Từ ngày 1.1.2022 nếu thấy trẻ em bị bạo lực, xâm hại mà không tố cáo: Sẽ bị xử phạt
VHO- Từ trước đến nay, nhiều bậc phụ huynh đánh trẻ, phạt trẻ bằng roi vọt rồi biện minh đó là để dạy dỗ trẻ, nhưng chưa có chế tài xử phạt nên cơ quan chức năng khó xử lý.
Từ ngày 1.1.2022, hàng xóm, người trong gia đình sẽ bị xử phạt nếu thấy bạo lực trẻ em mà không tố cáo
Tuy nhiên, Nghị định 130 NĐ/CP ngày 30.12.2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em ra đời và có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 sẽ chấm dứt những biện minh này và từ đó thay đổi quan niệm và cách dạy trẻ bằng bạo lực.
Không mắc quy định cung cấp thông tin sai sự thật
Hầu hết những hành vi đánh con, đánh cháu, đánh trẻ đều được bao biện bằng quan niệm “thương cho roi cho vọt”. Chính vì thế, bạo lực trẻ em thường xảy ra trong gia đình, thủ phạm là người thân, người quen, người bảo trợ trẻ mà khó được phát hiện, hoặc coi là “chuyện riêng” của mỗi gia đình.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) khẳng định đây là hành vi vi phạm pháp luật, cần huy động cộng đồng cư dân xung quanh khi thấy hiện tượng phải lên tiếng. Hiện nay trách nhiệm công dân trong việc tố cáo bạo lực gia đình trong cộng đồng còn yếu dù các quy định pháp luật hiện hành đã có đủ các công cụ, phương tiện để tiếp nhận. “Có nhiều cơ chế, công cụ sẵn sàng tiếp nhận thông tin, các kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em cũng được tuyên truyền rất nhiều nhưng người dân dường như ít quan tâm. Không thể nói không biết về Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 vì đường dây được tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, riêng tại TP.HCM có hơn 3.000 điểm trường tiểu học, THCS và hơn 2.000 điểm trường tại Hà Nội có dán pano về Đường dây 111 tại cổng trường”, ông Đặng Hoa Nam chia sẻ.
Trước thềm năm mới 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 130 NĐ/CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, có hiệu lực từ ngày 1.1.2022. Nghị định đưa ra chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm như cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; bạo hành, xé sách vở của trẻ, doạ nạt trẻ bằng âm thanh, hình ảnh; rủ rê, ép buộc trẻ đi ăn xin... Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoa Nam, Nghị định có một nội dung quan trọng mà các quốc gia đều thực hiện là tố cáo bắt buộc liên quan đến hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em. “Riêng đối với trẻ con, với bất kỳ hành vi nào, kể cả nghi ngờ, hay thành viên trong gia đình đều phải tố cáo như bố đánh con thì bà phải tố cáo, hàng xóm nghi ngờ cũng phải tố cáo. Điểm này khác với tố cáo đối tượng khác, nếu tố cáo không đúng sự thật thì người tố cáo bị xử lý. Nhưng với các vụ việc liên quan đến trẻ em thì chỉ cần nghi ngờ là phải tố cáo, còn có đúng xâm hại, bạo hành trẻ em hay không, phân định mức độ nguy hiểm là thuộc về cơ quan chức năng. Sau khi xem xét, nếu có kết luận không phải bạo hành thì người thông báo, tố cáo không mắc quy định cung cấp thông tin sai sự thật”, ông Nam nói.
Không tố cáo, ngăn cản, che giấu cũng bị xử lý
Cũng theo Cục trưởng Cục Trẻ em, vì trẻ không có khả năng tự bảo vệ được nên mọi nghi ngờ cần được phát hiện ngay nhưng từ trước đến nay, bố đánh con thì vợ khó có thể tố cáo; con trai, con dâu đánh cháu, ông bà cũng khó tố cáo vì không có quy định bắt buộc. Do đó, Nghị định 130 ra đời sẽ chấm dứt sự không tố cáo, che giấu này. Đã đến lúc không thể nói đánh con để dạy con, vì dạy con có nhiều cách, cứ gì phải đánh trẻ.
“Thật vô lý là nếu người chồng tát vợ, đánh vợ thì có chế tài xử lý ngay, còn đánh trẻ, tát trẻ lại được chấp nhận? Trong khi trẻ em cũng là một cá thể, không biết tự phòng vệ và hành vi đánh trẻ là xâm hại trẻ em, gây tổn thương cho trẻ nhiều hơn, tội nặng hơn. Ở các nước phát triển, tát vợ, đánh vợ nhẹ tội hơn tát trẻ con. Vì vậy, Nghị định 130 là sự tiến bộ của pháp luật, là công cụ pháp lý rất quan trọng trong bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, không chỉ đưa vào quy định tố cáo bắt buộc mà hành vi không tố cáo, ngăn cản, che giấu cũng bị xử lý. Nếu người tiếp nhận không can thiệp kịp thời, chậm trễ xử lý thì bị xử phạt nặng hơn người không tố cáo”, ông Nam nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, trong vấn đề xử lý các vụ việc về xâm hại trẻ em (xâm hại tình dục, xâm hại thể chất, xâm hại tinh thần, bỏ rơi, mua bán…), chỉ những vụ việc có thương tích đủ mức độ hình sự thì công an mới vào cuộc; còn lại là hòa giải. Nhưng nhiều trường hợp sau khi hòa giải, trẻ vẫn bị bạo lực dưới mức xử lý hình sự. Do vậy, Nghị định 130 được các chuyên gia đánh giá là công cụ nhằm xử lý được những hành vi chưa tới mức độ hình sự, đồng thời có ý nghĩa giáo dục, răn đe rất cao. “Nghị định đã hướng đến nhiều mục tiêu như các hành vi bạo lực trẻ em ở mức chưa nghiêm trọng thì phải được phát hiện sớm, phòng ngừa, ngăn chặn ngay trước khi quá muộn. Và nếu đúng có hành vi xâm hại trẻ thì có thể xử lý được ngay, không cần chờ đến tổn thương, thương tích ở mức độ hình sự. Đồng thời, khi có sự xử lý kịp thời sẽ bảo vệ được trẻ em, tốt cho các bậc cha mẹ và người gây ra hành vi bạo lực”, Cục trưởng Cục Trẻ em nói.
Khoản 2, Điều 28 Vi phạm quy định về hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em và có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bạo lực, bỏ rơi và có nguy cơ bị xâm hại khác: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không cung cấp hoặc che giấu thông tin về trẻ em bị xâm hại cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền; b) Không thông báo cho nơi tiếp nhận thông tin về hành vi xâm hại trẻ em; c) Ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền; d) Không cung cấp thông tin và phối hợp để thực hiện việc kiểm tra tính xác thực về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em khi được cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu; đ) Không bảo mật thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em” (Nghị định 130 NĐ/CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em). |
QUỲNH HOA