Sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là cấp thiết

VHO- Ngày 8.10, Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo lấy ý kiến Hồ sơ sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là cấp thiết - Anh 1

Các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp tại Hội thảo

Các đại biểu gồm chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực gia đình, đại diện các bộ, ngành, các tổ chức liên quan tới công tác PCBLGĐ đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp xác đáng và đều thống nhất đề nghị việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) là vô cùng cấp thiết đối với đời sống xã hội hiện tại.

Những khoảng trống

Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) Trần Tuyết Ánh nhận định sau 12 năm triển khai và thi hành Luật PCBLGĐ, bên cạnh những thành tựu đạt được thì Luật cũng đã bộc lộ hạn chế dẫn tới hiện trạng BLGĐ vẫn là một vấn đề nhức nhối ở Việt Nam hiện nay. Vụ trưởng Vụ Gia đình nhấn mạnh trong giai đoạn 2009-2019, theo thống kê của 63 tỉnh thành, tổng số vụ BLGĐ đã phát hiện trên cả nước là 297.498 vụ. Tuy nhiên, liệu con số này đã phản ánh đúng tình hình BLGĐ ở Việt Nam hay chưa? Hiện nay, việc tổng hợp thông tin về BLGĐ được thực hiện theo ngành dọc. Mỗi cơ quan, tổ chức tổng hợp theo đối tượng, chức năng, nhiệm vụ song lại không có cơ chế chia sẻ dữ liệu. Do đó, số liệu bị rời rạc, thiếu nhất quán, trùng lặp và chưa phản ánh đầy đủ tình hình BLGĐ. Nguyên nhân chính của vấn đề này do những bất cập của Luật PCBLGĐ hiện hành.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Thanh Liêm cho biết Đề cương Luật PCBLGĐ (sửa đổi) có 5 chương với 58 điều. Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đưa ra 6 chính sách, cụ thể là: Mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng công tác hòa giải trong PCBLGĐ; Đa dạng hóa nội dung, đối tượng, loại hình thông tin, tuyên truyền về PCBLGĐ; Hoàn thiện các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ; Tăng cường các biện pháp bảo đảm cho công tác PCBLGĐ; Khuyến khích xã hội hóa công tác PCBLGĐ; Xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình và PCBLGĐ. Mỗi chính sách hồ sơ đều đưa ra những lý giải xác định về vấn đề bất cập, mục tiêu giải quyết và các giải pháp đề xuất để giải quyết từng bất cập ở từng chính sách. Đơn cử như ở chính sách 1 có những bất cập như theo quy định Luật, hòa giải không được thực hiện với vụ việc BLGĐ đã xử lý hành chính hoặc hình sự, điều này đã dẫn đến các mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình không được giải quyết triệt để. Không ít trường hợp, người có hành vi bạo lực sau khi bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự vẫn tiếp tục có hành vi BLGĐ. Nguyên nhân do Luật PCBLGĐ chưa quy định rõ những trường hợp thế nào thì được gọi là mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, trường hợp nào được coi là hành vi BLGĐ. Chính vì vậy mà Luật mới sẽ phải làm rõ sự khác biệt giữa nội hàm “bạo lực gia đình” và “mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình” và đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp.

Không thể chỉ trông chờ ở hòa giải

Hội thảo đã đưa ra nhiều trao đổi để làm cụ thể hơn nữa Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật PCBLGĐ (sửa đổi, bổ sung) của Bộ VHTTDL và cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là mục tiêu hạn chế được vấn nạn BLGĐ hiện nay trong xã hội. Bà Hà Thị Quỳnh Anh, Chuyên gia của Quỹ Dân số Liên hợp quốc cho rằng qua nhiều cuộc khảo sát, thống kê về việc thực hiện Luật PCBLGĐ thì tỷ lệ số vụ BLGĐ giảm không đáng kể so với 10 năm về trước khi bắt đầu triển khai Luật PCBLGĐ. Điều đáng báo động là số nạn nhân bị BLGĐ không dám lên tiếng là 50% (năm 2010) thì đến năm 2019 là 49%. Cho tới thời điểm hiện tại có tới 87% nạn nhân bị BLGĐ đã không kêu gọi sự hỗ trợ. Những số liệu điều tra này cho thấy những quy định của Luật PCBLGĐ đã chưa thực sự sát với thực tiễn, chưa phát huy được hiệu quả. Mặt khác nguồn nhân lực và tài chính cho PCBLGĐ hiện nay quá ít ỏi, các địa phương hiện nay hầu hết gặp khó khăn về kinh phí và nguồn nhân lực để triển khai nhiệm vụ PCBLGĐ. Đây cũng là vấn đề mà Luật mới sửa đổi sẽ phải có những quy định cụ thể hơn.

Bà Nguyễn Thu Thúy, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới – Gia đình – Phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) lưu ý với vấn đề hòa giải vì hiện nay rất nhiều vụ việc BLGĐ ở những góc độ nghiêm trọng mà cơ sở vẫn áp dụng biện pháp thông thường hòa giải dẫn tới nhiều nạn nhân bị BLGĐ không biết làm sao để thoát khỏi bị BLGĐ cũng như được ứng phó kịp thời ngay cả khi an toàn tính mạng bị đe dọa. Nhiều ý kiến tại Hội thảo cũng cho rằng áp dụng hòa giải tới đâu và cần có những quy định phạm vi, mức độ ra sao về hòa giải đối với từng hành vi BLGĐ cũng cần phải làm rõ. Hiện nay việc hòa giải còn mạng nặng thủ tục hành chính, người tham gia hòa giải trong PCBLGĐ còn hạn chế về kiến thức và kỹ năng, thậm chí một số người còn tư tưởng định kiến giới nên công tác hòa giải trong PCBLGĐ chưa hiệu quả.

Có thể thấy, sau 12 năm triển khai và thi hành Luật PCBLGĐ, Luật đã bộc lộ hạn chế ngay từ những quy định. Cụ thể như quy định về biện pháp giáo dục và hỗ trợ đối tượng có hành vi BLGĐ chưa được quy định rõ ràng. Đối tượng gây BLGĐ nếu bị phát hiện thì chủ yếu là áp dụng các biện pháp xử lý, ít được giáo dục nâng cao kiến thức pháp luật về giới. Xét về góc độ tâm lý, người có hành vi BLGĐ là người cũng bị khủng hoảng về tâm lý, không có khả năng tự tìm ra giải pháp hòa giải các mâu thuẫn trong gia đình. Hiện nay, các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc BLGĐ còn khá phức tạp, nhất là quy định về viết đơn, tố cáo. Nhiều nạn nhân BLGĐ ngại tiếp xúc với chính quyền vì không biết phải trình bày thế nào, thậm chí bị người gây bạo lực hoặc người trong gia đình đe dọa nếu tố cáo. Các biện pháp cấm tiếp xúc cũng chưa thực sự bảo vệ nạn nhân BLGĐ như Luật PCBLGĐ quy định khi xảy ra BLGĐ phải có đơn yêu cầu của nạn nhân, người giám hộ, người đại diện hợp pháp như vậy sẽ rất nguy hiểm cho nạn nhân. Khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì nạn nhân thường là người phải ra khỏi nhà trong khi họ là người yếu thế trong gia đình như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi.

Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Tuyết Ánh cho rằng, các ý kiến tại Hội thảo cũng như các văn bản góp ý về sửa đổi Luật PCBLGĐ từ các Bộ, ban ngành và các tổ chức đều cho rằng việc ban hành Luật PCBLGĐ (sửa đổi) sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật PCBLGĐ hiện hành, đặc biệt là xử lý nghiêm người có hành vi BLGĐ, người vi phạm pháp luật trong PCBLGĐ, tăng cường các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong thực thi nhiệm vụ PCBLGĐ, nâng cao chất lượng của công tác hòa giải, thông tin tuyên truyền và khuyến khích xã hội hóa trong PCBLGĐ. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia, đặc biệt là các thành viên, các chuyên gia tham gia soạn thảo Luật PCBLGĐ, những tổ chức đang thực thi Luật PCBLGĐ để làm sao Luật mới khi được soạn thảo, ban hành sẽ phải sát với thực tiễn, có tác dụng thực sự ngăn ngừa và xử lý các vụ việc BLGĐ. 

Cần quy định cụ thể các dạng hành vi BLGĐ

Trong quá trình thực hiện các biện pháp ngăn ngừa và PCBLGĐ, CSAGA đã gặp rất nhiều vấn đề bất cập khi xử lý các vụ việc về BLGĐ. Ban soạn thảo Hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật PCBLGĐ đã đề cập và gọi tên rất cụ thể các dạng hành vi bạo lực gia đình như dạng bạo lực thể xác, dạng bạo lực tinh thần, dạng bạo lực kinh tế, dạng bạo lực tình dục và các dạng bạo lực khác là rất xác đáng giúp cho người thực thi pháp luật và bản thân các nạn nhân bị BLGĐ cũng nhận thức rõ hơn về hành vi BLGĐ ở nhiều góc độ.

(Bà NGUYỄN THU THÚY, Phó giám đốc CSAGA)

 THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc