Cần nghiêm khắc với nghệ sĩ quảng cáo “vô tội vạ”
VHO - Đó là phản ánh của đông đảo người dân trước tình trạng hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng nhận lời quảng cáo vô tội vạ cho các nhãn hàng mà không có sự kiểm chứng về nguồn gốc, công dụng, giá trị thực của sản phẩm. Phần lớn ý kiến cho rằng, đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước cần có chế tài mạnh tay hơn để răn đe, xây dựng môi trường trong sạch trong hoạt động quảng cáo và giữ gìn hình ảnh tốt đẹp của giới văn nghệ sĩ, không thể để những “con sâu cứ mãi làm rầu nồi canh” như vậy.
Vì lợi ích bản thân mà một số nghệ sĩ quên rằng mình là người có tầm ảnh hưởng và có trách nhiệm với cộng đồng (Ảnh chụp màn hình)
Phải chăng “xin lỗi” là xong?
Mới đây nhất, diễn viên Cát Tường lên tiếng trên trang cá nhân xin lỗi khán giả vì đã quảng cáo “sữa có tác dụng trị tiểu đường” sai sự thật, khiến dư luận bức xúc. Theo đó, hồi đầu năm, Cát Tường nhận lời PR một nhãn hàng với thông tin “sản phẩm có thể thay thế thuốc trị bệnh tiểu đường”. Tuy nhiên, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đây chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hoàn toàn không có tác dụng chữa bệnh. Nữ diễn viên phân trần: “Nhiều tháng qua, tôi khủng hoảng vì liên tục bị cộng đồng mạng phản ứng gay gắt vì quảng cáo quá lố, thổi phồng công dụng loại sữa này. Nhiều người bảo tôi tiếp tay cho lừa đảo. Tôi muốn nhận trách nhiệm về lỗi lầm của bản thân, mong dư luận cho cơ hội sửa sai”…
Theo Cát Tường, trước khi nhận lời quảng cáo cho thương hiệu sữa, cô cũng đã kiểm tra giấy phép của sản phẩm, đồng thời thừa nhận chủ quan khi quảng cáo sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. “Tôi đã sai khi lấy uy tín bản thân ra đảm bảo cho chất lượng, công dụng của sản phẩm”, diễn viên cho biết và hứa sẽ cố gắng làm tốt để bù đắp những cái sai đã làm, còn những gì không phải xin mọi người hiểu cho việc làm của mình, tất cả chỉ vì mưu sinh.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội và các diễn đàn truyền thông, hàng trăm bình luận bày tỏ sự thất vọng trước việc làm của Cát Tường: “Chị có còn ít tuổi đâu mà không biết rằng chữa bệnh nặng chỉ có thuốc, không thể uống sữa mà hết được”; “Tại sao khi khán giả lên tiếng, chị không xin lỗi ngay mà chờ kết thúc hợp đồng?”; “Có thể trong nhiều tháng qua, cả nghìn sản phẩm đã được bán. Vì lợi ích bản thân mà quên đi mình là người có tầm ảnh hưởng và có trách nhiệm với cộng đồng…”; “Cứ sai rồi xin lỗi thì ai cũng làm được. Nghệ sĩ phát ngôn tùy tiện, quảng cáo bát nháo vô tội vạ làm ảnh hưởng bao nhiêu người. Tôi nghĩ nên xử lý mạnh”…
Hồi tháng 2, Cục An toàn thực phẩm nêu thực trạng nhiều nhãn hàng bị phát hiện vi phạm quy định như quảng cáo thổi phồng tác dụng, gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh. Cục này đề nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, chưa qua thẩm định của cơ quan chức năng; có biện pháp mạnh với Facebook, Google, YouTube… yêu cầu họ thực hiện nghiêm pháp luật Việt Nam về quảng cáo; đề nghị Bộ VHTTDL tuyên truyền quy định về quảng cáo…
Trao đổi với Văn Hóa, soạn giả Hoàng Song Việt trăn trở: “Theo tôi, quảng cáo không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng là sai lầm nghiêm trọng. Ngoài lời xin lỗi của đương sự thì cơ quan chức năng sẽ có ý kiến và biện pháp xử lý, nhẹ hay nặng tùy mức độ vi phạm”. Soạn giả cho rằng, việc nghệ sĩ tham gia quảng cáo cũng là chức năng hoạt động nghề nghiệp, ai cũng thông cảm cho việc lao động kiếm sống, nhưng phải có trách nhiệm. Nếu bản thân không đủ kiến thức và kỹ năng thẩm định, nghệ sĩ nên tham vấn những hội nghề nghiệp, cơ quan chuyên môn, luật sư...
Nhà nước cần ban hành thêm các quy định về pháp luật để chấn chỉnh tình trạng quảng cáo vô tội vạ. Đây chính là hàng rào an toàn để bảo vệ cho cả người đang hoạt động quảng cáo lẫn người tiêu dùng. Đừng thấy như vậy mà cho rằng cơ quan chức năng làm khó nghệ sĩ. Có văn bản pháp luật chỉ dẫn được làm gì và không được làm gì, thì sẽ không còn tình trạng “đổ thừa” rằng không nắm được quy định, không rành Luật nên mới sai, và lại tiếp tục xin lỗi như một câu chuyện không hồi kết… (Soạn giả HOÀNG SONG VIỆT) |
Sai về văn hóa sẽ rất khó khắc phục, sửa chữa
Tiếp cận từ góc độ văn hóa, TS Trịnh Đăng Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM phân tích: Hoạt động nào cũng cần có ba giá trị lớn là chân - thiện - mỹ. Khi chúng ta đưa một thông tin ra để khuyến khích mọi người lựa chọn, nếu hành xử “đúng, tốt, đẹp” thì nó sẽ tạo ra giá trị, nâng bản thân mình lên, với tư cách là người cung cấp thông tin hữu ích. Còn ngược lại, nếu làm sai thì cái giá phải trả trước tiên là bản thân mình không còn được tôn trọng, tiếp đến là làm tổn hại cho xã hội. “Không có cái đẹp nào bắt đầu bằng sự giả dối, nghĩa là sẽ không có “cái mỹ” nếu như không có “cái chân”. Và khi có được mỹ, chân thì cũng cần có cái thiện, đó mới là văn hóa. Ở câu chuyện này, chúng ta nói đến văn nghệ sĩ - những người tạo ra cái đẹp cho cuộc đời. Hơn ai hết, họ là người hiểu rõ nhất mình đang làm gì. Sau những quảng cáo không đẹp, không tốt, không đúng, công chúng sẽ đánh giá thấp cá nhân nghệ sĩ. Đó là hậu quả lớn nhất cho hành động của mình gây ra”, TS Trịnh Đăng Khoa nhấn mạnh.
Một số bình luận bày tỏ bức xúc về sản phẩm quảng cáo quá lố của diễn viên Cát Tường (Ảnh chụp màn hình)
Soạn giả Hoàng Song Việt cũng chia sẻ thêm, hiện nay hình thức quảng cáo rất đa dạng. Trên mạng xã hội, bất cứ cá nhân nào cũng có thể tham gia và thu hút người xem, mua sản phẩm. Đối với nghệ sĩ và những người nổi tiếng, việc này càng dễ dàng hơn. Khi quảng cáo, họ chính là bảo chứng cho sản phẩm, người mua hầu như chỉ quan tâm đến tầm ảnh hưởng của nghệ sĩ để đánh giá mặt hàng. Và nếu như sản phẩm đó gây hại cho người tiêu dùng thì xin lỗi bao nhiêu cũng không bù đắp nổi!
Một nhà quản lý văn hóa khác bày tỏ, bên cạnh góc độ quy định pháp luật thì xét ở góc độ xã hội, công chúng cũng là kênh thông tin quan trọng, khi phát hiện sai trái của nghệ sĩ, khán giả có quyền tẩy chay, quay lưng. “Lời nói chỉ có một chiều, như mũi tên bắn đi, chúng ta làm sai phải xin lỗi là đương nhiên, nhưng điều đó cũng không thể bù đắp được việc người tiêu dùng đã mua và sử dụng sản phẩm lỗi, thậm chí độc hại. Vì thế, nghệ sĩ tham gia hoạt động quảng cáo cần có sự giám sát, kiểm tra của nhiều bên, đồng thời bản thân họ cũng phải tự răn đe và nghiêm khắc với mình. Trên sân khấu có thể là “ông hoàng bà chúa”, nhưng ngoài xã hội ai cũng là công dân và bình đẳng trước pháp luật”, vị này nói.
Bà Dương Cẩm Thúy, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM chia sẻ với Văn Hóa: “Nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo không đúng sự thật là điều hết sức đáng tiếc. Họ được công chúng yêu mến và thần tượng, ít nhiều có sức ảnh hưởng đến xã hội, do vậy cần hết sức chú ý việc phô diễn hình ảnh của mình, đặc biệt là thông qua quảng cáo. Tôi mong muốn khi nghệ sĩ nhận lời mời quảng cáo cho sản phẩm nào đó, đặc biệt là sản phẩm về thực phẩm, dinh dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng thì phải cực kỳ thận trọng, có hợp đồng, cam kết về mặt chất lượng, đòi hỏi đủ điều kiện đảm bảo mới nhận lời”.
Ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TP.HCM cũng cho biết Ban Tuyên giáo TP thường xuyên nhận được phản ánh của người dân về vấn đề này. “Chúng tôi đã ban hành văn bản đề nghị Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM nhắc nhở các hội chuyên ngành về vấn đề nghệ sĩ quảng cáo, phát ngôn trước công chúng, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội. Không thể quảng cáo những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ khiến người sử dụng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng”, ông Nguyễn Thọ Truyền nói.
Soạn giả Hoàng Song Việt mong muốn: “Nhà nước cần ban hành thêm các quy định về pháp luật để chấn chỉnh tình trạng quảng cáo vô tội vạ. Đây chính là hàng rào an toàn để bảo vệ cho cả người đang hoạt động quảng cáo lẫn người tiêu dùng. Đừng thấy như vậy mà cho rằng cơ quan chức năng làm khó nghệ sĩ. Có văn bản pháp luật chỉ dẫn được làm gì và không được làm gì, thì sẽ không còn tình trạng “đổ thừa” rằng không nắm được quy định, không rành Luật nên mới sai, và lại tiếp tục xin lỗi như một câu chuyện không hồi kết…”.
THÙY TRANG