Sự sụp đổ của những hình mẫu ảo:
Lời cảnh tỉnh từ mạng xã hội đến đời sống thật
VHO - Từng được ngưỡng mộ như những hình mẫu sống đẹp và truyền cảm hứng cho giới trẻ, nhiều “nàng thơ mạng xã hội” gần đây lại khiến công chúng thất vọng bởi khoảng cách giữa hình ảnh được xây dựng và ứng xử ngoài đời thực.

Những ồn ào ấy không chỉ làm lung lay hình tượng cá nhân, mà còn đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của người trẻ khi trở thành hình mẫu giữa cộng đồng, cũng như vai trò của gia đình và xã hội trong việc định hình giá trị sống chân thực giữa thời đại số.
Khi các “nàng thơ” bị réo tên
Chỉ trong nửa đầu năm 2025, hàng loạt gương mặt từng được yêu mến bởi hình ảnh “lung linh” trên mạng xã hội như Lê Hà Trúc, Thạch Trang, Meichan, Bạch Lưu Dương... liên tiếp vướng vào các ồn ào, khiến công chúng không khỏi hoài nghi về độ chân thực của những hình mẫu từng được xem là lý tưởng.
Điểm chung của các cô nàng là đều xây dựng thành công biểu tượng nữ tính, tinh tế, truyền cảm hứng sống đẹp và tích cực cho giới trẻ. Tuy nhiên, chính sự kỳ vọng quá lớn từ công chúng lại khiến họ dễ trở thành tâm điểm chỉ trích mỗi khi có sự “chênh vênh” giữa hình ảnh trên mạng và ngoài đời thực.
Blogger Lê Hà Trúc (sinh năm 1996), được biết đến với phong cách sống chuẩn mực, chỉn chu, gây tranh cãi khi bị tố ứng xử thiếu thiện chí với người theo dõi. Một bài đăng trên Threads bàn về thái độ của cô đã thu hút hàng triệu lượt tương tác. Nhiều người cho rằng cô đang cố “gồng”, “làm màu”, xóa bình luận, chặn người góp ý và thường xuyên cãi nhau tay đôi với khán giả. Cô cũng bị tố thiếu chuyên nghiệp khi làm việc với nhãn hàng. Trước áp lực dư luận, Hà Trúc đã phải lên tiếng xin lỗi công khai.
YouTuber Thạch Trang (sinh năm 1998), du học sinh tại Đức, cũng vướng ồn ào khi bị tố trả công bèo bọt cho tình nguyện viên hỗ trợ sự kiện Meet & Greet, dù có bán vé thu phí. Đồng thời, cô cũng bị chỉ trích sao chép tranh của một họa sĩ Nhật Bản mà không xin phép. Dù đã lên tiếng giải thích, hành động của cô vẫn không thể thuyết phục được cộng đồng mạng.
Hot girl du học Hàn Quốc Meichan (tên thật Hà Trang, sinh năm 2000) lại gây ồn ào khi bị tố chen chân vào mối quan hệ tình cảm của bạn thân. Dù phủ nhận và cho rằng đó là suy diễn vô căn cứ, hình ảnh trong sáng, nhẹ nhàng mà cô xây dựng trước đó cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Người hâm mộ bày tỏ sự thất vọng khi cảm thấy khoảng cách giữa hình tượng và đời thực của Meichan quá xa vời.
Tương tự, Bạch Lưu Dương (sinh năm 2001), du học sinh Pháp với hơn 140.000 lượt theo dõi, bị tố “phông bạt” học vấn và sao chép phong cách nội dung từ người khác. Cô lên tiếng phủ nhận, khẳng định dù không phải “học bá” nhưng cũng không “dốt nát”, đồng thời công khai trường học và từng xin lỗi về việc đạo nhái từ năm ngoái. Tuy nhiên, việc vụ bị “đào lại” khiến chính cô phải thừa nhận bản thân vẫn chưa đủ hoàn thiện trong hành trình sáng tạo.
Cần chân thực khi xây dựng hình tượng trên mạng
Việc hàng loạt “nàng thơ mạng xã hội” rơi vào vòng xoáy ồn ào, khiến không ít người trẻ cảm thấy thất vọng. Sự rạn nứt niềm tin không đơn thuần đến từ nội dung của các scandal, mà còn bắt nguồn từ cách họ phản ứng với khủng hoảng: Người chọn im lặng kéo dài, người vòng vo né tránh, kẻ lại cố gắng “bẻ lái” dư luận bằng những lý lẽ thiếu thuyết phục...
Qua đây, sự việc cũng phản ánh thực tế khắt khe của thời đại số, công chúng không còn ngưỡng mộ theo phản xạ cảm tính mà đã tỉnh táo và có tiêu chuẩn hơn. Họ đòi hỏi sự minh bạch, chân thành, nhất quán giữa hình ảnh trên mạng và con người thật ngoài đời.
Theo giảng viên Chu Phúc Huy - Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội): “Về bản chất, người nổi tiếng cũng chỉ là những cá nhân bình thường, với những mặt chưa hoàn hảo, nhất là khi đa số họ còn rất trẻ. Thế nhưng, chính họ đã lựa chọn khoác lên mình hình tượng xinh đẹp - giỏi giang - cư xử khéo léo để trở thành biểu tượng truyền cảm hứng. Đến khi xảy ra khủng hoảng, người hâm mộ cảm thấy bị phản bội bởi chính hình ảnh mà họ từng tin tưởng”...
Đặt trong kỳ vọng ngày càng khắt khe của công chúng, cách ứng xử với scandal trở thành thước đo phẩm chất. Khi người nổi tiếng mắc lỗi, điều người hâm mộ mong đợi không phải là những lời ngụy biện hay đổ lỗi, mà là một thái độ cầu thị, dám nhận sai, biết sửa sai và sẵn sàng lắng nghe góp ý. Đây chính là “chìa khóa” để xoa dịu dư luận, đồng thời là chiếc “phao” giúp người nổi tiếng giữ vững vị trí trong lòng cộng đồng “fan”.
Từ góc độ chiến lược nội dung, việc xây dựng hình tượng quá hoàn hảo đôi khi lại phản tác dụng. Giảng viên Chu Phúc Huy cho rằng, những người có sức ảnh hưởng cần biết “giảm kỳ vọng” của người xem bằng cách đưa vào nội dung truyền thông những khía cạnh đời thường, gần gũi, thực tế hơn. Người theo dõi ngày nay không còn mặn mà với những hình ảnh hào nhoáng và xa vời thực tiễn, họ muốn thấy con người thật của “idol” phía sau những phông bạt mỹ miều.
Mạng xã hội có thể là bệ phóng đưa nhiều cô gái trẻ trở thành hình mẫu được ngưỡng mộ nhờ vẻ ngoài dịu dàng, lối sống tích cực và gu thẩm mỹ thu hút. Thế nhưng, ánh hào quang ấy cũng đi kèm với áp lực kỳ vọng vô cùng lớn. Khi hình ảnh trên mạng không còn đồng điệu với cách hành xử ngoài đời, niềm tin công chúng dễ dàng bị sụp đổ.
Trong thời đại số, việc xây dựng hình ảnh cá nhân phải đến từ sự chỉn chu từ trong lối sống, thái độ đến những giá trị thật. Với người trẻ hôm nay, chân thành không còn là lựa chọn, mà là nền tảng để giữ gìn uy tín, xây dựng lòng tin và trở thành một phần tử tế trong cộng đồng và xã hội.