Chương trình truyền hình trước áp lực từ nền tảng nội dung số:

Cạnh tranh hay “bắt tay”?

ĐÌNH TOÁN

VHO - Trong phát biểu tại Lễ trao giải MBC Entertainment Awards của đài MBC (Hàn Quốc) vào cuối năm ngoái, phát thanh viên Jeon Hyun-moo đã bày tỏ: “Ngay cả tôi cũng thích xem video ngắn trên điện thoại hơn là ti vi”. Cũng từ câu nói của anh này, vấn đề cạnh tranh giữa chương trình truyền hình với các nội dung trên nền tảng số tiếp tục được đặt lên “bàn cân”, để xem hai bên cần sự cộng hưởng hay cạnh tranh quyết liệt?

 Cạnh tranh hay “bắt tay”? - ảnh 1
Nhiều nhà sản xuất chọn phát hành các chương trình trên nền tảng số. Ảnh: “Đu đêm”

Chật vật tìm “lối đi chung”

Trong thời đại số, nhiều hình thức giải trí, truyền hình, truyền thông mới đã ra đời. Nếu các đài truyền hình truyền thống không áp dụng công nghệ, nâng cấp nội dung, thay đổi cách truyền tải và có sự hợp tác hài hòa, khán giả sẽ dần quay lưng để đến với những hình thức giải trí và cập nhật tin tức khác.

Ở Việt Nam, tiêu biểu cho sự cộng hưởng giữa truyền hình và nền tảng nội dung số là Đài PT-TH Vĩnh Long. Đại diện nhà đài cho biết, đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm chuyển đổi số, trong đó có giải pháp đa dạng hóa phương thức cung cấp nội dung, đưa chương trình của đài lên các nền tảng.

Không chỉ thành lập trang thông tin điện tử tổng hợp, triển khai truyền hình online, phát thanh online... mà từ năm 2014, đài đã có riêng một kênh YouTube để quảng bá, phát lại các chương trình giải trí, ca nhạc, phim truyện...

Đến nay, Đài PT-TH Vĩnh Long đã có khoảng 48 kênh YouTube, 25 Fanpage, 1 kênh Instagram, 4 kênh TikTok, 1 kênh X (trước đây là Twitter), 1 kênh Threads, 4 kênh Zalo video, 5 kênh Dailymotion. Chiến lược phát triển nội dung trên các nền tảng trực tuyến song song với truyền hình cũng được nhà đài đẩy mạnh thực hiện, nhờ đó, doanh thu năm 2023 từ riêng YouTube đã đạt 4 triệu USD.

Tương tự, nhiều đài cũng chọn cách sau khi phát trên các kênh sóng truyền hình, chương trình sẽ được phát lại trên YouTube hoặc các nền tảng số khác. Một số trích đoạn hấp dẫn, kịch tính, gây cười được biên tập lại và đăng tải phục vụ công chúng. Tuy nhiên, vấn đề cũng phát sinh từ đây khi khán giả dần chuyển hướng sang cầm điện thoại xem trích đoạn, thay vì thói quen ngồi trước ti vi, xem cả chương trình từ đầu đến cuối như trước đây.

Nắm bắt thị hiếu của đông đảo người xem, nhiều nhà sản xuất đã chuyển sang làm các chương trình giải trí trên nền tảng số, chất lượng không thua kém gì các chương trình được sản xuất bởi nhà đài khi từ hình ảnh đến góc quay được đầu tư khá chỉn chu. Bối cảnh cũng được đầu tư thiết kế, tạo ấn tượng về thẩm mỹ và thị giác. Một lần nữa, chương trình giải trí truyền hình tiếp tục đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các nền tảng nội dung số.

 Cạnh tranh hay “bắt tay”? - ảnh 2
Đài PT-TH Vĩnh Long hợp tác với các đối tác chuyên nghiệp để phát triển nội dung trên kênh YouTube

Tăng tính kết nối

Trong thời đại mạng xã hội, nội dung số mang lại trải nghiệm tiêu thụ nội dung nhanh cho khán giả, các đài PT-TH trên cả nước đang rơi vào thế khó trong bài toán tăng trưởng. Không thể phủ nhận, các nền tảng có lựa chọn phong phú hơn, nhất là trong thời điểm nhiều kênh truyền hình trả tiền đã rút khỏi thị trường Việt Nam. Khi xem trên các nền tảng này, khán giả cũng chỉ phải xem rất ít quảng cáo, thậm chí là chỉ cần bỏ ra khoản tiền nhỏ để nền tảng tắt chế độ quảng cáo.

Thế nhưng, không phải chương trình nào được sản xuất, phát hành trên không gian mạng cũng “được lòng” khán giả. Không bị hạn chế về thời lượng, khâu kiểm duyệt lỏng lẻo nên nhiều chương trình thể hiện lối tư duy “rẻ tiền”, khai thác chuyện nhạy cảm câu view để rồi bị khán giả chỉ trích; nhất là các show về hẹn hò. Thay vì nhận lỗi, một số nhà sản xuất “lì lợm”, tiếp tục sản xuất các nội dung tương tự.

Từ những điều “được” và “mất”, nhà đài, nhà sản xuất và các nền tảng mạng xã hội cần những cú bắt tay với chiến lược cụ thể hơn thay vì nghĩ cách đánh bật đối thủ. Đài PT-TH Vĩnh Long đã thành công khi coi mạng xã hội như cách để tạo sức lan tỏa cho các chương trình của mình.

Nhờ sự kiểm duyệt chặt chẽ, cộng với sức ảnh hưởng của các nền tảng, các chương trình của đài thu hút hàng triệu lượt xem và đăng ký kênh. Bài toán kinh tế cũng được giải phần nào.

Bên cạnh hợp tác trong quảng bá, các đài PT-TH cũng nên xác định, phải tận dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (big data) của các nền tảng để nâng tầm chất lượng chương trình, mở rộng đối tượng phục vụ.

Thực tế, nhiều đài truyền hình ở Việt Nam vẫn chưa nhận thức đúng về sản xuất chương trình truyền hình trong bối cảnh xuyên biên giới hiện nay, không hợp tác với các nền tảng để phát triển nội dung dẫn đến các chương trình bị “co cụm” đối tượng khán giả, chỉ phát trong phạm vi nhỏ hẹp. Về phía các nền tảng, khi đăng tải nội dung của đài cũng cần tăng cường các giải pháp chống vi phạm bản quyền để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của đôi bên và chính khán giả.

Tờ Korea Times dẫn lời của nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Sung-soo: Các đài truyền hình nên hợp tác nhiều hơn trong sản xuất và giám sát nội dung. Khâu sản xuất có thể kết hợp giữa nhà đài và các đơn vị bên ngoài; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phân phối chương trình trên các kênh sóng cùng với website, nền tảng, tránh việc quá tách biệt giữa truyền hình và các nền tảng mạng xã hội.