Hòa quyện bản sắc Việt trong dòng chảy thời trang

THANH NGỌC

VHO - Văn hóa luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thiết kế (NTK) sáng tạo, thể hiện rõ nét qua việc khai thác họa tiết truyền thống, chất liệu dân tộc và những câu chuyện văn hóa đặc trưng trong các BST. Điều này không chỉ tôn vinh vẻ đẹp đa dạng của văn hóa mà còn góp phần đưa thời trang Việt lên một tầm cao mới trên bản đồ thời trang thế giới.

Hòa quyện bản sắc Việt trong dòng chảy thời trang - ảnh 1
Các giá trị văn hóa trở thành nguồn cảm hứng cho các NTK. Ảnh: ITN

 Bản hòa ca truyền thống trong dòng chảy hiện đại

Tại Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam (Vietnam International Fashion Week) vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều NTK đã mang đến những bộ sưu tập (BST) mới nhất, lấy cảm hứng từ văn hóa Việt.

Với niềm đam mê mãnh liệt đối với chất liệu truyền thống, NTK Cao Minh Tiến luôn trăn trở tìm cách đưa bản sắc văn hóa Việt hội nhập với dòng chảy thời trang quốc tế và quảng bá văn hóa dân tộc đến gần hơn với giới trẻ cũng như cuộc sống hằng ngày. Đó cũng chính là nguồn cảm hứng cho anh trong BST “Đủng đỉnh”, với các thiết kế làm từ chất liệu gấm quý hiếm của Nhật Bản, kết hợp họa tiết mang đậm văn hóa Việt, không chỉ tái hiện vẻ đẹp truyền thống mà còn tạo ra sự giao thoa văn hóa, nghệ thuật. Mỗi thiết kế là một bản hòa ca, vừa trang trọng, vừa phóng khoáng, đồng điệu với ý niệm về sự “đủng đỉnh” - thong dong, chậm rãi trong từng đường nét sáng tạo.

Trong khi đó, với tình yêu mãnh liệt dành cho điện ảnh và thời trang, NTK Thủy Nguyễn đã khiến công chúng trầm trồ với BST “Én nhạn hiệp đôi”. Lấy cảm hứng từ bộ phim kinh điển Công tử Bạc Liêu, NTK đã thổi làn gió mới vào tà áo dài truyền thống. Các họa tiết phượng hoàng, hoa đào, hoa mai, hoa sen - những biểu tượng của sự tươi mới và trường tồn - được thêu đính tỉ mỉ đến từng chi tiết. Điểm nhấn đặc biệt là những chiếc mấn to bản, tạo nên ấn tượng mạnh mẽ trên sàn diễn. Thủy Nguyễn cũng thành công khi đưa âm hưởng của Cải lương vào thời trang hiện đại, tạo nên dấu ấn riêng biệt cho thương hiệu Thủy Design House.

NTK Đức Hùng một lần nữa khiến giới mộ điệu thời trang trầm trồ với BST “Có một mùa đông như thế”. Những chiếc áo chần bông kết hợp với các chất liệu cao cấp như tơ tằm, lụa và nhung the mang vẻ đẹp xưa cũ đã tạo ra một bản giao hưởng màu sắc và hình khối ấn tượng. Những bông hoa tạo khối 4D điểm xuyết trên nền chần bông như một sự tương phản độc đáo giữa nét cổ điển và hiện đại...

Chất liệu vô tận cho sáng tác

Tại sự kiện, các NTK quốc tế cũng mang đến những sắc màu văn hóa đa dạng, phong phú. Một trong số đó là Frederick Lee, NTK người Singapore, với BST “Down to earth” như một hành trình khám phá văn hóa của các cộng đồng bản địa trên toàn cầu. Qua từng thiết kế, Frederick Lee kể câu chuyện về những giá trị thiêng liêng và sự gắn kết mật thiết giữa con người và vũ trụ. Các chất liệu tự nhiên như lông vũ, hạt cườm, rơm raffia được sử dụng một cách khéo léo, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, không chỉ tôn vinh sự mộc mạc mà còn gửi gắm lòng biết ơn và sự trân trọng Mẹ thiên nhiên.

Với “Sasak fuse”, NTK Priyo Oktaviano đến từ Indonesia đã tạo ra một cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa truyền thống và hiện đại. Là người bảo tồn di sản thêu dệt Indonesia, Priyo Oktaviano khéo léo lồng ghép họa tiết dân tộc đặc trưng vào những thiết kế phá cách, tạo nên một phong cách thời trang độc đáo. Các đường cắt táo bạo và mảng màu rực rỡ kết hợp với họa tiết tinh xảo tạo nên bức tranh đa sắc màu. Điểm nhấn đặc biệt của BST là sự xuất hiện của hiện tượng Labubu, thể hiện một làn gió trẻ trung đan xen vào những giá trị văn hóa truyền thống.

Truyền thống vẫn đang giữ sức hút mạnh mẽ đối với các NTK trong và ngoài nước. Họ không ngừng tìm kiếm cách thức mới để kết hợp yếu tố văn hóa với xu hướng thời trang đương đại. Việc khai thác truyền thống là một vòng quay sáng tạo không ngừng. NTK không chỉ đơn thuần lấy chất liệu xưa mà còn biến tấu, cách tân để tạo ra những sản phẩm mới mẻ, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Điều này giúp các giá trị văn hóa trở nên gần gũi và được nhiều người biết đến hơn, đặc biệt là giới trẻ, góp phần làm phong phú thêm kho tàng thời trang thế giới.

Việc khai thác truyền thống cũng chính là cách xây dựng bản sắc và thương hiệu riêng của mỗi thương hiệu thời trang. Khi sử dụng những yếu tố đặc trưng của một quốc gia, các NTK đã tạo ra dấu ấn dễ dàng nhận diện và ghi nhớ. So với nhiều quốc gia, Việt Nam có lợi thế lớn trong việc khai thác các giá trị văn hóa để đưa vào thời trang. Với kho tàng di sản đa dạng, các NTK có vô vàn chất liệu sáng tạo. Xu hướng đưa bản sắc dân tộc vào trang phục đương đại dự kiến sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý, đặc biệt, với sự hỗ trợ của công nghệ, các NTK chắc chắn sẽ tạo nên những sản phẩm chất lượng, độc đáo và sáng tạo hơn. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc