Văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng và xã hội: Sức lan tỏa từ những câu chuyện tử tế

VHO- Giữa cơn bão đại dịch Covid-19, cộng đồng một lần nữa lại được chứng kiến nhiều hành động, nghĩa cử cao đẹp, cùng giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn. Sự ấm áp của tình người, từ những suất cơm, chai nước, ổ bánh mì miễn phí đến những cây ATM gạo, tiệm rau tình thương, siêu thị 0 đồng, quán ăn miễn phí cho người nghèo, người yếu thế... đang lan tỏa rộng rãi sức mạnh của tình đoàn kết.

Văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng và xã hội: Sức lan tỏa từ những câu chuyện tử tế - Anh 1

 Hằng ngày, hằng giờ, trên những con đường, ngõ nhỏ hay giữa trung tâm đô thị, chúng ta đều dễ dàng bắt gặp những hành động giúp đỡ, sẻ chia giữa người với người

 Giữa tâm lý lo lắng, hoang mang vì những tác động của dịch bệnh quá lớn, đặc biệt tại khu vực các tỉnh phía Nam, trong cộng đồng cũng thường xuyên chia sẻ những hình ảnh đẹp về văn hóa ứng xử từ mọi người dân. Hằng ngày, hằng giờ, trên những con đường, ngõ nhỏ hay giữa trung tâm đô thị, chúng ta đều dễ dàng bắt gặp những hành động giúp đỡ, sẻ chia giữa người với người. Những hành động giản dị, chân thành đã góp phần tạo nên những hiệu ứng tích cực trong xã hội.

Những hành vi ứng xử đẹp

Những suất ăn, thùng nước mát, tủ bánh mì đặt bên đường với dòng chữ “Ai cần thì đến lấy”; những siêu thị, cửa hàng, quán ăn 0 đồng… không chỉ là hành động thiện nguyện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn mà từ đó còn tạo sức lan tỏa của lòng nhân ái, yêu thương, một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt. Trong những hoàn cảnh đặc biệt, những giá trị nhân ái, sẻ chia ấy lại trỗi dậy, mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Các trang mạng xã hội những ngày qua lan tỏa hình ảnh MC Quyền Linh tất bật đi làm từ thiện tại TP.HCM. Hình ảnh người nghệ sĩ giản dị, hết lòng cống hiến và sẻ chia với cộng đồng đã mang lại những hiệu ứng lớn, bởi đó là những việc làm xuất phát từ trái tim. Nhiều bếp ăn do các nghệ sĩ khởi xướng cũng đã được thành lập, hỗ trợ hàng ngàn suất ăn cho người dân đang gặp khó khăn. Bếp ăn Thương Sài Gòn do Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh tổ chức với sự đồng hành của nhiều nghệ sĩ, tình nguyện viên, các nhà hảo tâm cũng đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ. Mỗi ngày, bếp nấu khoảng hơn 1.000 phần cơm để gửi đến các bệnh nhân tại một số bệnh viện, nhân viên y tế, người dân tại khu cách ly và những người lao động đang gặp khó khăn...

Tạo nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường còn là những người dân bình dị. Bà Lê Thị Kim Loan (phường 15, quận Tân Bình) hằng ngày tổ chức nấu và phát hàng trăm suất cơm cho người dân khu vực phong tỏa; cung cấp nước uống cho lực lượng trực chốt; phát quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; “tổ chức gian hàng 5 ngàn” người dân khó khăn, khu cách ly; giải cứu nông sản cho các tỉnh gặp khó khăn… Gia đình ông Nguyễn Ngọc Hiệp (phường 11, quận Bình Thạnh) tổ chức “Gian hàng 0 đồng” hỗ trợ trên 6 tấn rau củ quả và các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày; phục vụ hơn 1.550 người đang sống trong khu vực phong tỏa. Anh Nguyễn Anh Tài (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) đã vận động gia đình, hàng xóm và bạn bè tham gia nấu bếp hỗ trợ các suất ăn chay cho người dân quận Tân Phú và người dân TP đang gặp khó khăn vì dịch bệnh...

Mỗi việc làm tử tế đều là một câu chuyện cảm động. Chuyện quán cơm 5.000 đồng giúp người nghèo vượt dịch Covid-19 của ông Vũ Trung Dũng ở TP Cần Thơ cũng mang đến nhiều xúc cảm khi quán cà phê của ông trong những ngày dịch đã được nhiều người nghèo biết đến như một địa chỉ của sự sẻ chia ấm áp. Mỗi ngày, quán mở cửa từ 11 - 14h, phục vụ hơn 200 phần ăn. Một nhân vật khác cũng gây ấn tượng mạnh với cộng đồng mạng trong những ngày qua là ông chủ “tiệm rau tử tế” - anh Phạm Hồng Minh, còn được dân cư mạng yêu mến đặt tên là Minh Râu. Người đàn ông này là chủ một sạp rau củ tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), gây ấn tượng với cách bán hàng khá độc đáo, cùng với tấm biển lớn: Bán rau miễn phí cho sinh viên và công nhân. Không chỉ nổi tiếng bởi câu chuyện “tiệm rau tử tế”, anh Minh Râu còn tiếp tục gây sốt trên cộng đồng mạng khi thông báo “free” 2 tháng cho người thuê nhà. Hành động “nghĩa khí” của người đàn ông này cũng nhận về nhiều lời khen ngợi.

Lan tỏa những giá trị tích cực, nhân văn

Có thể kể ra không ít những việc làm, hành động đẹp, những câu chuyện tử tế như vậy. Bằng những việc làm cụ thể, sự hỗ trợ sức người, sức của của các tổ chức, cá nhân không chỉ tăng thêm nguồn lực chống dịch, mà còn là biểu tượng sinh động của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái đang lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội.

Cùng với những “đốm lửa” của tinh thần nhân ái đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên mọi nẻo đường ở các tỉnh, thành phía Nam, tại các tỉnh phía Bắc, nhiều nghĩa cử cao đẹp, vì cộng đồng cũng đã được ghi nhận. Đó là 200 cán bộ y tế tỉnh Quảng Ninh lên đường giúp Bắc Giang chống dịch; là hàng trăm cán bộ y tế của Hà Nội, trong đó có rất nhiều y, bác sĩ giỏi đã về các điểm nóng Covid-19 để hỗ trợ chuyên môn; là hàng trăm sinh viên khối các trường đại học Y, Dược; hàng nghìn cán bộ chiến sĩ quân đội; những cán bộ y tế nghỉ hưu tình nguyện lên đường giúp người dân chống dịch…

Với tâm niệm từ thiện để sẻ chia yêu thương, những việc làm nhỏ mà ý nghĩa này chính là hạt nhân để lan tỏa những giá trị tích cực, nhân văn ra toàn xã hội. Gian bếp 0 đồng của nghệ sĩ Hữu Quốc ở TP Hồ Chí Minh là một mô hình đã hoạt động tất bật suốt nhiều ngày qua. Nghệ sĩ chia sẻ mong muốn mô hình bếp ăn từ thiện sẻ chia yêu thương của mình sẽ cùng TP Hồ Chí Minh quyết tâm vượt qua và chiến thắng đại dịch. Hay như bếp ăn do CLB Suối mát từ tâm và Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có sự tham gia của Hoa hậu Tiểu Vy, Á hậu Kiều Loan, Phương Anh, Ngọc Thảo chung tay, góp sức... cũng đã phát hơn 1.500 suất ăn vào trưa và chiều mỗi ngày; tập trung hỗ trợ các nhân viên y tế, lực lượng làm nhiệm vụ truy vết các trường hợp F1, F0, người dân tại các điểm cách ly, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ bữa cơm cho xe ôm công nghệ... Từ những việc làm ý nghĩa, những hành vi nhân ái đã nhận được sự ủng hộ, sẻ chia từ cộng đồng. Nhóm từ thiện Hoa Tâm ở TP Hồ Chí Minh, ban đầu chỉ nấu khoảng 500 phần ăn/ngày, đến nay đã tăng lên khoảng 1.200 phần để chuyển đến tận tay người dân ở một số khu cách ly, những người lao động tự do không còn nguồn thu nhập. Thấy nhóm làm việc ý nghĩa, nhiều người đã góp thêm kinh phí để mở rộng quy mô bếp ăn...

Và còn rất nhiều nữa những điều ấm áp như thế. Đặc biệt hơn cả là tất cả những sẻ chia, đóng góp đó đều đến từ sự tự nguyện, từ tấm lòng thiện lương của mỗi người dân, chung tay vì sự an bình cho đất nước. Tinh thần đoàn kết, thái độ chia sẻ và trách nhiệm với xã hội ấy chính là sức mạnh góp phần giúp lực lượng phòng, chống dịch thêm vững tâm, tin tưởng; đồng thời nhân lên sức mạnh của cả dân tộc trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đầy gian nan, thử thách. Như lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói: “Đại dịch Covid-19 là dịp để chứng minh rằng, nếu tất cả các tổ chức, mọi người dân ở một cộng đồng, một quốc gia và trên toàn thế giới cùng đoàn kết, nắm tay nhau thì chúng ta có thể vượt qua những thách thức rất lớn đối với toàn nhân loại”. 

 Yêu cầu tạm thời không tổ chức đám cưới, vì cộng đồng

Đó là một trong những nội dung được chú ý tại Công điện số 15/CĐ-CTUBND vừa được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước. Công điện yêu cầu người dân sẽ chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết và đi làm; không tổ chức đám cưới; đám tang tổ chức không quá 30 người và phải được cơ quan y tế tại nơi tổ chức giám sát nghiêm ngặt.

Việc dừng lại những ngày vui trọng đại là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay thì đó là điều cần thiết và cũng được xem là một hành vi ứng xử đẹp vì cộng đồng. MINH NGỌC

BẢO PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc