Hướng dẫn giáo dục quyền con người trong cơ sở giáo dục mầm non

ĐẶNG XÁ

VHO - Giáo dục quyền con người từ bậc mầm non là một nội dung quan trọng trong chiến lược thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của Nhà nước Việt Nam. Thực hiện Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 5.9.2017, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa giới thiệu tài liệu “Hướng dẫn thực hiện giáo dục quyền con người trong cơ sở giáo dục mầm non” nhằm hỗ trợ đội ngũ quản lý, giáo viên hiểu rõ hơn về quyền con người, đặc biệt trong lĩnh vực mầm non.

Hướng dẫn giáo dục quyền con người trong cơ sở giáo dục mầm non - ảnh 1

Tài liệu được thiết kế với ba phần nội dung chính, tập trung vào khía cạnh lý thuyết, hướng dẫn thực tiễn và gợi ý kế hoạch giáo dục tích hợp.

Phần 1: Quyền con người và đảm bảo quyền con người trong cơ sở giáo dục mầm non

Phần này cung cấp các khái niệm cơ bản về quyền con người, quyền trẻ em, đồng thời nêu bật vai trò của việc giáo dục quyền con người trong môi trường mầm non. Các nội dung được xây dựng dựa trên các văn bản pháp luật quốc tế như Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người (1948), Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (1989), cũng như pháp luật Việt Nam, bao gồm Hiến pháp, Luật Trẻ em (2016), và các luật liên quan khác.

Ngoài việc khẳng định sự cần thiết của việc giáo dục quyền trẻ em, phần này cũng nêu rõ các hành vi vi phạm quyền trẻ em thường gặp, qua đó nâng cao nhận thức cho giáo viên và các cán bộ quản lý.

Phần 2: Hướng dẫn thực hiện quyền con người, quyền trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non

Phần này nhấn mạnh các giá trị cốt lõi của quyền con người như sự bình đẳng, tôn trọng, khoan dung, và trách nhiệm, đồng thời hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng môi trường học tập an toàn, công bằng, chất lượng cho trẻ.

Thực hiện quyền trẻ em đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng, cùng với các cơ chế giám sát và xử lý vi phạm. Các nội dung giáo dục quyền trẻ em cần được tích hợp vào các hoạt động hàng ngày như học tập, vui chơi, lao động, sinh hoạt và các thói quen vệ sinh, ăn uống.

Phần hướng dẫn còn gợi ý việc lồng ghép giáo dục quyền trẻ em qua các hoạt động tương tác nhằm đảm bảo trẻ em không chỉ nhận thức được quyền của mình mà còn hiểu bổn phận đối với bản thân, gia đình và cộng đồng.

Phần Phụ lục: Gợi ý kế hoạch giáo dục tích hợp

Phần phụ lục cung cấp các ví dụ về kế hoạch giáo dục quyền trẻ em cho từng nhóm tuổi: Trẻ 3-4 tuổi: Giáo dục quyền được phát triển; Trẻ 4-5 tuổi: Giáo dục kỹ năng giao tiếp qua chủ đề "Tôi và bạn bè"; Trẻ 5-6 tuổi: Bồi dưỡng tình yêu thương, sự sẻ chia.

Các gợi ý được thiết kế dưới dạng nội dung cơ bản, khuyến khích giáo viên linh hoạt bổ sung chi tiết tùy theo tình hình thực tế nhằm đảm bảo tính hấp dẫn và phù hợp với tâm lý trẻ nhỏ.

Tài liệu "Hướng dẫn thực hiện giáo dục quyền con người trong cơ sở giáo dục mầm non" không chỉ là một công cụ hỗ trợ giáo viên và cán bộ quản lý mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của giáo dục quyền con người ngay từ giai đoạn đầu đời.

Việc tích hợp quyền trẻ em vào giáo dục mầm non không chỉ giúp trẻ nhận thức rõ giá trị bản thân và quyền lợi cơ bản mà còn góp phần xây dựng một thế hệ tương lai biết tôn trọng quyền con người, đề cao các giá trị nhân văn và tinh thần trách nhiệm.