Tiếp thêm sức mạnh tinh thần
VHO- Tiếng khóc, tiếng cười trẻ thơ trong mỗi gia đình, điều tưởng chừng rất bình dị ấy nhưng nhiều khi lại là khát khao của rất nhiều quân nhân hiếm muộn trong lực lượng Bộ đội biên phòng (BĐBP).
Điều kiện công tác nơi biên giới đầy khắc nghiệt, gian lao đã ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe của những người lính biên phòng. Có người mất 5 năm, có người phải chờ đợi hằng chục năm mới được hưởng niềm hạnh phúc làm cha, làm mẹ. Thấu hiểu được những khao khát của người lính, Bộ Tư lệnh BĐBP cũng đã có chủ trương để tạo điều kiện thuận lợi cho những gia đình quân nhân hiếm muộn được điều trị.
8 năm kiên trì
Vợ chồng trung úy D.Đ.L, BĐBP Thanh Hóa là một ví dụ điển hình với “thâm niên” 6 năm kiên trì điều trị bệnh hiếm muộn, tháng 10.2018, họ đã được “lên chức” cha, mẹ. Điều đáng nói là trong suốt quãng thời gian điều trị dài đằng đẵng ấy, họ được quan tâm, bố trí nghỉ tại nhà khách K9 của Bộ Tư lệnh BĐBP ở Hà Nội để giảm bớt chi phí sinh hoạt, thuận tiện cho việc tới bệnh viện điều trị. Không thành công khi điều trị ở Hà Nội, họ lại tiếp tục được tạo điều kiện điều trị ở TP.HCM. Và cho đến lần thứ 5 thụ tinh ống nghiệm, vợ trung úy L. đã thụ thai thành công. Bé trai nặng 3,1kg. “Suốt quãng thời gian chữa trị, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa đã bố trí, sắp xếp và huy động anh em thay tôi đảm trách nhiệm vụ. Những lời thăm hỏi, khích lệ, chia sẻ đầy tình thương của các đồng chí, đồng đội trong những lúc khó khăn đã kịp thời tiếp cho vợ chồng tôi thêm sức mạnh để vững bước và có được hạnh phúc viên mãn hôm nay”, trung úy L. nhớ lại.
Còn vợ chồng trung úy L.S.N, cán bộ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, BĐBP Điện Biên cũng phải mất 8 năm trời mới được thỏa nguyện. Năm 2015, vợ chồng trung úy N. được Bộ Tư lệnh BĐBP hỗ trợ 30 triệu đồng từ Quỹ hiếm muộn để điều trị tại TP.HCM. Sau lần điều trị đầu tiên không thành công với những lần đi, về, tàu xe, vợ chồng anh kiệt quệ cả về kinh tế và sức lực. Nhưng với tinh thần, ý chí của người lính, sự hỗ trợ, động viên của anh em, đồng đội, cuối năm 2016, vợ chồng N. lại vào TP.HCM để điều trị lần hai với tâm trạng đầy lo lắng xen lẫn hồi hộp. Và điều kỳ diệu đã xảy ra vào tháng 5.2017, khi vợ N. sinh liền hai cháu gái kháu khỉnh. “Hạnh phúc của vợ chồng tôi có được hôm nay nhờ quyết tâm, kiên trì điều trị của bản thân, bên cạnh đó, được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm tạo điều kiện về thời gian, nơi ăn chốn nghỉ, đi lại để có được kết quả như mong muốn”, trung úy L.S.N chia sẻ.
Vợ chồng trung úy L.S.N và hai “thiên thần” của mình
Trao cả niềm tin
Vợ chồng trung úy D.Đ.L, trung úy L.S.N là hai trong số nhiều cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn trong toàn lực lượng BĐBP đã được hỗ trợ vật chất, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác để điều trị, chữa bệnh trong thời gian qua. Số tiền hỗ trợ tuy không lớn (20-30 triệu đồng/trường hợp), nhưng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Bộ Tư lệnh BĐBP. Các quân nhân điều trị hiếm muộn đều được tạo thuận lợi về thời gian, được bố trí công việc phù hợp, được tạo điều kiện hợp lý hóa gia đình... Trong thời gian điều trị, họ được bố trí chỗ ăn, nghỉ ở các bệnh xá, trạm quân y trong mạng lưới khám chữa bệnh của BĐBP. Chủ trương giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho quân nhân hiếm muộn con được điều trị, đã thực sự chạm đến trái tim người lính, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho họ.
Đại tá Đỗ Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh BĐBP cho biết: Chương trình hỗ trợ kinh phí cho các gia đình hiếm muộn mang tính nhân văn sâu sắc. Số tiền hỗ trợ tuy không lớn nhưng thể hiện sự quan tâm của đồng đội với cán bộ, chiến sĩ chưa được hạnh phúc trọn vẹn. Vừa hỗ trợ về kinh phí, các đơn vị trong toàn lực lượng còn tạo điều kiện, giúp đỡ các quân nhân hiếm muộn có thời gian, kinh phí để vợ (chồng) chữa bệnh đạt kết quả tốt nhất.
H.MINH