Chương trình truyền hình thực tế:
Khi sức hút đến từ sự tự nhiên
VHO - Trong bối cảnh truyền hình Việt đang cần “làn gió” mới, những chương trình thực tế như Gia đình Haha - Những ngày trời bao la; Bố ơi! Mình đi đâu thế? hay các show “bỏ phố về quê”... đã bất ngờ tạo nên làn sóng ủng hộ mạnh mẽ.

Không cần kịch bản sắp đặt, chẳng cần drama giả tạo, sức hút đến từ sự chân thật, giản dị và cảm xúc nguyên bản, nơi khán giả được chạm vào những khoảnh khắc đời thường đầy tính nhân văn. Đây không chỉ là xu hướng truyền hình, mà còn là hành trình chữa lành, kết nối con người với thiên nhiên và giá trị sống đích thực.
Chạm đến trái tim khán giả
Trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, Gia đình Haha - Những ngày trời bao la đang trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của khán giả. Gác lại nhịp sống đô thị ồn ào và ánh đèn sân khấu rực rỡ, các nghệ sĩ khoác lên mình trang phục truyền thống, hòa mình vào cuộc sống của người dân vùng cao và trải nghiệm công việc đồng áng, chăn nuôi như những nông dân thực thụ.
Ngay từ tập đầu tiên phát sóng, chương trình đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Tính chân thật, mộc mạc trong từng khoảnh khắc, từ bỡ ngỡ với cuốc, xẻng đến những bữa cơm giản dị sau ngày lao động, đều đã chạm đến cảm xúc của người xem. Gia đình Haha liên tục lọt top trending YouTube, ghi nhận mức rating cao trên sóng truyền hình và nhanh chóng trở thành “món ăn tinh thần” được mong chờ hằng tuần. Đáp lại tình cảm đó, nhà sản xuất đã phát hành thêm các tập đặc biệt trên YouTube, thu hút hàng triệu lượt xem.
Không trợ lý, không kịch bản, chương trình ghi lại hành trình trải nghiệm của các nghệ sĩ cùng người dân địa phương một cách chân thực. Điểm sáng trong chuỗi hành trình ấy là sự xuất hiện đầy duyên dáng và mến khách của chị Vàng Thị Thông, chủ homestay tại Bản Liền (Lào Cai). Những khoảnh khắc hài hước, ấm áp giữa chị Thông và các nghệ sĩ không chỉ mang lại tiếng cười mà còn khiến khán giả cảm thấy gần gũi, sống động như thể họ đang hiện diện ở chính nơi đó.
Sức hút từ chương trình lan rộng đến cả đời thực, sau khi phát sóng, du khách đổ về Bản Liền tăng đột biến. Homestay của chị Thông hiện đã kín phòng đến hết tháng 7 và gần như không còn trống nhiều trong tháng 8-9. Ước tính, lượng khách tăng 30- 40% so với cùng kỳ năm trước, minh chứng rõ nét cho sức ảnh hưởng tích cực của truyền hình nhân văn.
Tương tự, Bố ơi! Mình đi đâu thế? mùa 5 tiếp tục ghi dấu bằng loạt trải nghiệm chân thật của các cặp bố con nổi tiếng trong hành trình “sinh tồn” nơi đồng quê. Những khoảnh khắc ông bố vụng về xoay xở giữa đời sống thôn dã, hay sự hồn nhiên của các bé khi lần đầu trải nghiệm cuộc sống không tiện nghi, đã vẽ nên một bức tranh cảm xúc giản dị mà lay động.
Từ sân khấu bước ra đời thực, những gameshow thực tế mới đang mang đến làn gió mát cho truyền hình Việt, nơi cảm xúc, sự sẻ chia và giá trị sống được thắp lên qua từng khung hình.

“Liều thuốc” chữa lành
Thành công của Gia đình Haha và Bố ơi! Mình đi đâu thế? cho thấy khán giả ngày nay không còn hứng thú với những drama giả tạo mà đã chuyển sang các chương trình mang tính chữa lành. Sau một tuần dài làm việc căng thẳng, ai cũng cần không gian để giải tỏa căng thẳng.
Những chương trình “bỏ phố, về quê” chính là liều thuốc tinh thần hiệu quả. Khán giả được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, yên bình của làng quê, cùng tìm hiểu về những giá trị văn hóa các vùng miền. Hơn hết, sự dí dỏm của dàn khách mời đã mang lại nhiều điều thú vị cho chương trình.
Gia đình Haha đã rất thành công trong việc tạo ra không gian chữa lành đúng nghĩa, khi không chỉ tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của quê hương, những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao mà còn lan tỏa năng lượng tích cực. Khán giả không cần phải căng thẳng với những cuộc đối đầu, mà chỉ cần cảm nhận những câu chuyện nhẹ nhàng, ấm áp về tình người và tình thân.
“Bỏ phố, về quê” không dừng lại là định dạng chương trình, mà đang dần trở thành một “triết lý” sản xuất. Truyền hình Việt nếu muốn giữ chân khán giả lâu dài cần hướng đến sự tử tế, nhân văn và có tính kết nối. Những giá trị văn hóa truyền thống, sự gắn kết cộng đồng... nếu được khai thác khéo léo, chắc chắn sẽ là “mỏ vàng” về nội dung.
Có thể thấy, xu hướng truyền hình thực tế “chữa lành” sẽ tiếp tục phát triển. Để “nâng tầm”, các nhà sản xuất cần tập trung vào việc khai thác những câu chuyện đời thường, nét văn hóa độc đáo vùng miền, đồng bào các dân tộc, vẻ đẹp của thiên nhiên và những khoảnh khắc tự nhiên, không sắp đặt.
Khi ấy, truyền hình thực tế sẽ trở về đúng với khái niệm “thực tế” của nó. Vừa là món ăn tinh thần, những chương trình như vậy vừa là cầu nối giúp thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, góp phần quảng bá hiệu quả hình ảnh, văn hóa địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.
Quan trọng nhất, điểm nhấn của format này là sự tương tác với người dân bản địa. Họ chính là nhân tố làm nên sự mộc mạc và đáng yêu của chương trình. Tôn vinh sự chất phác và hiếu khách của bà con không chỉ giúp chương trình có thêm chiều sâu mà còn thể hiện hình ảnh một Việt Nam thân thiện, luôn dang rộng vòng tay đón chào du khách.