Ứng xử trong gia đình: Nhói lòng trước “Giấc mơ gia đình”

VHO- Với 3 chủ đề: Cuộc sống không bình yên; Khi con tìm thấy nụ cười và Những ước mơ nhỏ bé, triển lãm “Giấc mơ gia đình” nói lên tiếng lòng của những đứa trẻ sớm bị thiệt thòi. Thông qua những hình ảnh và tư liệu được sắp xếp khéo léo trong triển lãm khiến người xem phải nhói lòng vì những hoàn cảnh thiếu may mắn.

Ứng xử trong gia đình: Nhói lòng trước “Giấc mơ gia đình” - Anh 1

Xúc động với những câu chuyện được chia sẻ tại triển lãm

 Nhân dịp kỷ niệm Ngày phụ nữ Việt Nam 20.10, ngày Quốc tế Trẻ em gái 11.10; hưởng ứng chủ đề năm “An toàn cho Phụ nữ và Trẻ em” và thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” của Hội LHPN Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức triển lãm “Giấc mơ gia đình”. Triển lãm phản ánh một vấn đề tuy không mới nhưng luôn thu hút được sự quan tâm của xã hội đó là vấn đề về trẻ em.

Trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương và đôi khi những tổn thương ấy lại đến chính từ nơi gọi là “gia đình” do hệ quả đáng tiếc của nhiều vấn đề xã hội như: Bạo lực, mang thai ngoài ý muốn, thiếu thốn kinh tế, bệnh tật, ly hôn… 20 đứa trẻ - những nhân vật chính trong triển lãm “Giấc mơ gia đình” dù ở các độ tuổi khác nhau, đến từ nhiều vùng miền như: Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa nhưng các em lại có cùng một điểm chung đó là cuộc sống thiếu vắng tình yêu thương của mẹ, cha có em tuổi thơ sống cùng với ông bà, cô chú, có em lại ở trong những trung tâm bảo trợ, trong sự bao bọc của những nhà hảo tâm.

Để thực hiện triển lãm này, những người thực hiện đã tốn nhiều công sức trong việc tiếp xúc, khơi gợi tình cảm, lòng tin ở các nhân vật để các em có thể nói lên những câu chuyện mà ít khi chia sẻ cùng ai. “Giấc mơ gia đình” của những đứa trẻ thiếu may mắn thực sự rất xa vời. Cuộc sống không bình yên ấy đã khiến các em ấp ủ trong mình những giấc mơ nhiều khi vô cùng nhỏ bé và đầy xót xa. “Khi em 2 tuổi bố mất, mẹ bỏ đi lấy chồng, em ở với ông bà nội. Đến tuổi đi học, em không được đi học, hằng ngày phải đi chăn trâu, lấy củi. Có lần em ốm nặng ông, bà cho đi khám, bác sỹ giữ lại viện để điều trị nhưng vì không có tiền nên bà cho em về. Những lúc đó con thèm lắm có mẹ ở bên”, đó là lời nói của em Thào A Lềnh, sinh năm 2000 (Yên Bái). “Có lần con đi ra biển, nhìn thấy những gia đình đi du lịch, các bạn tầm tuổi con được bố mẹ ôm vào lòng. Các bạn ấy có đầy đủ bố mẹ, con thì không. Khi đi học, giờ ra chơi, con ngồi một mình trong lớp vì không ai muốn chơi với con. Những lúc ấy con đành lấy sách vở ra ngồi chép cho quên đi”, em Phan Trần Kim Hồng, sinh năm 2004, Nha Trang chia sẻ. Hay hoàn cảnh của em Trần Hữu Hùng, sinh năm 2007 ở Hưng Yên, cậu bé bất hạnh mất mẹ dưới bàn tay vô thức của người cha tâm thần. Em chỉ mơ rằng: “Con ước mẹ con sống lại, để con được gặp mẹ, ôm mẹ. Con chưa bao giờ được ôm mẹ cả”.

Cùng với việc kể cho công chúng về hoàn cảnh và ước mơ của những mảnh đời thiệt thòi, triển lãm “Giấc mơ gia đình” cũng cho thấy sự chung tay của cộng đồng trong việc đồng hành, giúp đỡ, mang lại một tương lai tươi sáng và một cuộc sống an toàn cho trẻ. Đó là Gia đình trẻ em mồ côi “Xa mẹ” của ông Tiến, bà Oanh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã nuôi dạy hơn 600 đứa trẻ mồ côi trong suốt 30 năm qua; là trường Trung cấp Kinh tế Du lịch Hoa Sữa với nhiệm vụ giúp thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật có cơ hội học nghề, tạo dựng cuộc sống độc lập, bình đẳng và được coi trọng trong xã hội; là Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam với chương trình Thắp sáng ước mơ, hỗ trợ và tặng nhiều suất học bổng tới các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn để các em có thể tiếp tục được đi học.

“Tôi không cho cân gạo, cái áo hay mấy trăm nghìn… mà tôi cho chúng kiến thức và cái nghề. Tôi còn dõi theo khi chúng lấy vợ, lấy chồng và dạy con như thế nào. Rất nhiều cháu tôi nuôi lớn lên lấy vợ, lấy chồng và cho con học ở trường quốc tế”, ông Vũ Tiến Chủ nhiệm Gia đình trẻ em mồ côi “Xa mẹ” cho biết. n

HƯƠNG NGUYỄN

Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thực hiện

Ý kiến bạn đọc