Làng rapper Việt khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”

THANH MAI

VHO - Thời gian qua, những ồn ào về đời tư của loạt rapper Việt như Obito, Niz, Double2T, MCK... khiến công chúng trở nên thiếu thiện cảm với một bộ phận văn nghệ sĩ, người nổi tiếng. Kẻ trong cuộc, người thì ra sức đính chính, thanh minh, số khác lại “im thin thít, lặn mất tăm” để né… gạch đá dư luận.

 Làng rapper Việt khiến cộng đồng mạng “dậy sóng” - ảnh 1
Dù đã lên tiếng xin lỗi nhưng nam rapper Obito vẫn tiếp tục bị “ném đá”

 Có thể thấy, nghệ sĩ là người của công chúng. Mọi hành xử, lối sống, sản phẩm nghệ thuật do họ tạo ra đều có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Biết rằng sự phóng khoáng, tự do là điều khiến rap khác biệt so với các dòng nhạc truyền thống khác, tuy nhiên, các rapper cần tự do trong một khuôn khổ nhất định. Với những gì đang diễn ra trong giới rap Việt hiện nay, có thể thấy, ngày càng nhiều người coi thường chính nghề nghiệp của mình, coi thường công chúng khi chưa thực sự lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng.

Từ lùm xùm tình ái đến “mắc bệnh ngôi sao”

Vài ngày trước, mạng xã hội “sôi sục” câu chuyện về mối tình tay ba giữa rapper gen Z Obito (Lý Quốc Phong, 2001), ca sĩ VSTRA (Nguyễn Thị Hạnh Ngân, 2001) và fangirl tên “N” (2006). Câu chuyện bắt nguồn từ bài đăng của fan girl “N”, cô này tiết lộ trong thời gian hẹn hò, Obito vẫn “dây dưa” với tình cũ VSTRA, thậm chí còn sống chung một nhà. Đối mặt với lời tố cáo, Obito và VSTRA đều nhanh chóng đăng đàn thanh minh, đính chính để sự việc không bị đẩy đi quá xa.

Ồn ào chưa kịp lắng xuống, thì mới đây “phốt” của rapper Niz (Nguyễn Lê Trường Thịnh, 2002) lại tiếp tục gây xôn xao. Cụ thể, chủ nhân bài hit Em là bad girl trong bộ váy ngắn bị T.N (vợ cũ của Niz) tố bạo hành, nợ tiền không trả, sống thờ ơ, vô cảm không hoàn thành trách nhiệm của một người cha. Phía Niz ngay sau đó đã lên tiếng thừa nhận hành động không đúng mực với gia đình. Tuy nhiên, anh này khẳng định bản thân chưa bao giờ để vợ con phải “đói một ngày nào, con vẫn có sữa, tã đầy đủ”…

Trong khi Obito và Niz đều dám lên tiếng làm rõ sự việc và gửi lời xin lỗi đến khán giả, thì 24K.Right lại là cái tên khiến công chúng thất vọng, khi không có bất cứ động thái tỏ ra ăn năn hối lỗi nào. Theo đó, Á quân Rap Việt mùa 3 bị tố không tôn trọng bạn gái và không nghiêm túc trong chuyện yêu đương. Thậm chí, người này còn đề cập rằng 24K.Right còn có hành vi bạo lực với phụ nữ.

Tiếp đó, đến lượt rapper MCK vướng tranh cãi vì thái độ bất cần, ngông nghênh trên sân khấu tại một sự kiện âm nhạc lớn ở Hà Nội. Anh này xuất hiện với ngoại hình “không giống ai”: Cạo sạch lông mày, đeo chocker da, mặc áo ba lỗ đen khoe cánh tay xăm kín. Nam rapper còn gây sốc với màn giao lưu tại sự kiện khi hét lớn: “Đứng ở dưới thì nhảy mạnh lên. Ai sợ thì đi về!”. Đông đảo người xem đã phản ứng gay gắt với cách nói chuyện của MCK vì cho rằng anh không tôn trọng khán giả. Nhiều người còn nhận xét, nam rapper đang thể hiện quá đà, “làm khùng làm điên” để thu hút sự chú ý của truyền thông…

Không dừng lại, rapper Double2T (Bùi Xuân Trường, 27 tuổi) cũng vướng tranh cãi khi bị tố có thái độ không tốt với ê kíp, phân biệt đối xử với người hâm mộ trong buổi họp “fan”. Các bài đăng trên mạng xã hội đua nhau “bóc phốt” nam rapper nhập nhằng về chuyện tình cảm, không tôn trọng “fan” khi che giấu việc đã có bạn gái. Trước sức ép dư luận, Quán quân Rap Việt mùa 3 đã chính thức lên tiếng trên trang cá nhân, phủ nhận rằng “đây là những thông tin sai sự thật, chưa được xác thực”.

 Làng rapper Việt khiến cộng đồng mạng “dậy sóng” - ảnh 2
Phát ngôn “không giống ai” của MCK khiến công chúng phản ứng

Cần nắn chỉnh hành vi “lệch chuẩn”

Theo nhà nghiên cứu văn hóa, TS Nguyễn Ánh Hồng, việc buông thả, mất kiểm soát trong phát ngôn, hành vi ứng xử… của các nam rapper đã gây ảnh hưởng khó lường, đa chiều đến việc hình thành lối sống, phong cách của các giới trẻ. “Nghệ sĩ nào cũng có một lượng người theo dõi nhất định. Mọi phát ngôn, lời nói đều có thể trở thành hình mẫu để những người trẻ bắt chước theo. Có lẽ, ở thời đại mà cái tôi được đề cao, họ đã quá ảo tưởng về vị trí của mình, nên nghĩ có quyền để cho cái tôi ngông nghênh, mất kiểm soát, vượt qua những chuẩn mực của văn hóa ứng xử”, TS Nguyễn Ánh Hồng nhấn mạnh.

Bộ VHTTDL đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật để chấn chỉnh những hành vi “lệch chuẩn” trong văn hóa ứng xử của nghệ sĩ. Phải khẳng định rằng, đây chỉ là những nguyên tắc cơ bản cho người làm nghệ thuật soi chiếu để thấy được những điều gì được làm và không được làm, còn hành xử như nào cho chuẩn mực còn phụ thuộc vào nhận thức, lối sống và trách nhiệm cá nhân của mỗi nghệ sĩ trước cộng đồng.

Cái giá phải trả cho sự phóng túng, buông thả trong lối sống, phản cảm trong ứng xử của một bộ phận nghệ sĩ chính là sự quay lưng của công chúng. Nhìn sang một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…, họ rất nghiêm khắc đối với các nghệ sĩ vi phạm đạo đức. Không những cấm sóng mà nhiều trường hợp còn bị tẩy chay vĩnh viễn, không bao giờ được quay lại làm nghệ thuật. Vì thế, bản thân các nghệ sĩ cần không ngừng trau dồi, rèn luyện, trang bị thêm kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức văn hóa và trách nhiệm xã hội, để xứng đáng là những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”, như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc