỗi lầm ngày xưa

trái tim còn vết xước

....

Sẩy châm sa xuống vực

gặp mình nghìn năm sau

giữa đôi bờ hư thực

chênh vênh một nhịp cầu

Giấc mơ

Mỗi bài thơ của ông đa tầng, đa nghĩa, đa thời gian, có khi là vô hình vô tướng, làm cho thơ ông trở thành đồng hình đồng dạng nên thể hiện được căn tính của người đọc. 

Trẻ, ngỡ mình nặng nhất

già, biết mình nhẹ tênh

Thời gian như rìu sắc

đẽo bạc mái đầu xanh

Ngẫm.

Ngôn từ bình dị qua ông thành các toán tử định hướng cho cái đẹp, cái cứu rỗi. Vậy nên, từng chữ, từng câu có sức nặng, có trọng lực và tạo nên hệ động lực Lê Quốc Hán, bẻ cong không - thời gian; giúp người đọc đồng bộ thời gian thực và đưa lại cái nhìn toàn cảnh cuộc đời, cái nhìn thế giới - xã hội một cách tối ưu.

Nhắm mắt nhìn xuyên ba cõi

mở ra bụi thế mù lòa

hay:

Giọt sương rơi xuống

mầm non nhú lên

nụ hoa lạc hưởng

mơ giấc khải huyền

Giọt

Thơ ông không chỉ là nỗi niềm riêng của ông, mà là mẫu số chung cho mọi cá nhân, mọi thế hệ. Gấp lại trang sách, bỗng thẫn thờ thấy bóng mình bên những dòng thi ca của ông. Qua thơ ông, nhiều người bắt gặp hoàn cảnh, hình ảnh quá khứ mình trong đó:

... Ban ngày xoay xở sống, sấp ngửa một bàn tay

đêm về nhìn lại bóng, giật mình ngỡ bóng ai

...Cuộc đời sớm rủi chiều may

Bây giờ cát sỏi, mai ngày kim cương

hoặc

Ngày xưa hái hoa hồng

gai đâm

máu tứa

Đêm nay

hái hoa hồng

tay nguyên vẹn

cành hồng ứ nhựa

Úp mặt xuống

chùm gai tua tủa

Khóc

tim mình

không còn chút nhói đau

Trước hoa hồng

Cái buồn nhè nhẹ ngấm vào gan ruột, thấy phận đời của mình có chút chút nào trong ấy. Hoàn cảnh, hình ảnh quá khứ, dư âm của người đọc, coi như đã bắt gặp đâu đó trên quãng đường đời; qua thơ ông, đã hiển thị, có thể thực nghiệm, kiểm chứng với cái hình hài cũ xưa của mình.

Đọc thơ ông để nhẩn nhơ tận hưởng kỷ niệm, nghe như tiếng nói lại của ân tứ; có man mác buồn tiếc nhớ và “mằn mặn” vui. Thơ ông dễ đọc, dễ ngấm và cực kỳ dễ say nhưng không dễ hiểu. 

Cho nên không lạ là thơ ông, tùy tâm trạng người cảm thụ, mà quá khứ vị lai hiện tại có thể xuất hiện tại cùng một thời điểm, và từ đó để mỗi người đọc tự định nghĩa khái niệm nhân sinh cho chính mình, tự chứng minh định lý hoặc đầu đề bài toán cho thế hệ kế tục; suy luận tiếp, kiến giải tiếp cho tập hợp các trường hợp khác:

Cỏ xanh đang đợi trước mồ

thương tôi tôi vẫn mơ hồ kiếp tôi

(Cõi người)

Thơ ông là minh triết của phương Đông cộng hưởng với văn hóa phương Tây. Vậy nên, tư tưởng vượt qua thời điểm hiện tại, định hướng cho tương lai. Theo mỗi con chữ, thơ ông ngẫm suy về nhân tình thế thái, để rồi ta bắt gặp ánh trăng và khi nhìn thấy mặt trăng thi ca Lê Quốc Hán sẽ thấy định lý, định luật, phương thức... có thể áp dụng để giải thích và kết luận cho những nan đề cuộc sống. 

Tôi là bông hoa dại

ẩn mình giữa rừng sâu

chờ một người đến hái

cách một nghìn năm sau

(Tự bạch)

 

Cát vàng sóng cuốn về khơi

Chỉ mong sót lại thơ tôi một dòng

(Dã Tràng)

Đọc thơ Lê Quốc Hán hay không cưỡng nổi, thấy phải viết lên để thể hiện sự trân quý, tỏ lòng mến yêu và biết ơn tác giả - nhà văn hóa Lê Quốc Hán. Cái hay cái đẹp của thi ca đã ngấm vào một cách vô thức... 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc