Khói là thật mà như là hư ảo

Nhà văn MA VĂN KHÁNG

VHO - Tập tạp bút của nhà văn Như Bình vừa ra mắt bạn đọc tháng 9 năm 2024 mang nhan đề “Thương những xa xôi”. Cái tên sách thật gợi cảm. Đọc nó lại thấy nao nao nhớ câu thơ thấp thoáng buồn của cụ Tú Xương: “Những là thương cả cho đời bạc”. Chữ “những” nghe mênh mang và trĩu nặng!

Khói là thật mà như là hư ảo - ảnh 1
Tạp bút “Thương những xa xôi”

Tập văn xuôi này được tác giả chia tách thành 2 phần, theo đối tượng nghệ thuật. Phần đầu có tên Ký ức là những hồi tưởng về làng quê, nơi sinh ra của nhà văn.  Phần tiếp là những cảm thức về vùng đất Hà Nội, nơi tác giả xa quê đến và đang sinh cơ lập nghiệp. Cả hai tuy khác nhau về không gian miêu thuật, nhưng đều hay, đều được viết một cách chỉn chu kỹ lưỡng và dạt dào cảm xúc.

Thật vậy, Ký ức là những trang văn nhớ nhung, ngẫm ngợi ngược dòng thời gian về cuộc sống nơi làng quê một miền Trung xa xôi và gần gụi cùng chân dung kỷ niệm những người thân yêu trong gia đình họ tộc. Quả nhiên, là sản phẩm của một nhà văn đa tài, một tâm hồn đa cảm, ký ức chẳng để sót một điều gì. Đó là những nối nhớ, những ám ảnh, day dứt khôn nguôi, đã bám riết vào đời người, sống mãi trong con tim khối óc của nhà văn. Một miền quê nhìn trước ngó sau chỉ có gió Lào cát  trắng, đất cầy lên sỏi đá. Tháng bảy, nắng chang chang đỏ lửa. Tre pheo khô khốc. Lá cây cháy xém. Ngõ xóm vắng tanh. 

Khói là thật mà như là hư ảo - ảnh 2
Nhà văn Như Bình

Đó là tình thương đến thắt lòng một bà ngoại, dường như cả đời chỉ khóc. Khóc đến nỗi mù cả hai con mắt. Một người mẹ long đong vất vả, tần tảo nuôi năm con trong nghèo khó thành người. Một người cha tài hoa mạnh mẽ ngang tàng khi về già bóng hình liêu xiêu ra ngõ đón con gái về thăm. Một người chú, một người cậu vì nước đã hy sinh trong hai cuộc Kháng chiến, những còn hữu hình sống động trong tâm tưởng mọi người…

Từ lâu, tôi đã đọc và rất có thiện cảm với những tác phẩm văn xuôi của Như Bình. “Giông biển (1999) “Đêm vô thường (2002) “Bùa yêu” (2015)… Bẵng đi có đến cả chục năm, gần đây tình cờ đọc được truyện ngắn “Rượu hoa mất trí  của chị in trên Văn Nghệ số 48 ra ngày 2.12.2024. Thú thật là tôi bị bất ngờ trước thiên truyện rất hay này. Nên đọc xong liền nhắn mấy dòng tin sau cho tác giả Như Bình: “Một chuyện tình thẫm đẫm hương hoa, mùi rượu, tiếng trống, tiếng khèn, run rẩy da diết, xốc xáo cả tim gan con người. Yêu quá con người chưa phân thân, còn nguyên khối chân tình giữa không gian nguyên thủy ngát hương mộc mạc tinh khiết đến cùng. Truyện hay đến từng chi tiết, câu văn”.

Đó là văn của Như Bình ở truyện ngắn này. Và tôi có cảm tưởng ở đây, trong tập tạp bút này, viết lại những ký ức, văn xuôi của Như Bình cũng vậy, nó là thứ văn xuôi hệ quả một cuộc sống tận tình với tất cả cung bậc tình cảm, sống thật sự sâu sắc với mọi khúc nhôi của cuộc đời. Nên viết cái gì là đã hiểu được thấu đáo, ngấm nghía cho tới được cái nghĩa đời nông sâu kiệt cùng của nó. Nên viết như để thỏa cơn say mê, để trang trải, để bầy tỏ, để dốc hết cõi lòng nung nấu yêu thương.

Tạp bút như Garcia Marquez nói, nó là điểm dừng chân giữa hai cuốn sách có dung lượng lớn! Nói thế không có nghĩa viết tạp bút là dễ dàng đơn giản. Tạp bút, một thể loại văn học có khuynh hướng phóng túng và tự do, ít tính quy phạm. Không câu nệ gò bó từ nội dung đến hình thức Thành ra, có người nói tạp bút là nghệ thuật bay, nghệ thuật bơi, nghệ thuật ngẫu hứng, tha hồ tự do thoải mái. Nhưng chính vì thế, nó chính là một thử thách của một vỉa tài năng.

Viết được tạp bút hay phải là người có đức tính nhạy cảm với thời cuộc. Phải mạnh về cảm nhận đời thường và thông tỏ lý sự hàn lâm. Phải thóc mách và quái kiệt trong khám phá. Tạp bút của Như Bình một lần nữa chứng tỏ, nghệ thuật của Tạp bút đòi hỏi cái riêng hơn ở đâu hết.  

Viết đến đây, tôi muốn dẫn ra chùm  bài viết về Hà Nội với những cảm nhận rất riêng của Như Bình, để  làm ví dụ. Là bởi vì, đã có cả ngàn người viết về Thủ đô yêu quý của chúng ta rồi. Chen chân vào mảnh đất văn chương này đâu có dễ. Vậy mà Như Bình có ghé lại được.

Tôi cũng muốn nói về chùm bài nói về cái Tết ở  làng quê của Như Bình gồm  “Mùi TếtTết quê. Nhớ khói, Lạc  Tết. Rất nhiều nhận xét tinh tường mới mẻ ngỡ ngàng với tôi.  Nhưng chen vào đó lại có mấy câu văn sau. “Lẫn trong mùi Tết là nỗi buồn thăm thẳm của làng. Là sự hiu ht man mác đâu đó trong khói hương, trong câu chuyện được mất của cháu con bên mâm cơm chiều ba mươi Tết”.  Thì Như Bình phải trải đời thế nào mới có được nhận xét tinh tế vậy.

Khói là thật mà như là hư ảo - ảnh 3
Khói là thật mà như là hư ảo - ảnh 4
Một số hình ảnh của nhà văn Như Bình trong lễ ra mắt sách tháng 10.2024

Không! Còn phải thế nào nữa mới viết được “O Khuyên, O Bé Hoa trong vườn của cha mẹ. Còn một đời sống ẩn mật phảng phất đó đây mà người viết vừa phải có tấm lòng rộng mở sẻ chia nhân ái vừa phải tinh tường trong thấu cảm mới đi tới được. Như nhìn khói mà thấy là thật đấy mà lại như hư ảo. Như nhận ra cái ảo hình, ảo thể giữa của cuộc sống hiện thực mắt nhìn thấy tai nghe được. Như mỗi tháng bảy, dịp 27 tháng 7, ngày thương binh liệt sĩ, bà nội lại đinh ninh và bảo con cháu rằng linh hồn chú Thiện liệt sĩ đang hiện về trong tiếng con chim khách đậu ở bờ dậu kêu “khách khách” rạo rực cả trưa hè.

Như nhận ra rằng thiên nhân hợp nhất là một hiện tượng có thật ở đời. Cây cối trong vườn sống lâu bên con người là phân thân của con người, đã hóa thân thành một linh vật thiêng liêng. Thành ra năm ấy, hàng trăm hàng ngàn bông hoa bưởi bỗng nhiên sây nụ, nở chíu chít, trắng nõn, mẩy căng trong vườn hóa ra là một tiến báo cho sự ra đi của người cha. Và sau khi ông đi về miền mây trắng thì cây cối trong vườn lần lượt héo rũ, nhất hạng là cam bưởi chanh. Thành ra, mấy năm sau, vào xuân cả vườn mai đào trước sân bỗng nhiên rủ nhau bung lụa.  Điềm lạ của cây hoa sao trùng khớp với sự ra đi của mẹ vào tháng bảy năm đó. Và trong đám tang mẹ hoa tường vi trút những cơn mưa hồng ra tận ngõ. Phàm vật loài gì cũng có linh thể bên trong. Người xưa đã nói. 

Rời cuốn sách này tôi sẽ còn nhớ mãi hai bài viết về hai người phụ nữ thân yêu của Như Bình. Nhớ trong rưng rưng mắt lệ. “O Khuyên và “O BéNhư Bình viết “O Khuyên như để trút xả hết tình thương, nỗi nhớ, để giải tỏa ẩn ức về số phận một người đàn bà bé nhỏ, bình dị, đã sống một cuộc đời lặng khuất, cô đơn, bất hạnh, đa đoan, vô cùng éo le. Một người đàn bà cả cuộc đời rặt những khổ đau, thiệt thòi đến mức cái chết cũng quá đỗi thương đau nhưng trớ trêu lại được coi như một sự giải thoát may mắn. Mỗi câu văn trong bài là một ngậm ngùi xót xa. 

Còn “O Bé “là một câu chuyện được viết ra bằng sự cảm thông đến tận cùng với người phụ nữ có tấm lòng cao cả vượt ra ngoài chiều kích thông thường, vô cùng lạ lùng và hiếm hoi, đọc mà vừa thương mến vừa kính trọng hết lòng.

Tạp bút Như Bình - Một năng lực văn chương có khả năng cảm hội tới các tầng sâu của cuộc sống... Một trìu mến thiết tha với con người!

Hà Nội 12.2024