Tháng hành động vì trẻ em Yên Bái năm 2023

VHO- Tháng hành động vì trẻ em tỉnh Yên Bái năm 2023 với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại trẻ em, tai nạn, thương tích trẻ em, góp phần phát triển toàn diện cho trẻ em, bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của Yên Bái.

Tháng hành động vì trẻ em Yên Bái năm 2023 - Anh 1

Trao xe đạp  cho các em học sinh huyện Văn Yên có thành tích cao trong học tập tại Lễ phát động. Ảnh: Lan Hương

Đến nay, Yên Bái hiện có trên 255.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 31% dân số của tỉnh, trong đó có trên 3.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và nhân dân trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, chăm lo đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; triển khai hiệu quả nhiều chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách, giải pháp nhằm phát triển toàn diện cho trẻ em.

Thông qua Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Yên Bái và sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân đã có hàng ngàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh được hỗ trợ trao học bổng, trợ cấp đột xuất, phẫu thuật tim, tặng quà nhân dịp lễ, tết, tặng áo ấm, đồ dùng học tập, phương tiện đến trường, hỗ trợ làm nhà, bảo trợ hàng tháng…

Tuy nhiên, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh còn nhiều; tình hình trẻ em bị bạo lực, xâm hại, đuối nước vẫn còn xảy ra và tiềm ẩn nhiều nguy cơ; các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em còn ít, chưa đáp ứng tốt nhu cầu của trẻ em, một bộ phận trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn trong học tập, vui chơi giải trí..

Tháng hành động là dịp để các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cũng như các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ lắng nghe, tiếp thu và phản hồi các ý kiến của trẻ em để đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo cho trẻ có cuộc sống an toàn, lành mạnh.

Cụ thể, Tháng hành động sẽ diễn ra nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như truyền thông nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại trẻ em, tai nạn, thương tích trẻ em nhất là đuối nước, tai nạn giao thông dịp hè.

Tăng cường nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện….

Để triển khai thực hiện hiệu quả Tháng hành động, Ban chỉ đạo công tác bảo vệ trẻ em Yên Bái đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, nhà trường, tổ chức và doanh nghiệp của tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là việc triển khai và thực hiện Luật trẻ em, các Chương trình, Kế hoạch của tỉnh về bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2021 - 2030.

Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước, tai nạn giao thông. Rà soát, phát hiện kịp thời các nguy cơ gây tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em và kịp thời có giải pháp khắc phục, tích cực tổ chức các lớp kỹ năng về an toàn phòng chống đuối nước, phòng chống xâm hại trẻ em.

Quan tâm thực hiện hiệu quả các chính sách về giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, chính sách an sinh xã hội dành cho trẻ em, huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để tổ chức nhiều hoạt động, điểm vui chơi, giải trí, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em để tăng cường nguồn lực thực hiện các hoạt động chăm sóc trẻ em, nhất là đối với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Q.VY

Ý kiến bạn đọc