Ứng phó với rủi ro của trẻ em trên môi trường mạng

VHO- Hiện nay, các gia đình nói chung và trẻ em nói riêng cần tới mạng Internet nhiều hơn để duy trì việc học tập, kết nối với cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, song song đó, nguy cơ trẻ em bị ảnh hưởng tiêu cực bởi môi trường số cũng tăng lên. Đây là vấn đề được đề cập tại Hội thảo Trẻ em trong thế giới số - Giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội do Bộ LĐ,TB&XH phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức vừa qua tại Hà Nội.

Ứng phó với rủi ro của trẻ em trên môi trường mạng - Anh 1

Nguy cơ trẻ em bị ảnh hưởng tiêu cực bởi môi trường số đang ngày càng tăng Ảnh minh họa

Trong thế giới số, tình trạng trẻ bị bắt nạt đã có nhiều thay đổi; không chỉ bị bắt nạt trực tiếp, bị hành hung mà còn bị xâm hại, bạo hành bởi những bình luận chế giễu, chỉ trích, miệt thị hay bình luận ác ý, thậm chí công kích, đe dọa, làm mất mặt hoặc bị xuyên tạc thông tin… Thủ phạm có thể là người không quen biết, do tính ẩn danh, mạo danh và khả năng phát tán thông tin nhanh tới mức chóng mặt.

Ông Lê Nhật Thịnh, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, Bộ Công an phối hợp với công an địa phương đã điều tra xác minh xử lý 135 vụ việc các đối tượng sử dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội liên quan đến trẻ em, trong đó có 116 vụ việc liên quan đến xâm hại bạo lực trẻ em, 16 vụ việc liên quan đến phát tán thông tin cá nhân về trẻ em… Công an cũng đã ngăn chặn khoảng 10.000 trang mạng có nội dung đồi trụy, độc hại đối với trẻ em. Nhiều đối tượng sử dụng thông tin của trẻ để thực hiện hành vi phạm tội như gọi điện cho phụ huynh học sinh để nói các em bị bắt cóc… “Nhiều đối tượng phạm tội dưới 18 tuổi, nhận thức pháp luật hạn chế. Do đó, chúng ta cần phòng hơn chống, đẩy mạnh hơn nữa phối hợp kết nối giữa các bên như Bộ LĐ,TB&XH, Bộ GD&ĐT, các hiệp hội và tổ chức bảo vệ trẻ em tại Việt Nam để xây dựng các biện pháp toàn diện và hiệu quả trong việc bảo vệ trẻ em nói chung, đặc biệt là bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng nói riêng”, ông Lê Nhật Thịnh nhấn mạnh.

Đề cập đến các giải pháp để bảo vệ trẻ em, các đại biểu cho rằng, phải có ứng phó quốc gia, điều phối toàn diện để bảo vệ trẻ em trực tuyến. Cần huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào các hoạt động nhằm bảo vệ trẻ em, trong đó có trách nhiệm của các công ty công nghệ trong việc ngăn chặn, lọc, xóa các tài liệu liên quan đến bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH), bảo vệ trẻ không phải là trách nhiệm của một Bộ, ngành, cơ quan nào mà là sự chung tay của tất cả các bên liên quan, trong đó nhấn mạnh vai trò của cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Bên cạnh đó, nhằm tăng cường khả năng phòng ngừa và ứng phó với những rủi ro đối với trẻ em trên môi trường mạng, cần tiếp tục rà soát, bổ sung hệ thống pháp luật, chính sách để tăng cường tính phòng ngừa, bảo vệ trẻ em, đấu tranh xử lý có hiệu quả những hành vi, những vụ việc xâm hại và bảo vệ trẻ trên môi trường mạng.

THÙY DƯƠNG

Ý kiến bạn đọc