Chấn chỉnh các cuộc thi nhan sắc: Cần đề cao trách nhiệm và sự giám sát của địa phương

VHO- So với Nghị định 79/2012/NĐ-CP thì Nghị định 144/2020/NÐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã mở rộng cánh cửa cho các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp, người mẫu. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng “bùng nổ” số lượng cuộc thi, đi kèm với đó là hàng loạt những cuộc thi kém chất lượng cùng hàng loạt scandal của không ít hoa hậu, người đẹp, gây ra những bất an, lo ngại…

Chấn chỉnh các cuộc thi nhan sắc: Cần đề cao trách nhiệm và sự giám sát của địa phương - Anh 1

 Cuộc thi “Đại sứ hoàn mỹ” do hoa hậu Hương Giang tổ chức bị “tuýt còi” vì không được cấp phép

 Những lùm xùm này còn tạo nên nhiều hệ lụy tiêu cực khác, ảnh hưởng xấu đến môi trường văn hóa của xã hội.

“Cởi trói” các cuộc thi nhan sắc

Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Nghị định 15/2016/NĐ-CP sửa đổi đã phát huy được nhiều mặt tích cực trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Thế nhưng trên thực tế, lĩnh vực này luôn chứa đựng yếu tố mới về nội dung, hình thức, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý cần thích ứng kịp thời, nhanh nhạy, phù hợp thực tiễn và quy định của pháp luật.

Với mục đích kế thừa và hoàn thiện các quy định tại Nghị định 79 và Nghị định 15, Nghị định 144 ra đời nhằm tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để thể chế hóa những chính sách đã được Chính phủ thông qua, đáp ứng nhu cầu thực tế, thống nhất với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế. Nghị định được cho là “cởi trói” cho các cuộc thi hoa hậu, mở rộng cánh cửa theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho địa phương. Do đó, từ khi Nghị định ra đời, các hoạt động văn hóa nghệ thuật đã có nhiều chuyển biến, một số cuộc thi người đẹp, người mẫu được tổ chức nghiêm túc, góp phần xúc tiến, quảng bá du lịch, tôn vinh nét đẹp văn hóa và con người Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức được sáng tạo, thụ hưởng giá trị văn hóa, bảo đảm công tác quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động thi người đẹp vẫn còn tồn tại không ít vấn đề bất cập như: Một số doanh nghiệp hạn chế về năng lực, thiếu kinh nghiệm hoạt động dẫn đến tổ chức các cuộc thi kém chất lượng; chưa tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ để cá nhân, tổ chức lợi dụng quy định việc đăng ký bản quyền, nhãn hiệu cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đang hoạt động ổn định; chưa đảm bảo về chất lượng thí sinh dẫn đến những dư luận xấu trong xã hội; chưa thực sự là hoạt động giải trí bổ ích đối với cộng đồng… Đặc biệt, các cuộc thi người đẹp hiện nay chỉ thiên về mục đích kinh tế, chứ chưa chứng tỏ được hiệu quả quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch của các địa phương.

Nhận định về thực trạng này, Ths Lê Thị Thoa, giảng viên ngành Truyền thông, Trường ĐH FPT cho rằng, Nghị định 144 tăng tính chịu trách nhiệm, giám sát của Chủ tịch UBND tỉnh. Nhưng thực tế cho thấy, phần lớn các tỉnh đều phó mặc cho các Sở VHTTDL, Sở Văn hóa - Thể thao của địa phương mình, trong khi đội ngũ cán bộ chuyên môn lại chưa được trang bị đầy đủ nghiệp vụ cần thiết để thẩm định mục đích, uy tín, năng lực của các cuộc thi hoa hậu. Do đó, hầu như các Sở đều thả nổi và trông chờ vào đội ngũ BTC - cũng lại rất nghiệp dư. Cũng chính vì thế, đến khi xảy ra lùm xùm thì tất cả mới… ớ người. Vậy là, không chỉ loạn về số lượng hoa hậu, mà những lùm xùm, rối ren liên quan đến khâu tổ chức và hậu cuộc thi cũng khiến cơ quan quản lýnhà nước và công chúng đau đầu.

Một lý do khác khiến chất lượng các cuộc thi hoa hậu giảm sút, theo Ths Lê Thị Thoa, đó chính là nguy cơ thương mại hóa, chỉ tập trung vào quyền lợi kinh tế của BTC, các thương hiệu, nhà tài trợ… mà giảm đi các tiêu chí cần và đủ của thí sinh, như: Tôn vinh nhan sắc, tài năng, trí tuệ và các phẩm chất cá nhân tốt đẹp khác; đồng thời quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch của các địa phương.

Chung quan điểm với Ths Lê Thị Thoa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định: “Việc chuyển từ cấp phép của Bộ VHTTDL (qua Cục Nghệ thuật biểu diễn), vốn có các chuyên viên quen với công việc này, sang phân cấp xuống các địa phương có lẽ đã gặp những bỡ ngỡ nhất định (và cũng có thể là những sức ép nhất định). Các địa phương mong muốn tổ chức thi người đẹp như một cơ hội quảng bá hình ảnh, du lịch, qua đó tạo dấu ấn, lan tỏa sang phát triển kinh tế - xã hội. Tâm lý nơi kia, ngành nọ có cuộc thi người đẹp, tại sao địa phương mình, ngành mình lại không có; thêm vào đó cũng có thể có những lý do từ các công ty tổ chức sự kiện đã tìm mọi cách để tổ chức các cuộc thi, nhiều khi đơn thuần là vì lợi nhuận, ít quan tâm đến nội dung và chất lượng, dẫn đến những trục trặc, “sản phẩm” bị lỗi, gây dư luận bất an trong xã hội”.

Cảnh báo những hệ lụy đáng giật mình

Ths Lê Thị Thoa cho rằng, số lượng các cuộc thi hoa hậu trong nước bị “lạm phát” như hiện nay sẽ phát sinh nhiều hệ lụy mà các nhà quản lý cần phải lưu tâm. Trước hết, tổ chức thi sắc đẹp tràn lan sẽ tạo ra hiện tượng “đóng khung” cho công chúng về hình mẫu vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, gây áp lực lớn về ngoại hình cho phái nữ. Khi báo chí, truyền thông đưa tin quá nhiều về các người đẹp, vô hình trung, tiêu chuẩn về ngoại hình có thể tạo nên cảm giác tự ti đối với những người không có được điều đó. Ngoài ra, quá chú trọng vào các cuộc thi nhan sắc cũng khiến công chúng bị ảnh hưởng khi đánh giá người khác chủ yếu dựa trên vẻ bề ngoài, dẫn đến sự mất cân đối và thiếu công bằng trong việc định nghĩa cái đẹp, bỏ qua các yếu tố khác như trí tuệ, tài năng và phẩm chất cá nhân.

“Việc coi trọng ngoại hình và khuyến khích cạnh tranh dựa trên vẻ đẹp có thể góp phần đẩy lùi những tiến bộ của phụ nữ trong các lĩnh vực khác như giáo dục, kinh tế và chính trị... Trong khi đây lại là giá trị mà Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang nỗ lực đấu tranh vì quyền lợi của phụ nữ”, Ths Lê Thị Thoa cảnh báo.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cũng cho rằng, không ít các cuộc thi người đẹp được tổ chức chỉ để “vuốt ve” nhau, là biểu hiện của thói háo danh. Thậm chí, chỉ vì một lần muốn được ca tụng, tung hô, họ sẵn sàng vi phạm pháp luật để “làm tới”. Bên cạnh đó, cũng có không ít cuộc thi được tổ chức ra chỉ để phục vụ lợi ích cá nhân; để có được danh xưng, họ dám “xuống tay” chi số tiền khủng mua giải, dẫn đến các vụ đấu tố, vạch tội nhau ầm ĩ trên mạng xã hội.

Thẳng thắn nhìn nhận, việc phân cấp quản lý nhà nước, giao quyền, trách nhiệm thực hiện thủ tục hành chính cho địa phương là hoàn toàn đúng đắn. Thế nhưng quyền phải gắn với trách nhiệm, phải có sự thẩm định kỹ lưỡng những bộ hồ sơ xin cấp phép; tuyệt đối nói không với những cuộc thi vi phạm thuần phong mỹ tục, ý nghĩa mờ nhạt... 

 Việc chuyển từ cấp phép của Bộ VHTTDL (qua Cục Nghệ thuật biểu diễn), vốn có các chuyên viên quen với công việc này, sang phân cấp xuống các địa phương có lẽ đã gặp những bỡ ngỡ nhất định (và cũng có thể là những sức ép nhất định)…. Tâm lý nơi kia, ngành nọ có cuộc thi người đẹp, tại sao địa phương mình, ngành mình lại không có; thêm vào đó, cũng có thể có những lý do từ các công ty tổ chức sự kiện đã tìm mọi cách để tổ chức cuộc thi, nhiều khi đơn thuần chỉ vì lợi nhuận, ít quan tâm đến nội dung và chất lượng, dẫn đến những trục trặc, “sản phẩm” bị lỗi, gây dư luận bất an trong xã hội.

(PGS.TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội)

 

BẢO LINH

 

Ý kiến bạn đọc