Ứng xử trong gia đình: Thừa Thiên Huế phát động triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

VHO- Trong 2 ngày (6.9 & 8.9), Sở VHTT và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các địa phương phát động triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Hai địa bàn được triển khai thí điểm, gồm: thôn Bồ Hòn, xã Bình Thành (thị xã Hương Trà)- là địa phương đại diện cho khu vực miền núi; và tổ dân phố 7, phường Phú Thuận (TP.Huế) là đại diện cho vùng đồng bằng.

Rất cần thiết cho mỗi gia đình

Gia đình là một thiết chế đặc biệt trong xã hội. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở VHTT nhấn mạnh: Bộ VHTTDL đã ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình với 4 nội dung cụ thể: tiêu chí ứng xử của vợ chồng; tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, của cháu với ông bà; tiêu chí ứng xử anh chị em trong gia đình. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức hơn nữa về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình; hướng tới sự ổn định, văn minh trong xã hội; góp phần đưa các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam vào đời sống gia đình hiện đại trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Ứng xử trong gia đình: Thừa Thiên Huế phát động triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình - Anh 1

Đông đảo đại diện các gia đình tham gia lễ phát động triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại phường Phú Thuận sáng 8.9

"Từ buổi phát động này, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành của địa phương thường xuyên quan tâm, chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình bước vào cuộc sống của cộng đồng dân cư. Chúng tôi cũng hy vọng rằng tập thể cán bộ và nhân dân ở 2 địa bàn thí điểm sẽ triển khai bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, nhằm tạo ra những thay đổi tích cực, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc. Từ đó nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian đến"- ông Bình nói.

Tại buổi phát động ở tổ dân phố 7, phường Phú Thuận vào sáng ngày 8.9, rất đông đại diện các hộ gia đình đã cùng tham gia, và trong đó cũng có rất nhiều cụ ông, cụ bà.

Ứng xử trong gia đình: Thừa Thiên Huế phát động triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình - Anh 2

Nhiều cụ ông, cụ bà quan tâm đến nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

Bà Nguyễn Thị Lộc, 63 tuổi chia sẻ: những nội dung của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình rất quan trọng, có ích và cần thiết cho mỗi gia đình, cho từng thành viên trong gia đình. Trong môi trường xã hội như hiện nay, phát triển nhưng cũng kèm theo nhiều mặt tiêu cực, nhất là lối ứng xử với nhau. Bản thân tôi là phụ nữ, cũng là người vợ, người mẹ, người bà nên tôi rất quan tâm để thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Ứng xử trong gia đình: Thừa Thiên Huế phát động triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình - Anh 3

Ký bản cảm kết triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trên địa bàn phường Phú Thuận

Tại buổi phát động, trước sự chứng kiến của lãnh đạo các ngành, chính quyền địa phương và đông đảo người dân, đại diện của các tổ dân phố trên địa bàn phường Phú Thuận và các đoàn thể đã cùng ký bản cam kết thực hiện triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Bình đẳng ngay từ bữa cơm gia đình

Đó là chia sẻ của TS. Hoàng Thu Thủy, công tác tại Trưởng CĐ Sư phạm Huế về những nội dung trong ứng xử của vợ chồng tại buổi sinh hoạt chuyên đề "Tiêu chí ứng xử vợ chồng : chung thủy, nghĩa tình" do Sở VHTT và Hội Liên hiện Phụ nữ tỉnh tổ chức ngày 8.9 tại phường Phú Thuận (TP.Huế).

Chị Thủy bắt đầu câu chuyện của chính gia đình mình, để muốn gửi gắm đến các ông chồng bà vợ rằng : chung thủy, nghĩa tình thì phải có quyền bình đẳng nghĩa vụ vợ chồng. Quyền bình đẳng không nhất thiết vợ làm nhiều việc nhà thì chồng cũng phải làm thật nhiều việc nhà ; mà chỉ cần chồng hỗ trợ một phần việc nhà cho vợ. Và bình đẳng nhỏ nhất và cũng quan trọng nhất là bắt đầu từ chính bữa cơm gia đình. "Như gia đình tôi, cả hai vợ chồng đi làm cả. Chiều tan ca, vợ còn phải vào bếp nấu ăn. Nếu, hôm nào làm việc mệt mỏi rồi mà nhìn cảnh chồng ngồi xem ti vi, con ngồi máy tính để chờ mâm cơm là mình cũng bực thêm. Chính vì thế, cả gia đình đều xuống bếp : chồng tôi thì rửa rau, con tôi thì bóc hành tỏi. Dù việc nhỏ, nhưng dần thành quen và giờ chồng tôi rửa rau sạch nhất nhà, con tôi bóc hành cũng không bị cay mắt nữa… Bữa cơm gia đình lúc nào cũng trở nên ngon hơn"- chị Hoàng Thu Thủy kể.

Ứng xử trong gia đình: Thừa Thiên Huế phát động triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình - Anh 4

Người dân tham gia sinh hoạt chuyên đề về ứng xử trong gia đình ở phường Phú Thuận, TP.Huế

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, có nhiều yếu tố tác động nên việc giữ gìn chung thủy cũng phải được coi trọng. Tiêu chí chung thủy trong mối quan hệ ứng xử vợ chồng được thể hiện rõ qua sự yêu thương, gắn bó. Có nhiều phụ nữ biết chồng sẽ về rất muộn nhưng vẫn đợi để cùng ăn bữa cơm. Một vài lần, người chồng sẽ cảm thấy thương yêu vợ hơn, tự bỏ các cuộc nhậu hay điều chỉnh thời gian làm việc hợp lý để về ăn cơm tối cùng vợ. Thực tế là có khi người phụ nữ đã ăn cơm trước rồi, nhưng họ vẫn đợi và ăn lại cùng chồng. Chỉ một hành động cư xử tinh tế như vậy đã thể hiện tình cảm quan tâm, yêu thương và gắn bó giữa vợ chồng.

TS. Hoàng Thu Thủy cho biết kinh nghiệm gìn giữ gia đình trong hơn 20 năm qua chính là học theo thuyết thiền vô vi, nghĩa là yên lặng và lắng nghe. Người phụ nữ biết yên lặng thì gia đình mới yên ổn.

 SƠN THÙY

Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thực hiện

Ý kiến bạn đọc