Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong thanh , thiếu niên: Hiểu biết để bảo vệ chính mình

VHO- Tình trạng vi phạm pháp luật ngày càng trẻ hóa, phản ánh hạn chế trong nhận thức, hiểu biết pháp luật của một bộ phận giới trẻ. Trước thực tế này, việc đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật tới Đoàn viên, thanh niên được coi là giải pháp quan trọng mà các cấp bộ đoàn đang triển khai để xây dựng lớp người trẻ hiểu biết.

Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong thanh , thiếu niên: Hiểu biết để bảo vệ chính mình - Anh 1

 Phiên tòa giả định - hình thức tuyên truyền giáo dục pháp luật tới thanh, thiếu niên sinh động, hấp dẫn. Trong ảnh: Phiên tòa giả định tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (huyện Vĩnh Bảo)

Một phút bốc đồng, cả đời hối hận

Tham dự phiên xét xử bị cáo Lê Văn Duy, ở xóm Hạ, xã An Hưng (huyện An Dương, Hải Phòng) tại TAND huyện An Dương mới đây, mọi người đều không khỏi xót xa, tiếc nuối cho bị cáo. 23 tuổi, Duy lập gia đình và có 2 con nhỏ. Vợ của Duy làm công nhân tại Khu công nghiệp Tràng Duệ. Bản thân Duy mới xin được việc làm lái xe taxi được 4 tháng với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng. Chỉ vì một phút chủ quan, liều lĩnh, cố tình đánh lái xe vượt lên bất chấp biển cảnh báo “chỗ ngoặt nguy hiểm”, bị cáo Duy gây ra vụ tai nạn giao thông và phải trả giá bằng 4 năm tù giam và khoản bồi thường hơn 400 triệu đồng cho 2 nạn nhân. Tại phiên tòa, sự ăn năn, hối tiếc của bị cáo Duy không ngăn nổi giọt nước mắt của người vợ trẻ và tiếng thở dài của người mẹ trước mức án phạt đối với chồng, con trai và khoản nợ đè nặng trên vai.

Cũng chỉ vì thiếu hiểu biết về pháp luật và bốc đồng, 13 thanh thiếu niên cùng ở huyện Thủy Nguyên phải trả giá một phần tuổi thanh xuân trong chốn tù giam khi chọn cách giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Trước đó, do xích mích với Nguyễn Quốc Dũng (xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) nên Vũ Sơn Lâm (ở xã Mỹ Đồng) hẹn Dũng giải quyết mâu thuẫn. Lâm rủ thêm nhóm bạn hơn 30 người chuẩn bị “vũ khí” rồi chia thành tốp đuổi đánh Dũng và các bạn trong nhóm của Dũng. Quá trình xô xát khiến Dũng tử vong. Mức án cao nhất được tuyên trong vụ án này là 6 năm 6 tháng tù, mức phạt nhẹ nhất dành cho các bị cáo cũng là 9 tháng cải tạo không giam giữ.

Đó chỉ là hai trong rất nhiều vụ việc thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Theo Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý TP Hải Phòng Đào Thị Mai, thiếu hiểu biết về pháp luật, vốn sống, nhận thức về các vấn đề xã hội còn hạn chế cộng với tâm lý hiếu thắng, bốc đồng và bối cảnh sống có nhiều cám dỗ khiến nhiều bạn trẻ dễ bị chi phối dẫn tới hành động sai trái, vi phạm pháp luật. Không ít bạn trẻ có tâm lý đắc thắng, cảm thấy mình dũng cảm khi dám vi phạm luật. Các bạn ngang nhiên vượt đèn đỏ mà không ý thức được việc làm này có thể dẫn tới tai nạn giao thông và các bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu xảy ra chết người hoặc thương tích nặng. Nhiều bạn trẻ chọn cách giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực mà không biết rằng hành động đó có thể dẫn mình tới phiên tòa và nhà giam… Thiếu hiểu biết về pháp luật trong thanh, thiếu niên có thể coi là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới xu hướng người phạm tội ngày càng trẻ hóa hiện nay.

Xây dựng lớp người trẻ hiểu biết, chấp hành pháp luật

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong thanh, thiếu niên, thời gian qua, các cấp bộ đoàn triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật với nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn. Bên cạnh việc xây dựng các tủ sách pháp luật, tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, dàn dựng hoạt cảnh, sử dụng pano, áp phích, tờ rơi, tập gấp với những hình ảnh đẹp, nội dung sinh động, ngắn gọn, ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, thời gian qua, các cấp bộ đoàn đưa mô hình tổ chức phiên tòa giả định với các tình huống thực tế nhằm giúp thanh, thiếu niên có cái nhìn toàn diện và chân thực hơn về việc chấp hành pháp luật.

Tham gia phiên tòa giả định tổ chức tại trường THPT Nguyễn Khuyến (huyện Vĩnh Bảo) vào cuối tháng 4 vừa qua, em Nguyễn Thị Thùy Linh, học sinh lớp 11B6 cho biết: Với tình huống giả định liên quan tới vụ án giải quyết mâu thuẫn giữa các bạn học sinh, phiên tòa cung cấp cho chúng em kiến thức, kỹ năng để giải quyết các vướng mắc trong mối quan hệ bạn bè. Cũng thông qua phiên tòa, chúng em được cập nhật thêm kiến thức pháp luật, từ đó có ý thức điều chỉnh hành vi của mình để không vi phạm pháp luật. Theo Bí thư huyện đoàn Vĩnh Bảo Nguyễn Thị Minh Ngọc, dù mới triển khai nhưng việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các bạn trẻ qua hình thức phiên tòa giả định phát huy tác dụng tích cực. Các bạn trẻ nhận thức rõ hơn các vấn đề liên quan tới vi phạm pháp luật, từ đó có ý thức phòng ngừa, tránh xa các việc làm, hành vi phạm luật.

Thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên, thời gian qua, Thành đoàn Hải Phòng chỉ đạo các cấp bộ đoàn, các tổ chức cơ sở đoàn tập trung phổ biến các chính sách, văn bản pháp luật mới, các quy định pháp luật liên quan tới các vấn đề dư luận quan tâm; xây dựng các mô hình câu lạc bộ để tuyên truyền pháp luật liên quan tới các vấn đề an toàn giao thông, phòng chống ma túy, bạo lực học đường… trong nhà trường; quản lý, khai thác có hiệu quả mô hình tủ sách pháp luật đồng thời phát huy vai trò của công nghệ thông tin, mạng xã hội vào thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên. Qua đó, góp phần xây dựng thế hệ trẻ hiểu biết về pháp luật, tự giác sống, làm việc theo hiến pháp, pháp luật để tự bảo vệ chính bản thân mình trước nguy cơ sa ngã, vi phạm pháp luật. 

 HOÀI ANH

Ý kiến bạn đọc