"Tề gia, trị quốc" trong xã hội ngày nay
VHO - Người xưa có câu “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Câu này, dẫu nghe thì nhiều nhưng lại có cách hiểu dường như không hoàn toàn thống nhất. Điểm thống nhất ít gây bàn cãi là ở chính sự khẳng định rằng gia đình có vị thế và vai trò vô cùng quan trọng đối với xã hội.
Tranh minh họa của Vũ Tuấn
Gia và Quốc
“Gia đình” và “Xã hội” là hai phạm trù quan trọng có mối quan hệ tương tác không thể tách rời. Sự phát triển hoặc suy thoái của cái này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển hay suy thoái của cái kia. Trong ngôn ngữ tiếng Việt, khái niệm “nước” và “nhà” (hoặc “quốc” và “gia”) được đặt ngang nhau để chỉ về Tổ quốc, trong đó bao gồm nhiều gia đình có chung nguồn gốc, tổ tiên, ngôn ngữ và phong tục tập quán:
“Nước mất thì nhà tan, nước giàu thì nhà thịnh”. Cho nên để trị quốc thì phải tề gia. Tức là để cai quản được đất nước thì phải làm cho gia đình ổn định.
Con người bước vào xã hội là thông qua cánh cửa gia đình. Từ xưa, gia đình không chỉ là một đơn vị kinh tế, mà còn là cái nôi đầu tiên và suốt đời nuôi dưỡng, giáo dục con người, duy trì và phát triển ở họ những quan hệ tình cảm đặc biệt từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Cùng với thiết chế giáo dục, gia đình có vai trò quan trọng trong việc xã hội hóa con người, đưa con người từ là một cá nhân sang con người là một thực thể xã hội. Sự hình thành những chuẩn mực và định hướng giá trị tốt đẹp của gia đình sẽ không chỉ củng cố các mối quan hệ gia đình mà còn kiến tạo một môi trường xã hội thuận lợi cho mỗi cá nhân được phát triển hài hòa và toàn diện. Về phương diện này, gia đình là cơ sở đầu tiên cho việc tái sản xuất ra con người cho xã hội.
Mặt khác, gia đình cũng là nguồn cung cấp lao động, của cải cho xã hội và tham gia vào các quá trình kinh tế của xã hội từ sản xuất, phân phối, đến trao đổi và tiêu dùng. Mọi nhân tài của đất nước, các cán bộ công quyền, những người lính cũng như các tầng lớp công nhân, nông dân, trí thức đều xuất thân từ một gia đình. Họ có mặt trên tất cả các vị trí của xã hội, điều tiết và vận hành bộ máy của xã hội.
Do những chức năng xã hội đặc thù của mình, gia đình đã góp phần quan trọng vào việc duy trì sự tồn tại của đời sống xã hội, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, xây dựng các chuẩn mực và giá trị đạo đức, phong tục tập quán, lối sống văn hóa, giáo dục.
Gia đình cũng là một mắt xích quan trọng trong mối quan hệ xã hội giữa con người với con người, con người với làng xóm, cộng đồng, đất nước. Bởi vậy, việc củng cố gia đình, xây dựng các quan hệ gia đình lành mạnh bao giờ cũng là cơ sở đầu tiên cho việc củng cố, xây dựng các quan hệ xã hội tốt đẹp.
Qua các nền văn hóa cũng như trong suốt chiều dài của lịch sử, gia đình và các thiết chế cơ bản khác của xã hội như đảng chính trị, chính quyền, quân đội, các đoàn thể, tổ chức xã hội... đã có mối liên hệ qua lại chặt chẽ với nhau nhằm duy trì sự ổn định của xã hội. Đây chính là những nhân tố “phi kinh tế” không thể thiếu được để thúc đẩy và dẫn đường cho những phát triển về kinh tế.
Tuy nhiên “Xã hội” không phải là một cơ chế tĩnh tại, nhất thành bất biến mà phát triển không ngừng. Trong sự biến đổi của xã hội dưới tác động của các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, dân số, môi trường... thiết chế gia đình cũng luôn biến đổi để thích nghi với những điều kiện mới. Mặc dù sự biến đổi của gia đình xảy ra ở mỗi nước có khác nhau về thời điểm và mức độ, nhưng hầu hết những biến đổi này đã diễn ra theo một số xu hướng gắn liền với các trào lưu lớn của xã hội.
“Tề gia” trong một xã hội luôn vận động và biến đổi
Rõ ràng là trước đây gia đình chỉ được thừa nhận khi có hai người nam nữ cưới nhau cùng với con cái của họ (gia đình hạt nhân). Khi đó, người chồng là người trụ cột gia đình và người vợ thường là người ở nhà chăm sóc công việc gia đình và con cái.
Ngày nay, dưới ảnh hưởng của toàn cầu hoá, của những chuyển đổi kinh tế - xã hội ở quy mô lớn đến đời sống gia đình của các nước (theo cả chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực), nhiều giá trị truyền thống cũ đang bị thay đổi trong đó có những giá trị gia đình. Sự phát triển của kinh tế thị trường đã tạo ra những biến đổi sâu sắc đối với cấu trúc và sinh hoạt gia đình, nhiều dạng gia đình mới xuất hiện đã không còn hoàn toàn phù hợp với cách hiểu trên và quan niệm về gia đình vì thế cũng thay đổi.
Các hình thức gia đình ngày nay được nhìn nhận đa dạng hơn rất nhiều. Bên cạnh các loại gia đình “truyền thống” trước đây như một vợ, một chồng, một cha (hoặc mẹ), đa thê (hoặc đa phu), tái hôn, vợ chồng không có con, cha mẹ nuôi, gia đình mở rộng (đa thế hệ) còn có các gia đình tồn tại không hôn thú, những người mẹ “xin” con, cha mẹ thuê người đẻ con, gia đình đồng tính.
Mặt khác, với sự mở rộng của giáo dục và phong trào đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ, phụ nữ ngày nay cũng ít phụ thuộc hơn vào những chuẩn mực và hình thức của gia đình truyền thống. Việc thực hiện các quyền của phụ nữ và trẻ em đã làm biến đổi trật tự gia đình cũ.
Vấn đề tự do cá nhân của các thành viên gia đình cũng được tôn trọng hơn. Sự phát triển của những hoạt động dịch vụ và thị trường cũng làm tăng cơ hội để phụ nữ thoát khỏi sự trói buộc của các hoạt động nội trợ, sinh đẻ và chăm sóc con cái. Rõ ràng là sự chuyển đổi các quan niệm hướng đến tính tự chủ của cá nhân, sự thay đổi trong quan hệ giới so với các giá trị truyền thống đã dẫn đến sự suy giảm việc tuân thủ và chấp nhận các quy chuẩn cũ của đời sống gia đình.
Ngày nay, trong điều kiện các chức năng kinh tế, xã hội và văn hóa của gia đình đang biến đổi, rõ ràng là thiết chế gia đình cũng cần phải phát triển phù hợp với giá trị chân chính và nhân đạo, sự bình đẳng và an sinh cho mỗi thành viên của gia đình trong những điều kiện mới.
Việc nâng cao vị thế, vai trò của các thành viên trong gia đình sẽ làm tăng thêm những giá trị về cá nhân con người. Tuy nhiên, chính nó cũng có thể sẽ lại làm cho những quan hệ bên trong gia đình không còn hoàn toàn chặt chẽ. Việc phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội và bình đẳng về kinh tế với nam giới, cũng làm cho họ vắng bóng nhiều hơn trong môi trường gia đình. Trẻ em lớn lên và học tập trong sự giáo dục của nhà trường nhiều hơn là của cha mẹ, ông bà và gia đình.
Những cảm nhận về mái ấm gia đình do vậy cũng có thể trở nên lạnh giá hơn đối với mọi thành viên trong gia đình. Những thực tế trên đòi hỏi chúng ta cần phải tạo ra những điều kiện xã hội mới để làm thay đổi xu hướng sai lệch tâm thế này, nếu chúng ta muốn gia đình vẫn tiếp tục ổn định, duy trì và thực hiện được các chức năng cơ bản của nó.
Vì lẽ đó, gia đình đang trở thành một vấn đề của toàn cầu, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển chung của toàn bộ nhân loại tiến bộ. Vấn đề gia đình đang trở thành một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu trong mọi chiến lược phát triển của các quốc gia, cũng như của Liên Hợp Quốc.
Thực tế cho thấy, trong xã hội hiện đại, xu hướng thoát ly dần đời sống gia đình đã không dẫn tới một sự bền chặt hơn về phía các quan hệ xã hội như nhiều người vẫn lầm tưởng. Lúc đầu, việc rũ bỏ dần các mối quan hệ gia đình có thể được xem là một hiện tượng quan trọng để giải phóng cá nhân ra khỏi các mối ràng buộc chặt chẽ và có phần phiền toái mang tính huyết thống, nhưng càng về sau chính sự coi nhẹ các mối quan hệ gia đình đã mang đến cho con người những nguy cơ mới.
Nguy cơ về một sự cô đơn, thiếu thốn tình cảm và nghèo nàn về tinh thần ngay trong lòng xã hội. Khi con người càng cuộn tròn trong vỏ ốc ích kỷ, lạnh giá vì thiếu đi cái tổ ấm của mình thì họ cũng quay lưng lại với chính xã hội. Sự thay đổi các mối quan hệ giữa con người với con người trong gia đình cũng kéo theo những thay đổi mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội, làm giảm sút chất keo kết dính trong xã hội. Điều đó đã tác động nhiều tới sự ổn định và phát triển của xã hội. Vì lẽ đó, có thể nói chính sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng phải chịu sự tác động thúc đẩy hay kìm hãm từ những nhân tố bảo thủ hay tiến bộ của gia đình.
Ngay từ những năm ba mươi của thế kỷ trước, một trong những chuyên gia nghiên cứu về gia đình, nhà xã hội học Mỹ, giáo sư William Fielding Ogburn đã lên tiếng cảnh báo về những sự khủng hoảng của gia đình, về cái mà ông gọi là “cái chết của gia đình” trong xã hội hiện đại mà kéo theo nó sẽ là những sự suy thoái trầm trọng của các giá trị nhân đạo trong xã hội. Ngày nay chính trong các nước phát triển, nơi mà nền văn minh vật chất đã cung cấp những tiện nghi hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cuộc sống con người thì cũng chính ở đây đã xuất hiện những dấu hiệu khủng hoảng của gia đình và các chuẩn mực xã hội.
Sự ra đời của tư tưởng tự do cá nhân có phần cực đoan, sự xuất hiện của lối sống hiện sinh, sống độc thân, sống “cho mình”, sự lỏng lẻo của các mối quan hệ giữa các cặp vợ chồng có hôn thú hoặc không hôn thú, sự phát triển tràn lan không bị lên án của những hiện tượng ngoại tình, tình trạng bỏ rơi con cái hoặc cha mẹ đã thực sự gây ra các cú “sốc” cho xã hội, đặt gia đình và xã hội trước những nguy cơ và thách thức mới.
Có thời kỳ nước Mỹ dẫn đầu thế giới về tỷ lệ ly hôn, các mối quan hệ ngoài hôn nhân và những hậu quả của nó là nạn tự tử, các vụ tội phạm, sự mất phương hướng của giới trẻ, sự cô độc của người già...
Chính các hiện tượng này đã đe dọa nghiêm trọng không chỉ gia đình mà còn tới an ninh và ổn định của xã hội. Ngày càng nhiều các tầng lớp nhân dân trong đó có các nhà khoa học, các nhà chính trị đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về những hậu quả không thể lường trước được cho xã hội hiện đại nếu không củng cố và xây dựng được sự ổn định của các mối quan hệ gia đình, nếu để gia đình rơi vào một nguy cơ tan vỡ trên một phạm vi rộng lớn.
“Tề gia” trong gia đình Việt truyền thống
Ở nước ta, sự hòa trộn giữa bản sắc riêng của dân tộc với đạo lý Nho giáo đã tạo ra nền văn hóa gia đình với những nét độc đáo. Nền tảng căn bản cho các mối quan hệ gia đình chính là tình thương yêu và ý thức trách nhiệm. Nó cũng là nguyên tắc chỉ đạo mọi suy nghĩ và hành động của mỗi cá nhân. Chỉ có tình thương yêu đối với gia đình mới có thể dẫn tới tình thương yêu đối với cộng đồng, xã hội, tổ quốc. Chính tình thương yêu đó đã là chỗ dựa vững chắc cho sự tồn tại, phát triển của đất nước trước những biến động dữ dội của lịch sử.
Người Việt Nam chúng ta thường giải quyết tất cả các mối quan hệ không phải chỉ theo giáo lý và luật pháp mà còn trên cơ sở của tình nghĩa. Chính đặc điểm này đã phân biệt người Việt Nam với các dân tộc theo Nho giáo khác trong khu vực.
Trong gia đình “hiếu đễ “ được coi là cái gốc của đạo lý. Người Việt Nam cho rằng kẻ nào bất hiếu với cha mẹ, tàn nhẫn với anh chị em mình thì không thể là người tốt và đáng tin cậy trong xã hội được. Bên cạnh đó, mối quan hệ trên dưới trong gia đình được quy định rất rõ ràng. Con người, trước hết là một thực thể gia đình, là một mắt xích của một sâu chuỗi dài bắt nguồn từ tổ tiên đến con cháu.
Ở những vị trí cụ thể của mình là cha, con, chồng, vợ đều phải ứng xử theo phận sự của mình, cha từ, con hiếu, vợ chồng hòa thuận, thuỷ chung, anh nhường nhịn em, em kính trọng anh... Nếu tất cả các thành viên đều giữ đúng những nguyên tắc tình nghĩa đó của mình thì xã hội sẽ có điều kiện để ổn định, thái bình.
Lối giáo dục truyền thống trên đã mang một ý nghĩa tích cực là trong bất kỳ hoàn cảnh nào con người cũng cố gắng sống trong sạch và ứng xử lịch sự, có nghĩa có tình, có văn hóa với nhau. Người nào muốn quản lý xã hội tốt trước hết phải học và làm điều đó từ gia đình.
Ngày xưa, luật pháp và phong tục bắt buộc mỗi thành viên trong gia đình phải chịu trách nhiệm về hành vi của các thành viên khác và toàn bộ gia đình phải chia sẻ vinh quang cũng như thất bại do bất kỳ một cá nhân nào mang lại. “Tru di tam tộc”, thậm chí người ta nói tới cả “tru di cửu tộc” đã được xem là những giải pháp đề cao mối ràng buộc gia đình. Trên thực tế, những hình phạt khắc nghiệt của Nhà nước phong kiến cũng như những chuẩn mực nghiêm ngặt quy định những mối quan hệ gia đình một mặt đã góp phần tạo sự ổn định cho gia đình và xã hội, nhưng mặt khác cũng có thể lại làm cản trở sự phát triển gia đình, xã hội và tự do cá nhân. Bởi vậy ngày nay chúng ta cần có cách hiểu mới hơn về khái niệm “tề gia”.
“Tề gia”, trị quốc trong xã hội ngày nay
Kế thừa những giá trị tốt đẹp về văn hóa gia đình truyền thống, gạt bỏ những tàn dư lạc hậu trong các quy chuẩn về gia đình trước đây, ngày nay, Nhà nước ta cũng đã rất quan tâm tới sự phát triển và ổn định của gia đình, luôn luôn đề cao vị trí và vai trò của gia đình, phát huy đúng đắn sức mạnh của gia đình trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng xã hội mới.
Những mục tiêu của cuộc đấu tranh cách mạng, xây dựng xã hội công bằng văn minh cũng gắn liền với những mục tiêu của cuộc đấu tranh nhằm xây dựng những chuẩn mực và giá trị mới trong gia đình. Cuộc Cách mạng tháng Tám là cuộc cách mạng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã không chỉ là cuộc cách mạng xã hội mà còn là cuộc cách mạng về gia đình. Thành quả to lớn của nó là tạo ra sự biến đổi lớn lao cho gia đình và xã hội theo hướng phát triển và văn minh, tạo điều kiện để giải quyết các vấn đề bất công trong gia đình như bất bình đẳng giới và giải phóng con người. Thực tế cho thấy, chính việc đấu tranh nhằm xoá bỏ những tập quán lỗi thời, những hiện tượng phản nhân văn trong đời sống gia đình đã góp phần làm biến đổi xã hội, thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Chính công cuộc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã đòi hỏi phải có cách nhìn nhận đúng đắn và sâu sắc trong vấn đề gia đình, đặt vấn đề gia đình vào những vị trí quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp xây dựng văn hóa và phát triển về mọi mặt của đất nước.
Vấn đề đặt ra là chúng ta phải tạo ra một đời sống lành mạnh trong các quan hệ xã hội mà cơ sở đầu tiên cho sự “tề gia” tức là cho sự giữ gìn và phát huy những truyền thống, đạo đức tốt đẹp của gia đình. Chúng ta phải coi trọng xây dựng gia đình văn hóa, và xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình với các thiết chế khác của xã hội.
Ngày nay quá trình chuyển từ nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ở nước ta đã và đang tạo ra những biến đổi sâu sắc cho cả xã hội và gia đình.
Trước hết cơ sở kinh tế của xã hội và của nhiều gia đình đã phát triển nhanh chóng làm thay đổi hẳn bộ mặt đất nước và nâng cao mức sống của gia đình, đặc biệt là ở thành thị. Đất nước đang chuyển mình từ một xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp. Mô hình gia đình cũ trong nhiều trường hợp đã không còn phù hợp nữa. Các chuẩn mực và hệ giá trị, vì vậy cũng thay đổi theo.
Chẳng hạn như mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không chỉ dựa trên tình yêu thương mà còn phải dựa trên những nguyên tắc của pháp luật. Các chức năng của gia đình như chức năng kinh tế, giáo dục, duy trì và phát triển nòi giống, chức năng thỏa mãn tình cảm cũng rõ ràng và khoa học hơn.Trách nhiệm và quyền lợi của các thành viên trong gia đình đang tiến dần tới sự công bằng, mối quan hệ giới cũng được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, việc quy định trách nhiệm của các thành viên này với thành viên khác trong gia đình cũng không quá khắt khe như trước, mỗi người tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước gia đình, pháp luật và xã hội.
Nếu như trước đây, gia đình Việt Nam coi giá trị đạo đức là cơ bản (trọng nghĩa, khinh tài) thì ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, giá trị của đồng tiền đã và đang len lỏi vào các mối quan hệ gia đình. Hiện tượng này mang lại cả hiệu quả tích cực lẫn tiêu cực. Sự bận rộn của các thành viên gia đình trong các hoạt động kinh tế và xã hội đã làm giảm sút thời gian của gia đình. Vấn đề chăm sóc và giáo dục con cái, phụng dưỡng cha mẹ già cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, lối sống phương Tây gắn liền với xã hội công nghiệp phát triển cũng có nhiều mặt chưa thực sự phù hợp với trình độ phát triển cũng như truyền thống của xã hội ta. Trong khi đó, những nếp nghĩ và thói quen lạc hậu, cổ hủ, phong kiến cũng đang có xu hướng được phục hồi. Những quan niệm của chủ nghĩa gia trưởng, thói coi thường phụ nữ, nạn bạo lực và xung đột trong gia đình đã lan rộng ở cả thành thị lẫn nông thôn. Ở nhiều nơi và nhiều lúc, các mối quan hệ gia đình đã bị đổ vỡ, con cái bất hiếu, bỏ rơi thậm chí hỗn xược, đánh đập, sát hại cha mẹ già. Người lớn không quan tâm hoặc buông trôi trách nhiệm trong việc chăm nom dạy dỗ con trẻ. Gia đình ở nước ta, bên cạnh những bước phát triển mới, tiến bộ, thuận lợi cũng đã phải đối diện với rất nhiều thách thức và bước đầu cũng đã có những dấu hiệu của sự khủng hoảng.
Trong bối cảnh trên, việc đẩy mạnh nghiên cứu về những giải pháp tăng cường vai trò gia đình trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ở nước ta, vẫn tiếp tục trở thành một nhu cầu cấp bách trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
GS ĐẶNG CẢNH KHANH