Sách viết về bệnh trầm cảm: Lời “cảnh tỉnh” về đời sống hiện đại
VHO- Khi cơn đau của căn bệnh trầm cảm đang xâm lấn đời sống xã hội từng ngày, từng giờ thì những cuốn sách viết về nó giống như liều thuốc cần thiết.
Những cuốn sách về trầm cảm giống như những trợ giúp đầu tiên nhằm xoa dịu tổn thương do căn bệnh gây ra
Người ta viết về nó, đón đọc nó trong tâm thế người trong cuộc, trong tâm thế của một người đồng hành, giúp chữa lành, xoa dịu những tổn thương.
Nỗi đau không của riêng ai
Theo nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới WHO, cứ mỗi giờ có 45 người chọn cách từ giã cõi đời vì căn bệnh này, có hơn 400.000 người tự tử mỗi năm do trầm cảm. Ngày nay, trầm cảm được xếp vào top những căn bệnh phổ biến nhất, chính xác là nó là căn bệnh không của riêng ai. Hiểu và chung sống với nó là một chuyện không hề dễ, nhưng cũng không quá khó để có thể làm quen với nó. Những cuốn sách về trầm cảm chính là “cơ hội” để mỗi người có thêm nhận thức về sức tàn phá và cách phòng tránh căn bệnh này.
Có thể thấy, ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng xuất hiện nhiều đầu sách dịch về bệnh trầm cảm. Như Đừng để trầm cảm tấn công bạn của tác giả David D. Burns đã có hơn 3 triệu bản bán ra trên toàn thế giới. Vị bác sĩ ngành tâm thần học đã cung cấp những phương pháp khoa học giúp cải thiện trạng thái tinh thần và có cách nhìn tích cực về cuộc sống thông qua thấu hiểu bản thân, triệt tiêu cảm xúc tiêu cực, vượt qua chủ nghĩa cầu toàn, dập tắt cơn giận... Hay Có ai khác trong tôi do Jessica Burkhart biên soạn quy tụ 31 tác giả nổi tiếng chuyên viết cho thanh thiếu niên. Từng người họ, bằng kinh nghiệm bản thân, bằng nỗi cô đơn trên con đường trưởng thành và nỗ lực vượt qua chứng trầm cảm, đã đúc kết những điều tốt đẹp về những trải nghiệm có một không hai của mình cho giới trẻ.
Và những tác giả Việt Nam, bằng những trải nghiệm, trăn trở của riêng mình cũng đã cho ra nhiều cuốn sách xoay quanh vấn đề trầm cảm. Có thể kể đến cuốn Khi mây đen kéo tới, Có một cơn đau mang tên trầm cảm của PGS.TS Tâm lý học Nguyễn Thị Phương Hoa, Trầm cảm - Sát thủ thầm lặng của hai tác giả Nguyễn Đỗ Khả Tú và Nguyễn Thanh Hà... Ở Việt Nam, trầm cảm chưa được hiểu rõ, thậm chí còn bị hiểu lầm và kỳ thị, thực tế tư liệu đề cập về bệnh cũng không nhiều. Những cuốn sách với trải nghiệm thực tế từ người trong cuộc được cho là rất cần thiết trong bối cảnh như vậy. Như tác giả Nguyễn Đỗ Khả Tú chia sẻ về cuốn sách của mình: “Khoảng thời gian 2012, mình vật lộn với những cảm giác hụt hẫng, vô vọng, hoang mang. Lúc ấy trầm cảm là một căn bệnh hoàn toàn xa lạ với tôi. Chỉ khi gặp bác sĩ và sau này theo học chuyên ngành, tôi mới biết trầm cảm là gì và nguy hiểm đến thế nào. Mong rằng qua cuốn sách, bạn đọc và các bậc cha mẹ có được những kiến thức bổ ích về căn bệnh”.
Xoa dịu tổn thương
“Tôi xin chia sẻ với tất cả các bà mẹ, ông bố, những người đang “inbox” hằng ngày với tôi để kể về những khó khăn mà con em họ đang phải đối mặt. Tôi muốn qua câu chuyện của mình, để gửi gắm một thông điệp rõ ràng hơn về nhu cầu phải hiểu biết về căn bệnh trầm cảm, một căn bệnh có thể bị đẩy lùi nếu chúng ta đủ kiến thức và không đơn độc”. Đó là chia sẻ của PGS.TS Tâm lý học Nguyễn Thị Phương Hoa trong buổi ra mắt cuốn sách thứ hai của mình mới đây tại Hà Nội: Có một cơn đau mang tên trầm cảm.
Cũng như nhiều cuốn sách viết về trầm cảm xuất hiện ở Việt Nam mấy năm trở lại đây, Nguyễn Thị Phương Hoa chia sẻ dưới góc độ “người trong cuộc” - một người mẹ có con trai không may mắc bệnh trầm cảm. Đó là những câu chuyện hằng ngày, mô tả những trải nghiệm khi cùng con vượt qua những cơn đau, vươn lên chiến thắng bệnh tật. Qua những trang viết, người đọc nhận ra trầm cảm thực sự là căn bệnh đáng sợ, nhưng hiểu biết sâu sắc về căn bệnh vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, những vụ tự tử vì trầm cảm vẫn xuất hiện liên tục trên mặt báo: một số ca sĩ, một đầu bếp nổi tiếng, ngay cả một số em học sinh… khiến nhiều người bàng hoàng.
Những tác phẩm viết về trầm cảm ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường sách Việt là một “cảnh tỉnh” về thực trạng đời sống hiện đại, khi mọi thứ ngày càng phát triển nhưng cũng kéo theo vô vàn nỗi đau âm ỉ, trầm lặng, ảnh hưởng sâu đậm đến những ai chạm đến nó. Theo PGS. TS Tâm lý học Nguyễn Thị Phương Hoa, tất cả các cuốn sách nói chung không thể chữa khỏi được bệnh trầm cảm. Bệnh trầm cảm cần được thăm khám, chăm sóc chuyên biệt và hầu hết các trường hợp cần được điều trị bằng thuốc, bởi các bác sĩ chuyên khoa, đồng thời cần được trị liệu bởi các nhà trị liệu tâm lý học lâm sàng được đào tạo chuyên nghiệp. Có điều, càng nhiều cuốn sách về trầm cảm được dịch, được viết ra, đó sẽ là những “trợ giúp đầu tiên, là chỗ dựa tinh thần để giúp một tay, xoa dịu tổn thương do căn bệnh trầm cảm gây ra”.
NGỌC HÀ