Khi showbiz Việt chơi gameshow:

Khuấy động thị trường giải trí

NAM ANH

VHO - Cách đây không lâu, MC Thành Trung viết trên Facebook cá nhân: “Dự là showbiz Việt năm nay tất cả các nghệ sĩ nam đều tham gia gameshow”. Câu nói tưởng như đùa nhưng đã thành sự thật, bởi chỉ trong một thời gian ngắn, tính riêng 2 show Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai, số lượng nghệ sĩ tham dự đã lên tới hơn 60 người, chưa kể một số chương trình khác…

Bên cạnh những nghệ sĩ tham gia để khẳng định vị trí, người xem cũng bất ngờ vì một số tên tuổi “lão làng” sau thời gian dài rời xa ánh đèn sân khấu đã trở lại đầy rực rỡ.

Ngoài yếu tố hấp dẫn về dàn nghệ sĩ khách mời, tính sáng tạo trong các chương trình được đẩy lên cao cũng là lý do khiến những gameshow này ghi điểm trong lòng khán giả.

Khuấy động thị trường giải trí - ảnh 1
Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai là hai gameshow nhận được sự quan tâm của khán giả Ảnh: NSX

Người xem thích thú…

Có thể nói, Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai có một số điểm tương đồng về format.

Thế nhưng, cả hai vẫn thu hút lượng fan nhất định khi hướng đến nhóm khán giả riêng và những tiêu chí khác biệt trong xây dựng nội dung.

“Chào sân” cách nhau không lâu nên nội dung của hai chương trình cũng được khán giả chú ý và có sự đối sánh.

Anh trai vượt ngàn chông gai có 33 nghệ sĩ tham gia tranh tài, không chỉ gồm các ca sĩ, diễn viên, rapper, mà gameshow này còn gây chú ý khi mời cả những nhân vật ở ngành nghề khác như cầu thủ bóng đá, võ sư, đạo diễn, biên đạo...

Điểm đặc biệt khiến Anh trai vượt ngàn chông gai thu hút khán giả còn bởi chương trình giúp cho hàng loạt “anh tài” như NSND Tự Long, Tuấn Hưng, Bằng Kiều, danh thủ Hồng Sơn, Tiến Luật… được “hồi xuân” thông qua các màn hát, vũ đạo vốn tưởng chỉ dành cho nghệ sĩ trẻ.

Những gương mặt vắng bóng nhiều năm như Đinh Tiến Đạt, Đăng Khôi… cũng có màn tái xuất ấn tượng. Có ý kiến nhận xét rằng, Anh trai vượt ngàn chông gai đã giúp họ trở về với “tuổi thơ” khi được gặp lại những “vàng son một thuở”.

Trong khi đó, Anh trai say hi quy tụ 30 nghệ sĩ nam, chủ yếu ở lĩnh vực âm nhạc, phim ảnh, sân khấu. Điểm khác biệt với các “anh tài” là các “anh trai” ở show này có độ tuổi khá trẻ và đang hoạt động nghệ thuật năng nổ.

Anh trai say hi cũng chú trọng hướng vào tệp khán giả trẻ khi lựa chọn khai thác các ca khúc với chất hiện đại. Một dàn “anh trai” như Hieuthuhai, Quang Hùng MasterD, Negav… khiến thị trường âm nhạc trở nên sôi động hơn thông qua những ca khúc hit được phát hành từ chương trình.

Sau thời gian dài thị trường gameshow có phần trầm lắng, các chương trình thực tế khác đã bão hòa, hai cuộc so tài của các “anh tài” và “anh trai” đã thực sự mang đến sự mới mẻ, hấp dẫn cho khán giả.

Đây cũng là minh chứng cho quan điểm: Nếu được đầu tư kỹ lưỡng, cùng tư duy làm nghệ thuật nghiêm túc thì chẳng cần đến chiêu trò, chương trình cũng tự khắc nổi.

Khuấy động thị trường giải trí - ảnh 2
Các gameshow về âm nhạc gần đây được đầu tư nhiều hơn về chất lượng chuyên môn Ảnh: VIE CHANNEL

Thành công nhờ thoát lối mòn

Nhiều năm trước, khi hiệu ứng từ mạng xã hội chưa thực sự mạnh mẽ như hiện nay, quảng bá cho các gameshow gặp khá nhiều khó khăn.

Việc phải dùng đến sóng giờ vàng của một số đài để phát chương trình là một trong những ví dụ cho thấy nhà sản xuất luôn gặp khó trong khâu truyền thông.

Cũng vì không tận dụng được sức mạnh của mạng xã hội, nên khi đó các chương trình phải “cài cắm” thêm drama vào để khán giả có cái mà bàn luận. Vietnam Idol, Nhân tố bí ẩn, Giọng hát Việt… đều ít nhiều bị khán giả phản ứng.

Rồi đến khi khán giả “dịch chuyển” lên mạng xã hội nhiều hơn, một số đơn vị sản xuất vẫn tiếp tục chọn lối mòn, khai thác drama để đánh bóng tên tuổi.

Chị đẹp đạp gió rẽ sóng là một trong số những chương trình bị khán giả tố cố ý “câu kéo” drama khi cho thấy một số ẩn ý về chuyện “bằng mặt nhưng không bằng lòng” giữa các “chị đẹp”, dẫn đến việc người hâm mộ “khẩu chiến” tưng bừng trên các nền tảng mạng xã hội.

Thế nhưng, nhà sản xuất phải hiểu rằng, có nhiều yếu tố khiến khán giả trông đợi ở một chương trình giải trí, nhất là gameshow về nghệ thuật. Trong đó, vũ đạo, giọng hát, quá trình tập luyện, rồi cả câu chuyện nhân vật vượt lên chính mình ra sao để hoàn thành các thử thách được đưa ra… mới là những điều khán giả mong đợi. Hay với những tâm sự “gan ruột” của nghệ sĩ trong chương trình, khán giả có cơ hội hiểu thêm về cá tính của họ sau lớp màn nhung, về những câu chuyện truyền cảm hứng, chứ không chỉ có những thị phi mà bấy lâu nay công chúng vẫn nghĩ về showbiz Việt.

Cá biệt, một số chương trình còn dùng lối “evil edit” - thuật ngữ ám chỉ những hình thức chỉnh sửa, biên tập nội dung một cách ác ý, cắt ghép, đổi trắng thay đen. Nhờ cách làm này, chỉ một chi tiết rất nhỏ cũng có thể khiến chương trình “gây bão” truyền thông. Tuy nhiên, dù xét trên khía cạnh nào, drama chỉ nên dừng ở mức độ tăng tính cạnh tranh công bằng giữa các thí sinh chứ không nên lạm dụng để rồi khiến chương trình gây tranh cãi, mất đi tính chuyên môn. Nghệ sĩ thì trở thành “con cờ” truyền thông, còn khán giả thì mất niềm tin vào nghệ sĩ.

Bên cạnh việc biết cách gạt đi drama, điều làm nên thành công của những gameshow gần đây là biết lồng ghép yếu tố hài hước. Thực tế, xu hướng thưởng thức chương trình truyền hình của khán giả nhiều năm trở lại đây không còn là “căng não” mà muốn được cười thoải mái nhiều hơn, đúng chất của việc xem để giải trí.

Sau những phần thi căng thẳng, cả Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai đều biết đưa vào những thử thách “bên lề” giúp bộc lộ những góc cạnh ít ai biết của nghệ sĩ tham gia. Giống như một bộ phim truyền hình, một tập của gameshow cũng có đủ các sắc thái lo lắng, cao trào, hài hước… mới có sức hút. Tùy từng chủ đề của các tập mà bộ phận sản xuất sẽ tính toán để yếu tố nào được đẩy lên nhiều hơn. Nếu không đủ những cung bậc cảm xúc nêu trên, sẽ chẳng mấy ai đủ kiên nhẫn ngồi hàng tiếng đồng hồ trước màn ảnh nhỏ để xem một chương trình mà họ chẳng thể cảm nhận được điều gì. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc