Đạo diễn, TS, NGƯT Lê Mạnh Hùng: Người thổi lửa cho những đam mê nghệ thuật
VHO - Trong năm 2023, TS, NGƯT, đạo diễn Lê Mạnh Hùng đã dàn dựng hai tác phẩm lớn cho Nhà hát Kịch Việt Nam đó là: Người đi dép cao su của nhà văn Kateb Yacine, viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ghi dấu ấn quan trọng kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Algeria và vở hài kịch Quan thanh tra của nhà văn Nikolai Vasilyevich Gogol đã được đông đảo khán giả Thủ đô nồng nhiệt đón nhận và hiện liên tục “cháy vé”. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11), Văn Hoá đã có cuộc trò chuyện với TS, NGƯT, đạo diễn Lê Mạnh Hùng về những quan điểm làm nghệ thuật, đồng thời là một người thầy gắn bó với hơn 30 năm trong sự nghiệp đào tạo nghệ thuật.
Đạo diễn, TS, NGƯT. Lê Mạnh Hùng
.P.V: Thưa ông, số lượng vở mà ông làm đạo diễn xuất hiện trên thị trường nghệ thuật không được nhiều. Nhưng qua hai tác phẩm ông vừa dàn dựng cho Nhà hát Kịch Việt Nam: Người đi dép cao su và Quan thanh tra, công chúng và ngay cả đồng nghiệp cũng bị bất ngờ bởi sức hấp dẫn qua những thủ pháp dàn dựng đầy ấn tượng, nhiều người thấy lạ là vì sao mới thấy tên tuổi ông xuất hiện trong làng đạo diễn?
- TS, NGƯT Lê Mạnh Hùng: Có lẽ cùng vì không ít người có quan niệm cho rằng các thầy làm công tác đào tạo nghệ thuật thì có phần thiên về lý thuyết, ít thực tiễn, cách dàn dựng sẽ lệ thuộc vào các quy ước quen thuộc và ít sáng tạo nên họ không chọn “thầy giáo” dàn dựng. Và cũng có lẽ tôi vốn là một người kỹ tính không phải lời đề nghị dựng vở nào tôi cũng nhận. Tôi phải nghiên cứu rất kỹ kịch bản, nếu tâm đắc mới tìm ra chìa khóa để giải mã tác phẩm khi ấy tôi mới dám nhận lời. Tôi phải cảm ơn NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cùng Ban giám đốc và nghệ sĩ Nhà hát đã tin tưởng mời tôi tham gia để tôi có cơ hội thể hiện những quan điểm làm nghệ thuật của mình. Có lẽ vì các bạn ấy đều là học trò của tôi nên rất hiểu tư duy và dàn dựng của thầy, ngay từ trên ghế nhà trường, họ đều tham gia các vở diễn do tôi dựng để các bạn ấy diễn thực hành, thi tốt nghiệp.
Vở Người đi dép cao su của Nhà hát Kịch Việt Nam
.Người đi dép cao su của tác giả người Algeria Kateb Yacine được ông biên tập và dàn dựng không chỉ thành công khi xây dựng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn mang âm hưởng sử thi về tinh thần và sức mạnh con người Việt Nam trải suốt hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước với xử lý dàn dựng vô cùng mới lạ, không có nút thắt, nút mở, không tuân theo quy tắc truyền thống... Nghe nói ông đã không ít lần từ chối lúc từ chối được khi nhận dàn dựng?
- Đúng là Người đi dép cao su của tác giả người Algeria Kateb Yacine rất khó dựng, kịch có độ dài 304 trang, 1.800 câu thoại với hàng trăm nhân vật, nếu diễn đúng như diễn tiến kịch bản sẽ kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ. Bởi vậy khi NSƯT Xuân Bắc đặt vấn đề tôi đã từ chối. Tuy nhiên, bạn ấy vẫn kiên trì mời tới lần thứ 3 và rốt cuộc tôi đã bị thuyết phục. Tôi đã biên tập để vở diễn có thời lượng vừa phải, phù hợp với thị hiếu xem kịch của khán giả Việt Nam, càng tiếp cận với tác phẩm, tôi càng thấy thú vị. Tôi cùng ê kíp sáng tạo khi làm vở này đều có mục đích lớn nhất là để khán giả thấy rõ hơn về hình tượng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh tụ thiên tài, một vĩ nhân của Việt Nam. Thông qua tác phẩm cùng tình cảm của người viết, người dựng, người xem có thể thấy mối quan hệ giữa Việt Nam - Algeria ngày càng bền chặt; Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trong tâm khảm người Algeria.
Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng vĩ đại từ những điều giản dị
.Vở hài kịch Quan thanh tra do ông đạo diễn hiện đang là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu khi liên tục cháy vé các suất diễn, nhiều người cho rằng vở diễn hấp dẫn chính là vì quy tụ những tên tuổi “hạng nhất” tạo nên thương hiệu của Nhà hát Kịch Việt Nam, ông nghĩ sao về nhận định này?
-Tôi cho rằng nhận định là chính xác, diễn viên chính là lực lượng làm nên linh hồn của vở diễn, qua tài năng diễn xuất của họ thì các giá trị tư tưởng và nghệ thuật mới chuyển tải được. Ê kíp diễn viên tham gia vở đều là học trò của tôi, trong đó có cả tới 4 đạo diễn đang sung sức tạo nên thương hiệu của Nhà hát Kịch Việt Nam đó là: NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Minh Hiếu, NSƯT Trịnh Mai Nguyên, NSƯT Hoàng Lâm Tùng. Tôi phải cảm ơn các học trò của mình, họ là những nghệ sĩ “hạng nhất” của Nhà hát Kịch Việt Nam. Họ đã rất xuất sắc khi thể hiện những ý tưởng mà đạo diễn đặt ra. Các hình tượng nhân vật được thể hiện vô cùng sắc sảo và cũng rất trào phúng.
Phải khẳng định, Quan thanh tra là một vở thật sự khó đối với các diễn viên, kể cả những diễn viên kỳ cựu, diễn viên cũng buộc phải thoát khỏi cách làm việc cũ để tiếp cận với cái mới, tôi thực sự hài lòng khi vở diễn ra mắt. Đội ngũ diễn viên của vở Quan thanh tra là một êkip tốt nhất mà tôi từng gặp. Các em đã lĩnh hội rất đầy đủ ý tưởng của tôi, truyền đạt được đến khán giả bằng nghệ thuật biểu diễn. Mỗi nhân vật trong vở hài kịch đều mang dấu ấn rất riêng của từng nghệ sĩ tham gia, họ tung tẩy, nhấn nhá và vô cùng hài hước. Vừa là thầy giáo, vừa là đạo diễn, tôi hạnh phúc khi chứng kiến những tràng pháo tay và tiếng cười không dứt từ khán giả.
Những nghệ sĩ tham gia diễn trong hài kịch Quan thanh tra đều là học trò của đạo diễn Lê Mạnh Hùng
.Có ý kiến cho rằng, Nhà hát Kịch Việt Nam mang thương hiệu quốc gia thì phải có những kịch bản chính luận, bi kịch mang tính nghiêm túc, thay vì dựng hài kịch. Ông có thể chia sẻ quan điểm của ông về ý kiến này?
-Chính kịch, bi kịch hay hài kịch thì giá trị đều ngang bằng với nhau, nếu anh làm không hay thì thể loại nào cũng sẽ không đạt hiệu quả mong đợi. Trên thực tế thế giới có những nhà viết kịch chuyên viết hài kịch lỗi lạc như Molière hoặc ngay như Shakespeare bên cạnh những vở bi kịch vĩ đại thì ông cũng có những vở hài kịch nổi tiếng. Tôi ủng hộ quan điểm của Nhà hát Kịch Việt Nam khi họ xây dựng một dàn kịch mục đa dạng từ kịch bản nước ngoài đến kịch bản của Việt Nam, từ những chùm kịch ngắn cho tới những tác phẩm đồ sộ...
Nhà hát không chỉ là một đơn vị nghệ thuật sân khấu mà còn đại diện cho nền kịch nghệ nước nhà và vì vậy dẫu là đề tài, thể loại sân khấu gì thì điều quan trọng vẫn là tính hấp dẫn cho vở kịch. Dựng hài kịch không phải là đánh mất mình mà nếu hay, xuất sắc thì rõ ràng hài kịch cũng là một cách để kéo khán giả trở lại nhà hát trong tình hình sân khấu đang gặp nhiều khó khăn. Những suất diễn đầu tiên công diễn vở Quan thanh tra đều “cháy vé” điều này đã khẳng định vị thế của hài kịch trong đời sống xã hội. Đơn cử như hài kịch Bệnh sĩ của cố tác giả Lưu Quang Vũ đã 35 năm kể ngày tác giả Lưu Quang Vũ đi xa, Bệnh sĩ vẫn diễn đều đặn trong kịch mục của Nhà hát và là vở kịch có nhiều suất diễn nhất.
Với đạo diễn Lê Mạnh Hùng, dẫu ở thể loại nào thì cũng phải tạo sức hấp dẫn và thu hút khán giả
.Dựng những kịch bản kinh điển của Việt Nam và nước ngoài, phải chăng đây là giải pháp cho việc thiếu những kịch bản hay chất lượng của nhiều đơn vị nghệ thuật hiện nay thưa ông?
- Tôi cho rằng cần phải nói là chúng ta đang thiếu những kịch bản hay của tác giả Việt Nam viết về đời sống đương đại thì chính xác hơn. Kịch nói vốn là bộ môn nghệ thuật du nhập ở nước ngoài vào và vì vậy không thể nói việc dựng những kịch bản kinh điển của thế giới là giải pháp tình thế bởi đó là những tác phẩm sống mãi với thời gian. Không chỉ sân khấu Việt Nam mà sân khấu thế giới vẫn duy trì xu hướng dựng kịch kinh điển. Tuy nhiên, khi dựng kịch bản kinh điển của thế giới những người làm nghệ thuật cần quan tâm tới việc kịch bản đó được dựng lên có thật sự hấp dẫn và có khán giả đến xem hay không. Bài toán dựng kịch kinh điển đó là kịch phải hấp dẫn và không xa lạ với người xem.
.Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, với cương vị là một người thầy, ông có muốn nhắn gửi gì tới các học trò của mình ?
- Sau khi tốt nghiệp khoa diễn viên kịch nói của Trường nghệ thuật sân khấu Việt Nam (năm 1974), tôi đã làm diễn viên gần 10 năm, sau đó thi học đạo diễn và sang Nga học năm 1984. Năm 1990 về nước tôi sang làm công tác đào tạo và từ đó đến nay tôi vấn không ngừng học tập. Tôi rất tự hào về các học trò của mình, hiện họ đang là những nòng cốt ở các sân khấu hiện nay trên cả nước. Trong số họ có những người đã hoạt động hơn 20 năm. Tôi chỉ muốn nói với học trò của mình là hãy trụ vững trong tình hình sân khấu hiện nay, hãy sáng tạo và tìm cho mình cái riêng. Nếu 10 đạo diễn có 10 cách làm khác nhau sẽ làm cho sân khấu phong phú hơn rất nhiều và để tạo dấu ấn riêng thì cái quan trọng nhất vẫn là sáng tạo phải hấp dẫn. Nếu tác phẩm không hấp dẫn sẽ không có khán giả đến xem. Không có khán giả, không có sân khấu.
THUÝ HIỀN; ảnh: TÙNG LINH