Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em
VHO- Sáng qua 6.8, Diễn đàn trẻ em Quốc gia lần thứ VII năm 2023 đã khai mạc tại Hà Nội. Tham dự có 188 trẻ em đến từ 43 tỉnh, thành phố, Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, Hội Người mù Việt Nam và Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, các Làng trẻ em SOS các tỉnh, thành phố.
Diễn đàn do Bộ LĐ,TB&XH phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS HCM tổ chức từ ngày 5-8.8 với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em”.
Tại Diễn đàn, 188 trẻ em đại diện cho 25 triệu trẻ em trên cả nước cùng thảo luận về năm nhóm vấn đề: Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng, chống, giảm thiểu tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; phòng, chống biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai; phòng, chống trẻ em lao động trái quy định của pháp luật và các vấn đề khác mà các em quan tâm. Qua đó, các em cùng nhau chia sẻ các sáng kiến, giải pháp trẻ em cả nước đã tham gia thực hiện để cùng với nhà trường, gia đình, cộng đồng, chính quyền các cấp tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh cho chính các em; đưa ra các thông điệp, kiến nghị về các chủ đề để người lớn có thể hỗ trợ trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ,TB&XH chia sẻ, sau Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VI, các bộ, ngành đều có ý kiến phản hồi về các khuyến nghị, nội dung mà trẻ em nêu ra tại diễn đàn. Ban Tổ chức nhận được những ý kiến rất cụ thể từ quá trình xây dựng văn bản đến việc triển khai các công tác truyền thông, nâng cao năng lực cho lực lượng của ngành; phát triển các dịch vụ để có thể cung cấp, hỗ trợ cho trẻ em ở các địa phương ngày càng tốt hơn…
Việc trẻ em được tham gia vào quá trình xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em có ý nghĩa rất to lớn. Đó là một trong những “đỉnh cao” của quyền tham gia của trẻ em. Ngoài việc trẻ em được tiếp nhận thông tin, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng thì bây giờ trước các vấn đề liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; trẻ em phải lao động trái quy định của pháp luật; trẻ em bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai, những vấn đề từ thực tiễn của địa phương…, các em có thể chủ động đề xuất với các bộ, ngành, tổ chức theo các góc nhìn của mình ở từng vấn đề, góc độ phù hợp với sự trưởng thành của các em.
Qua sáu lần tổ chức Diễn đàn trẻ em quốc gia, có thể nói rằng, quyền tham gia của trẻ em đang ngày càng được thúc đẩy. Tiếng nói của trẻ em được tôn trọng, được lắng nghe, được phản hồi và có vai trò quan trọng trong quá trình soạn thảo, thực thi các quyết định, quy định của luật pháp, chính sách về trẻ em. Đây là cơ sở để trẻ em tự tin phát huy quyền tham gia của mình.
Sau Diễn đàn, các thông điệp, khuyến nghị của trẻ em sẽ được gửi tới các cơ quan, các tổ chức, các nhà hoạch định chính sách, những người làm việc vì trẻ em để tiếp thu, xem xét và đáp ứng một cách phù hợp.
THANH PHƯƠNG