Tỷ lệ bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn nhiều thách thức

VHO -Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giálà một trong những quốc gia đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục... Tuy nhiên, tỷ lệ bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn nhiều thách thức.

Tỷ lệ bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn nhiều thách thức - Anh 1

 Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới

 Bộ LĐ,TB&XH vừa phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cấp quốc gia năm 2020 với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”. Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động, xếp thứ 68 trong số 166 nước về chỉ số phát triển giới. Những nỗ lực của Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, bạo lực trên cơ sở giới vẫn là một thách thức lớn ở Việt Nam. Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua). Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.

Điểm nhấn của lễ phát động năm nay chính là sự chung tay, vào cuộc của các cơ quan, đơn vị trong Quân đội thông qua các hoạt động thiết thực, ký cam kết hưởng ứng Tháng hành động của 6 đơn vị quân đội… Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm nhấn mạnh: Trong những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch, hướng dẫn về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới trong Quân đội đã bám sát nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và định hướng nhiệm vụ công tác của Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.

“Năm 2020 là năm thứ tư Quân đội cùng cả nước chung tay hưởng ứng Tháng hành động bằng trách nhiệm, tinh thần quyết tâm “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, hội viên phụ nữ toàn quân, giảm thiểu số vụ việc phải xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình trong Quân đội... Điều này thêm một lần nữa khẳng định Thời chiến cũng như thời bình, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là lực lượng tiên phong trên mọi mặt trận, phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN”, Thượng tướng Lê Chiêm nhấn mạnh.

Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được triển khai với ý nghĩa là một chiến dịch truyền thông cấp quốc gia nhằm nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia đồng bộ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân. Đặc biệt, nam giới phải là lực lượng tiên phong, nòng cốt, chủ động đồng hành cùng các cơ quan chức năng và cộng đồng trong công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, thay đổi những quan niệm truyền thống, những định kiến giới và bạo lực trên cơ sở giới. Quan trọng hơn, bản thân phụ nữ và trẻ em cũng phải chủ động hơn nữa trong việc chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ để giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại đồng thời cần phải được trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại. 

VI ANH

Ý kiến bạn đọc